HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 89/NQ-HĐND
|
Lâm Đồng, ngày 08
tháng 7 năm 2022
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ
ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN PHỤC VỤ CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG
THÔN MỚI TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 6
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Quyết định số 263/QĐ-TTg
ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Quyết
định số 318/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ
tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã
nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn
2021 - 2025; Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022
của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc
gia về huyện nông thôn mới;
quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng
nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông
thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Nghị quyết số 81/NQ-HĐND ngày 08 tháng 7
năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng
giai đoạn 2021 - 2025;
Xét Tờ trình số 4312/TTr-UBND ngày 15 tháng 6
năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết về Đề án phát triển đường
giao thông nông thôn phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng
đến năm 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh;
ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê duyệt những nội dung chính của Đề án phát triển đường
giao thông nông thôn phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng
đến năm 2025 kèm theo Nghị quyết này.
Điều 2. Tổ
chức thực hiện
1. Ủy ban
nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội
đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết
này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng Khóa X Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày
08 tháng 7 năm 2022 và có hiệu lực từ ngày thông qua./.
NỘI
DUNG CHÍNH CỦA ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN PHỤC VỤ CHƯƠNG TRÌNH
XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Nghị quyết số 89/NQ-HĐND ngày 08 tháng 7 năm 2022 của Hội
đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
Phần
1
MỤC TIÊU XÂY DỰNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2025
1. Mục tiêu
chung
a) Phát triển kết cấu hạ tầng giao
thông nông thôn đảm bảo chất lượng, bền vững nhằm xây dựng nông thôn mới có kết
cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, gắn kết mạng lưới giao thông
khu vực nông thôn với mạng lưới giao thông của huyện, tỉnh, tạo sự kết nối
thông suốt; đảm bảo lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên vật liệu cho sản xuất và
tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi, nhanh chóng.
b) Nâng cao chất lượng các tiêu
chí giao thông để xây dựng tỉnh Lâm Đồng đạt tiêu chí tỉnh nông thôn mới trước
năm 2025 theo Kế hoạch số 47-KH/TU ngày 03 tháng 6 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh
ủy và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh
Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025:
- Cấp xã: 100% số xã đạt chuẩn
tiêu chí về giao thông thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; trong
đó, ít nhất 42,3% số xã (ít nhất 47 xã) đạt chuẩn tiêu chí về giao thông thuộc
Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao.
- Cấp huyện: 100% số huyện đạt chuẩn
tiêu chí về giao thông thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; trong
đó, ít nhất 02 huyện đạt chuẩn tiêu chí về giao thông thuộc Bộ tiêu chí quốc
gia về huyện nông thôn mới nâng cao.
2. Mục tiêu
cụ thể
a) 100% km đường huyện được nhựa hóa
hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo quy hoạch và được bảo trì hàng năm, đảm bảo
sáng - xanh - sạch - đẹp và có các hạng mục cần thiết (biển báo, biển chỉ dẫn,
chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh…) theo quy định.
b) 100% số km đường xã được nhựa
hóa hoặc bê tông hóa và được bảo trì hàng năm, đảm bảo sáng - xanh - sạch
- đẹp và có các hạng mục cần thiết (biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm
tốc, cây xanh…) theo quy định.
c) 100% số km đường thôn, liên
thôn được cứng hóa (nhựa hóa hoặc bê tông hóa); bảo trì hàng năm, đảm bảo sáng
- xanh - sạch - đẹp và có các hạng mục cần thiết (biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu
sáng, gờ giảm tốc, cây xanh…) theo quy định.
d) Từ 85% trở lên số km đường ngõ,
xóm, hẻm được cứng hóa (nhựa hóa hoặc bê tông hóa), đảm bảo sáng - xanh - sạch
- đẹp.
đ) Từ 85% trở lên số km đường nội
đồng được cứng hóa (nhựa hóa hoặc bê tông hóa) đáp ứng yêu cầu sản xuất và vận
chuyển hàng hóa.
e) Đầu tư hoàn thành bến xe khách
tại trung tâm các huyện: Lạc Dương, Đức Trọng, Đam Rông và Đạ Huoai đạt tiêu
chuẩn loại IV trở lên; các địa phương còn lại duy trì hoặc đầu tư nâng cấp bến
xe đạt loại III trở lên.
Phần 2
NHIỆM VỤ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN
1. Dự kiến
khối lượng và nhu cầu vốn thực hiện
a) Đầu tư xây dựng mới và cải tạo,
nâng cấp khoảng 829 km đường giao thông nông thôn với tổng vốn đầu tư khoảng
1.596 tỷ đồng([1]),
trong đó:
- 118 km đường huyện, đường xã đạt
chuẩn theo quy hoạch với tổng vốn đầu tư khoảng 723 tỷ đồng, gồm: Đầu tư xây dựng
mới 89 km, vốn đầu tư khoảng 578 tỷ đồng; đầu tư cải tạo, nâng cấp trên mặt đường
cũ 29 km, vốn đầu tư khoảng 145 tỷ đồng;
- 252 km đường thôn, liên thôn với
tổng vốn đầu tư khoảng 319 tỷ đồng, gồm: Đầu tư xây dựng mới 124 km, vốn đầu tư
khoảng 159 tỷ đồng; đầu tư cải tạo, nâng cấp trên mặt đường cũ 128 km, vốn đầu
tư khoảng 160 tỷ đồng.
- 420 km đường ngõ, xóm, hẻm với tổng
vốn đầu tư khoảng 506 tỷ đồng, gồm: Đầu tư xây dựng mới 26 km, vốn đầu tư khoảng
32 tỷ đồng; đầu tư cải tạo, nâng cấp trên mặt đường cũ 394 km, vốn đầu tư khoảng
474 tỷ đồng.
- 39 km đường nội đồng với tổng vốn
đầu tư khoản 48 tỷ đồng, gồm: Đầu tư mới 22 km, vốn đầu tư khoảng 27 tỷ đồng; đầu
tư cải tạo, nâng cấp trên mặt đường cũ 17 km, vốn đầu tư khoảng 21 tỷ đồng.
b) Công tác bảo trì hằng năm: Thực
hiện bảo trì 737 km đường huyện, 1.416 km đường xã và 1.614 km đường thôn, với
tổng kinh phí khoảng 112 tỷ đồng([2]) (đường huyện: 15 tỷ đồng/năm; đường
xã: 14,2 tỷ đồng/năm; đường thôn, liên thôn: 8 tỷ đồng/năm).
c) Đầu tư bến xe khách tối thiểu đạt
loại IV tại các huyện: Lạc Dương, Đức Trọng, Đam Rông và Đạ Huoai, với tổng vốn
đầu tư khoảng 16 tỷ đồng (suất đầu tư trung bình 4 tỷ đồng/bến).
d) Trồng 168.000 cây xanh trên các
tuyến đường giao thông nông thôn với tổng vốn đầu tư khoảng 67 tỷ đồng (suất đầu
tư trung bình 400 nghìn đồng/cây).
2. Dự kiến
nguồn lực
a) Đối với đầu tư xây dựng mới, cải
tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn:
-
Đường huyện, đường xã: 723 tỷ đồng, sử dụng
nguồn vốn ngân sách địa phương (ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện) thực
hiện các dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế
hoạch đầu tư công hằng năm;
- Đối
với đường thôn, liên thôn, ngõ, xóm, hẻm và đường nội đồng: 873 tỷ đồng; trong
đó: sử dụng từ nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương thực hiện các
chương trình mục tiêu quốc gia: 273 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 410 tỷ đồng
và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác: 190 tỷ đồng.
b) Đối với công tác bảo trì đường
giao thông nông thôn: 112 tỷ đồng, trong đó: Sử
dụng từ nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương thực hiện các chương trình
mục tiêu quốc gia: 12 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 100 tỷ đồng và huy động
các nguồn vốn hợp pháp khác.
c) Đầu tư hạ tầng bến xe: 16 tỷ đồng
từ nguồn xã hội hóa.
d) Trồng cây xanh trên các tuyến
đường giao thông nông thôn: 67 tỷ từ nguồn ngân sách địa phương triển khai thực
hiện Chương trình trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh.
3. Phân kỳ đầu
tư
a) Năm 2022: Ưu tiên đầu tư đối với
04 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới và các xã đăng ký và được cấp có thẩm quyền
giao nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong hai năm 2022 - 2023.
b) Năm 2023: Ưu tiên đầu tư cho
các xã đăng ký và được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới
nâng cao trong năm 2024.
c) Năm 2024: Ưu tiên đầu tư cho
các xã đăng ký và được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới
nâng cao trong năm 2025; các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng
cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn trước nhưng cần đầu tư nâng cấp để đảm bảo theo
Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025 (đảm bảo ít nhất 47 xã đạt tiêu chí nông
thôn mới nâng cao).
d) Năm 2025: Đầu tư cho các xã
đăng ký và được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới nâng
cao sau năm 2025 và các xã phấn đấu vượt các tiêu chí về giao thông đã đạt được.
4. Cơ chế hỗ
trợ đầu tư
a) Đối với đường huyện, đường xã:
Ngân sách nhà nước đầu tư 100%.
b) Đối với đường thôn, liên thôn,
ngõ, xóm, hẻm và đường nội đồng:
- Các xã khu vực III; các thôn đặc
biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Ngân sách nhà nước hỗ
trợ 100% tổng mức đầu tư công trình;
- Các xã khu vực II: Ngân sách nhà
nước hỗ trợ 90% tổng mức đầu tư công trình;
- Các xã, thị trấn khu vực I: Ngân
sách nhà nước hỗ trợ 80% tổng mức đầu tư công trình;
- Các xã, thị trấn còn lại: Ngân
sách nhà nước hỗ trợ 70% tổng mức đầu tư công trình;
- Các phường thuộc thành phố Đà Lạt
và thành phố Bảo Lộc: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư công trình.
5. Cơ chế hỗ
trợ bảo trì
a) Đối với đường huyện, đường trục
xã, liên xã, trục thôn, liên thôn: Ngân sách nhà nước đảm bảo 100% kinh phí thực
hiện.
b) Đối với đường ngõ, xóm, hẻm và
đường nội đồng: Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ đối với các xã khu vực III và các
thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ hỗ trợ
tối đa bằng 70% tổng dự toán kinh phí bảo trì.
6. Cơ chế quản
lý đầu tư và bảo trì
a) Đối với việc đầu tư xây dựng
các dự án giao thông nông thôn có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp thực hiện
theo cơ chế đặc thù quy định tại Điều 13 đến Điều 18 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP
ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện
các chương trình mục tiêu quốc gia.
b) Đối với việc đầu tư xây dựng
các công trình, dự án giao thông nông thôn khác thực hiện theo quy định của
pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và các quy định khác có
liên quan.
c) Đối với việc bảo trì đường huyện,
đường xã: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng
01 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì
công trình xây dựng; các Thông tư hiện hành quy định về quản lý, vận hành khai
thác và bảo trì công trình đường bộ.
d) Đối với việc bảo trì đường
thôn, liên thôn, ngõ, xóm, hẻm và đường nội đồng: Thực hiện theo quy định tại
Điều 19 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định
cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
7. Cơ chế huy
động nguồn lực
a) Thực hiện đa dạng, lồng ghép
các nguồn vốn nhằm huy động tối đa các nguồn lực trên địa bàn theo phương châm
dựa vào nội lực của cộng đồng địa phương là chính.
b) Huy động và sử dụng vốn ngân
sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được bố trí trong kế
hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch đầu tư hằng năm.
c) Huy động, thu hút nguồn vốn từ
các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào thực hiện các dự án và các hoạt động
khác về đầu tư, bảo trì, quản lý đường giao thông thôn theo quy định của pháp
luật.
d) Huy động nguồn đóng góp tự nguyện
của người dân (mặt bằng thi công, tự giải tỏa cây trồng, vật kiến trúc, đóng
góp bằng tiền, bằng hiện vật hoặc bằng ngày công lao động), doanh nghiệp, tổ chức
thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đảm bảo trên tinh thần tự nguyện,
công khai, minh bạch, rõ trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật.
Phần 3
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Giải pháp
về tuyên truyền
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn về đầu tư, bảo trì giao thông
nông thôn gắn với các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; phong trào “Cả
nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 và thực hiện tốt
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
b) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam tỉnh và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội thuộc tỉnh phối hợp chặt
chẽ với chính quyền các cấp để tổ chức phổ biến, tuyên truyền, vận động các tầng
lớp nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.
c)
Các địa phương thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở với phương châm “dân
biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, đảm bảo công khai, minh bạch trong huy động và sử dụng
vốn, nghiệm thu và thanh quyết toán công trình. Thực hiện tốt công tác thi đua
- khen thưởng, biểu dương, khuyến khích kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình
tiên tiến, những mô hình, cách làm hay trong công tác vận động nhân dân tham
gia xây dựng nông thôn mới.
d)
Kịp thời phổ biến, tuyên truyền đầy đủ các văn bản của cấp trên, thông qua các
hội nghị và các phương tiện truyền thông hiện có của xã, thôn; đặc biệt là những
vấn đề, những nội dung mang tính bức thiết, nhằm động viên huy động nội lực,
khơi dậy tinh thần đoàn kết, tính trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân.
đ)
Chủ động lồng ghép nội dung trong thực hiện các hoạt động truyền thông, tuyên
truyền về các chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh
trùng lặp, lãng phí.
2. Giải pháp
về công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức quản lý thực hiện và nhân lực thực hiện
a)
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong đầu tư
phát triển giao thông nông thôn; các sở,
ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai nhiệm vụ phát triển
đường giao thông nông thôn.
b)
Củng cố, kiện toàn các Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, Ban quản lý cấp xã và
Ban phát triển thôn, xóm; đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện kịp
thời, sát đúng với thực tiễn.
c)
Tăng cường phân cấp, trao quyền; phân công rõ ràng nhiệm vụ thực hiện các nội
dung, hoạt động thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao năng lực
quản lý, tổ chức thực hiện cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên các cấp;
thúc đẩy năng lực tự thực hiện của cộng đồng dân cư.
d)
Tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác giao thông nông thôn từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao kiến thức, năng lực quản
lý điều hành và thực thi của cán bộ các cấp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ
năng lực để triển khai hiệu quả Đề án; tổ chức tham quan mô hình nông
thôn mới tại một số địa phương.
đ)
Tổ chức đào tạo, tập huấn cho cộng đồng dân cư về nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật về
quản lý, vận hành, bảo trì đường giao thông nông thôn, kỹ năng thực hiện hoạt động giám sát cộng đồng.
e)
Hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách thực hiện các chương trình mục
tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh; đặc biệt về cơ chế
huy động nguồn lực.
3. Giải pháp
về quy hoạch
a) Nâng cao hiệu quả quản lý và thực
hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã
hội nông thôn, gắn với quá trình đô thị hóa.
b)
Khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch xây dựng vùng huyện,
quy hoạch chung để làm cơ sở cho xã lập quy hoạch mới, điều chỉnh bổ sung quy
hoạch chung xã nông thôn mới giai đoạn tiếp theo.
4. Giải pháp
về ngân sách nhà nước
a) Tăng cường quản lý thu, chi
ngân sách, thực hành tiết kiệm chi thường xuyên, chi đầu tư để ưu tiên trong đầu
tư đường xây dựng giao thông nông thôn.
b) Huy động tối đa nguồn lực của địa
phương, lồng ghép các nguồn vốn để tổ chức triển khai Đề án. Trên cơ sở quy định
tỷ lệ phân cấp nguồn thu được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt, điều kiện thực
tế, khả năng ngân sách của địa phương để ưu tiên, bố trí nguồn vốn thực hiện
các nội dung xây dựng đường giao thông nông thôn, đảm bảo nguyên tắc phải bố
trí đủ vốn ngân sách địa phương đối ứng theo quy định.
c) Nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo
của Trung ương và của tỉnh về quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, trong
đó, chú trọng việc nâng cao năng lực quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, không để
phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng đường giao thông nông thôn.
5. Giải pháp
về quy mô kỹ thuật và kết cấu công trình
Tuỳ từng loại đường giao thông nông
thôn theo quy hoạch và chức năng sử dụng để áp dụng quy mô kỹ thuật phù hợp
trên cơ sở các tiêu chuẩn về thiết kế đường, thiết kế mẫu và thiết kế điển
hình.
Phần 4
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Căn cứ Đề án phát triển đường giao
thông nông thôn phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 đã được
Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức chỉ đạo thực hiện:
1. Tiếp tục chỉ đạo các sở, ban
ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các quy định tại Nghị định
số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản
lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia:
a) Quyết định (hoặc ủy quyền cho Ủy
ban nhân dân cấp huyện, cơ quan chuyên môn) ban hành thiết kế mẫu, thiết kế điển
hình và áp dụng các thiết kế sẵn có đối với đường giao thông nông thôn.
b) Quy định việc quản lý vận hành
công trình; quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì công trình; quy định về chi
phí hỗ trợ chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án đường giao thông nông thôn.
2. Căn cứ hướng dẫn của các bộ,
ngành liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể theo thẩm quyền đối với một
số tiêu chí về giao thông thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, xã
nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định tại khoản 3 Điều 2
Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban
hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã
nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
3. Tổ chức quản lý, giám sát, kiểm
tra việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư thực hiện nhiệm vụ phát triển đường giao
thông nông thôn theo Đề án./.
([1])
Suất đầu tư trung bình: Đường huyện, đường xã: 6,5 tỷ đồng/km đối với đầu tư
xây dựng mới và 5 tỷ đồng/km đối với đầu tư cải tạo, nâng cấp trên mặt đường
cũ; đường thôn, liên thôn: 1,28 tỷ đồng/km đối với đầu tư xây dựng mới và 1,25
tỷ đồng/km đối với nâng cấp trên mặt đường cũ; đường ngõ, xóm, hẻm 1,25 tỷ đồng/km
đối với đầu tư mới và 1,2 tỷ đồng/km đối với đầu tư cải tạo, nâng cấp trên mặt
đường cũ; đường nội đồng: 1,25 tỷ đồng/km đối với đầu tư xây dựng mới và 965
triệu đồng/km đối với đầu tư cải tạo, nâng cấp trên mặt đường cũ.
([2])
Suất đầu tư bảo trì trung bình: 20 triệu đồng/km/năm đối với đường huyện; 10
triệu đồng/km/năm đối với đường xã và 5 triệu đồng/km/năm đối với đường thôn,
liên thôn.