Nghị quyết 79/NQ-HĐND năm 2023 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024 do tỉnh Bình Thuận ban hành

Số hiệu 79/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2023
Ngày có hiệu lực 08/12/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Hoài Anh
Lĩnh vực Thương mại

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 79/NQ-HĐND

Bình Thuận, ngày 08 tháng 12 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2024

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ 19

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Xét các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các cơ quan có liên quan và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2024,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024 với các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã được xác định trong các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan có liên quan; Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

I. Nhiệm vụ chung và các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2024

1. Nhiệm vụ chung

Tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và của Tỉnh ủy về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, dự toán ngân sách Nhà nước, đầu tư công năm 2024. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy (khóa XIV)[1] và Nghị quyết số 53/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung giải quyết các điểm nghẽn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống cho Nhân dân. Phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024.

2. Một số chỉ tiêu chủ yếu

(1) Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP)

: 8 - 8,5%

Trong đó:

 

- Nông - lâm - thủy sản

: 3 - 3,2%

- Công nghiệp - xây dựng

: 11,5 - 12,4%

Trong đó:

 

+ Công nghiệp

: 11,5 - 12,4%

+ Xây dựng

: 11,8 - 12,6%

- Dịch vụ

: 9,5 - 10%

(2) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội

: 6,4%

(3) Kim ngạch xuất khẩu

: 1.011,3 triệu USD

Trong đó: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa

: 791,3 triệu USD

(4) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn

: 10.000 tỷ đồng

Trong đó: Thu nội địa (không tính dầu thô)

: 9.005 tỷ đồng

(5) Chi đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương

: 3.616 tỷ đồng

(bao gồm vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ)

 

(6) Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên

: 0,81%

(7) Giảm tỷ lệ hộ nghèo

: 0,42%

(8) Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động khu vực thành thị

: 2,65%

(9) Tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức

: 74%

Trong đó: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ

: 31,3%

(10) Số bác sĩ/10.000 dân

: 8,7 bác sĩ

(11) Số giường bệnh/10.000 dân

: 30,9 giường

(12) Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh

: 99%

(13) Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch

: 72%

(14) Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom xử lý

: 87%

(15) Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường

: 100%

(16) Tỷ lệ độ che phủ rừng (gồm rừng tự nhiên và rừng trồng)

: 43%

(17) Tỷ lệ độ che phủ chung (gồm cây công nghiệp và cây lâu năm)

: 55%

II. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

1. Về kinh tế

1.1. Tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội bộ từng ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng thích ứng của nền kinh tế.

- Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 31/12/2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thường xuyên đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp. Khuyến khích phát triển công nghiệp bảo quản sau thu hoạch; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến theo hướng tăng sản phẩm có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao, nhất là chế biến nông - lâm - thủy sản và các sản phẩm lợi thế của tỉnh; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm. Triển khai thực hiện tốt Quy hoạch điện VIII trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Phát huy tối đa tiềm năng đất đai, các công trình thủy lợi đã được đầu tư và các yếu tố về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo hướng sinh thái, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại. Đẩy mạnh thực hiện chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gắn với liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng.

- Tăng cường trách nhiệm trong quản lý, vận hành có hiệu quả các hồ thủy lợi, phục vụ nhu cầu nước sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; đẩy nhanh tiến độ triển khai hồ Ka Pét; tích cực phối hợp với Bộ, ngành Trung ương tập trung công tác chuẩn bị đầu tư hồ La Ngà 3. Xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững, đạt mục tiêu đề ra.

- Phát huy hiệu quả hoạt động khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với chế biến, tạo giá trị gia tăng cao. Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tăng cường quản lý chất lượng tôm giống, giữ vững chất lượng và thương hiệu tôm giống Bình Thuận.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 24/10/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổ chức thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh đến năm 2030. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, tiếp tục mở rộng liên kết, tạo nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường công tác quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch Bình Thuận; giữ vững hình ảnh du lịch Bình Thuận “An toàn - thân thiện - chất lượng”. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu, uy tín, có năng lực, kinh nghiệm tham gia đầu tư các dự án quy mô lớn ở những khu vực có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh theo quy hoạch.

- Coi trọng khai thác và phát triển thị trường tiêu thụ nội địa; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm, khai thác các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng. Tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm lợi thế của tỉnh. Phát triển các ngành dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, vận tải, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và các dịch vụ hỗ trợ khác. Triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, điều hành để bình ổn giá, góp phần kiểm soát lạm phát.

1.2. Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

- Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 28/12/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025. Tiếp tục rà soát, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng về thủ tục đầu tư, chính sách đất đai, thuế, về bồi thường, giải phóng mặt bằng, ưu đãi đầu tư để thu hút các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế để tranh thủ hỗ trợ ngân sách Trung ương, các dự án ODA. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp huy động tối đa các nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân và nguồn vốn khác. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công tư. Phát huy tốt cơ chế huy động sự đóng góp của nhân dân trong phong trào “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” để xây dựng, chỉnh trang bộ mặt nông thôn, đô thị.

- Tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án đầu tư, bảo đảm hoàn thiện các thủ tục, điều kiện cần thiết, khẩn trương phân bổ 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024; quyết liệt thực hiện và giải ngân các nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn đầu tư công. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của tỉnh liên quan đến dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) - đoạn qua địa bàn tỉnh; dự án nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 28B. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông có ý nghĩa lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh[2]. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng các khu đô thị hiện có; quan tâm đầu tư các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, hạ tầng thủy lợi, đê, kè phục vụ phòng, chống hạn, ứng phó với biến đổi khí hậu và những công trình bức xúc, cấp bách; chú ý triển khai thực hiện tốt dự án xây dựng Chung cư sông Cà Ty và dự án Kè sông Cà Ty - đoạn từ Cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm (thành phố Phan Thiết).

- Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, chính sách ưu đãi để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Tạo điều kiện cho các dự án sớm triển khai đầu tư và kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện tốt các giải pháp để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp theo các nghị quyết của Chính phủ.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ