Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị quyết 96/2013/NQ-HĐND17 về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về địa phương trong tỉnh Bắc Ninh

Số hiệu 96/2013/NQ-HĐND17
Ngày ban hành 12/07/2013
Ngày có hiệu lực 22/07/2013
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Nguyễn Sỹ
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 96/2013/NQ-HĐND17

Bắc Ninh, ngày 12 tháng 07 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, THỦ TỤC XÉT CÔNG NHẬN NGHỀ TRUYỀN THỐNG, LÀNG NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG, THỢ GIỎI, NGHỆ NHÂN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ CÔNG ĐƯA NGHỀ MỚI VỀ CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG TỈNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ các Thông tư: Số 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP; Thông tư liên tịch số 41/2002/TTLT-BNN-BLĐTBXH-BVHTT, ngày 30/5/2002 của Liên bộ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận danh hiệu và một số chính sách đối với nghệ nhân; Thông tư số 01/2007/TT-BCN ngày 11/01/2007, số 26/2011/TT-BCT ngày 11/7/2011 của Bộ Công thương hướng dẫn tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú;

Sau khi xem xét tờ trình số 89/TTr-UBND ngày 01/7/2013 của UBND tỉnh đề nghị “V/v sửa đổi, bổ sung Quyết định số 82/2009/QĐ-UBND ngày 03/6/2009 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc Quy định về tiêu chuẩn, thủ tục xét danh hiệu và khen thưởng đối với làng nghề, thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh”; báo cáo thẩm tra của Ban văn hóa - xã hội và ý kiến thảo luận của các đại biểu,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh”.

Điều 2. UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Hàng năm báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp thường kỳ cuối năm của HĐND tỉnh.

Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 22/7/2013 và bãi bỏ Nghị quyết số 133/2009/NQ-HĐND16 ngày 23/4/2009 của HĐND tỉnh.

Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết được HĐND tỉnh khóa XVII, kỳ họp thứ 9 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Sỹ

 

QUY ĐỊNH

VỀ TIÊU CHUẨN, THỦ TỤC XÉT CÔNG NHẬN NGHỀ TRUYỀN THỐNG, LÀNG NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG, THỢ GIỎI, NGHỆ NHÂN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ CÔNG ĐƯA NGHỀ MỚI VỀ CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG TỈNH
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 96/2013/NQ-HĐND17 ngày 12/7/2013 của HĐND tỉnh Bắc Ninh)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích, yêu cầu:

1. Việc công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển ngành nghề, làng nghề, nghề cổ truyền và nghề mới trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường hiệu lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về các ngành nghề sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

2. Tôn vinh các thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức và cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh nhằm khuyến khích, phát huy vai trò của họ đối với việc xây dựng, khôi phục và phát triển ngành nghề, làng nghề truyền thống, làng nghề mới trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Động viên thợ thủ công nâng cao trình độ về kỹ thuật và kinh nghiệm trong việc: Phục hồi các sản phẩm cũ; nghiên cứu, sáng tác các sản phẩm mới có giá trị kinh tế, tính nghệ thuật để góp phần phát triển sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng cường xuất khẩu, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Xây dựng nông thôn mới, phát triển ngành nghề, làng nghề phải gắn với công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo vệ môi trường của từng vùng, từng thôn, xã.

Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

1. Đối với các nghề và làng nghề: Quy định này áp dụng cho tất cả các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống thuộc mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

2. Đối với thợ giỏi, nghệ nhân: Là công dân có hộ khẩu thường trú tại Bắc Ninh, làm việc trong các ngành nghề sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

3. Đối với tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh: Bao gồm tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

[...]