Nghị quyết 94/2022/NQ-HĐND quy định về cơ chế huy động, lồng ghép nguồn vốn và tỷ lệ số lượng dự án thực hiện theo cơ chế đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 94/2022/NQ-HĐND
Ngày ban hành 16/12/2022
Ngày có hiệu lực 27/12/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Hoàng Trung Dũng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 94/2022/NQ-HĐND

Hà Tĩnh, ngày 16 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ HUY ĐỘNG, LỒNG GHÉP NGUỒN VỐN VÀ TỶ LỆ SỐ LƯỢNG DỰ ÁN THỰC HIỆN THEO CƠ CHẾ ĐẶC THÙ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2022-2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021 phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025; số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2022 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

Xét Tờ trình số 457/TTr-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành về cơ chế huy động, lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2025; Báo cáo thẩm tra số 531/BC-HĐND ngày 13 tháng 12 năm 2022 của Ban Kinh tế - Ngân sách và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

a) Quy định về cơ chế huy động, lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (viết tắt là các chương trình mục tiêu quốc gia); lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh;

b) Quy định tỷ lệ dự án được áp dụng theo cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia,

2. Đối tượng áp dụng

Nghị quyết này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc huy động nguồn vốn, thực hiện lồng ghép và quản lý các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2025.

Điều 2. Huy động và sử dụng nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Thực hiện theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Điều 3. Giải pháp huy động nguồn vốn

1. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022-2025 với các hình thức khác nhau; ưu tiên hình thức truyền thông, tuyên truyền có sự tham gia của cộng đồng dân cư tại cơ sở; từ đó khuyến khích người dân tự nguyện tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

2. Quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiệm vụ xây dựng thí điểm tỉnh nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 đến các cán bộ, công chức người lao động các cấp trên địa bàn tỉnh, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong công tác tham mưu tổ chức thực hiện có hiệu quả và đề xuất các giải pháp huy động nguồn vốn thực hiện các chương trình phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

3. Triển khai có hiệu quả các chính sách đã ban hành giai đoạn 2022-2025 về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; từ đó làm cơ sở thu hút thêm nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

4. Thực hiện cơ cấu lại các khoản chi ngân sách theo hướng giảm chi thường xuyên để tăng chi cho đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

5. Huy động tối đa nguồn vốn tín dụng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; vận động và tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, con em của địa phương sống, làm việc trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn nhằm góp phần thực hiện đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

6. Chủ động làm việc, tranh thủ sự ủng hộ từ các Bộ, ngành trung ương nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và thực hiện các dự án ưu tiên trong đề án tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

7. Kịp thời khen thưởng, biểu dương những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình đã có đóng góp đáng kể cho xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó tạo sức lan tỏa để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình khác.

[...]