Nghị quyết 41/2022/NQ-HĐND quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn, huy động nguồn vốn và tỷ lệ số lượng dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù trong Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025
Số hiệu | 41/2022/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 09/12/2022 |
Ngày có hiệu lực | 20/12/2022 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Nam |
Người ký | Phan Việt Cường |
Lĩnh vực | Thương mại,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội |
HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/2022/NQ-HĐND |
Quảng Nam, ngày 09 tháng 12 năm 2022 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ MƯỜI HAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;
Xét Tờ trình số 8156/TTr-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị ban hành Nghị quyết quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn, huy động nguồn vốn và tỷ lệ số lượng dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù trong các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025; Báo cáo thẩm tra số 199/BC-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2022 của Ban Kinh tế – Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án khác; cơ chế huy động nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và tỷ lệ số lượng dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù trong các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.
2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện và quản lý nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Điều 2. Nguyên tắc lồng ghép, huy động các nguồn vốn
1. Tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan.
2. Việc lồng ghép, huy động các nguồn vốn để thực hiện nội dung, nhiệm vụ, dự án phải phù hợp với nội dung của các Chương trình mục tiêu quốc gia được phê duyệt, phù hợp với nội dung các chương trình, dự án khác và trên cùng địa bàn cấp huyện, cấp xã, thôn; đảm bảo không làm thay đổi mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình, dự án; không xung đột về phạm vi, đối tượng thụ hưởng; tránh dàn trải, lãng phí trong sử dụng vốn.
3. Một nội dung, nhiệm vụ, dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia có thể đầu tư bằng một hoặc nhiều nguồn vốn khác nhau để đạt được mục tiêu.
4. Nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia nào thì lấy nhiệm vụ, mục tiêu của chương trình đó làm trung tâm để triển khai thực hiện, đảm bảo nguyên tắc:
a) Trên cùng một địa bàn đầu tư: Căn cứ tình hình thực tế và mục tiêu ưu tiên cần đạt được của từng địa phương trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các huyện, thị xã, thành phố xem xét, quyết định việc lấy mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia nào làm trọng tâm để lồng ghép, huy động các nguồn vốn thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.
b) Trong cùng một nội dung, nhiệm vụ, dự án, tiểu dự án: Xác định rõ tỷ lệ, cơ cấu từng nguồn vốn được huy động, lồng ghép; đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp và phải được cấp thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện.
5. Việc lồng ghép, huy động các nguồn vốn được thực hiện từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách và sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn vốn, tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả.
a) Đối với các nội dung, nhiệm vụ, dự án trong các Chương trình mục tiêu quốc gia do các cơ quan cấp tỉnh làm chủ đầu tư: Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ động bố trí lồng ghép nguồn vốn thực hiện.
b) Đối với các nội dung, nhiệm vụ, dự án trong các Chương trình mục tiêu quốc gia do cấp huyện, cấp xã làm chủ đầu tư: Cấp huyện, cấp xã chủ động bố trí lồng ghép các nguồn vốn ngân sách địa phương, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện và đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí, định mức về quản lý, sử dụng các nguồn vốn theo quy định của pháp luật.
6. Các nguồn vốn huy động để thực hiện lồng ghép theo nguyên tắc tự giác, tự nguyện, công khai, minh bạch, bằng nhiều hình thức (bằng tiền, bằng hiện vật, bằng ngày công lao động...).