Nghị quyết 74/NQ-HĐND năm 2021 về kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Bình

Số hiệu 74/NQ-HĐND
Ngày ban hành 10/12/2021
Ngày có hiệu lực 10/12/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Nguyễn Tiến Thành
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 74/NQ-HĐND

Thái Bình, ngày 10 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH 05 NĂM GIAI ĐOẠN 2021-2025, TỈNH THÁI BÌNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
KHÓA XVII KỲ HỌP THỨ BA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quản lý nợ công ngày 23 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 31/2017/NĐ-CP ngày 23 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ ban hành Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm;

Căn cứ Nghị định số 45/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm;

Xét Báo cáo số 129/BC-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 05 năm giai đoạn 2016-2020 và định hướng kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Bình; Báo cáo thẩm tra số 38/BC-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Mục tiêu tổng quát

1. Bảo đảm kinh tế tăng trưởng bền vững, huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả tổng thể các nguồn lực tài chính, trong đó nguồn lực từ ngân sách địa phương là cơ bản, lâu dài kết hợp hiệu quả với nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và nguồn huy động tài trợ hợp pháp là quan trọng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh và chủ động hội nhập quốc tế. Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng các nguồn thu bền vững, quản lý thu - chi ngân sách chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước phát triển sản xuất kinh doanh tạo giá trị tăng thêm và tạo các nguồn thu bền vững.

2. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; đẩy mạnh cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2025; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/ĐH ngày 15 tháng 10 năm 2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết số 35/2020/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025; thực hiện nghiêm, hiệu quả các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa theo chỉ đạo của Trung ương.

Điều 2. Mục tiêu cụ thể

1. Về thu ngân sách nhà nước

Phấn đấu tỷ trọng thu nội địa so với tổng thu ngân sách nhà nước không thấp hơn mục tiêu đề ra (chiếm tỷ trọng 85% thu ngân sách nhà nước trên địa bàn). Phấn đấu tốc độ tăng thu nội địa từ thuế, phí (không tính thu tiền sử dụng đất) đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra (12%/năm trở lên). Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế; tích cực đôn đốc thu hồi nợ thuế và áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định, hạn chế nợ mới phát sinh, thu hồi kịp thời số tiền thuế, tiền phạt và các khoản phải thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, kết luận của cơ quan thanh tra.

Phấn đấu tổng thu ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 là 72.854,6 tỷ đồng, tăng 33% so với kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 là 48.483 tỷ đồng; thu nội địa giai đoạn 2021-2025 là 41.858,8 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 86,3% số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giai đoạn 2021-2025 là 6.624 tỷ đồng, bằng 102% so với kế hoạch của giai đoạn 2016-2020. Trong đó:

a) Thu ngân sách địa phương hưởng theo phân cấp giai đoạn 2021-2025 là 35.374,2 tỷ đồng bằng 48,6% tổng thu ngân sách địa phương và đáp ứng được 48,2% tổng chi ngân sách địa phương; thu ngân sách địa phương hưởng theo phân cấp (không bao gồm nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, ghi thu ghi chi giải phóng mặt bằng) giai đoạn 2021-2025 là 22.970,2 tỷ đồng, đảm bảo được 45,8% tổng chi thường xuyên ngân sách địa phương.

b) Thu từ xổ số, tiền sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 là 12.264 tỷ đồng để tạo nguồn chi đầu tư cho các công trình trọng điểm phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Một số nguồn thu mang tính chủ đạo trong ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025: Thu thuế từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 9.237 tỷ đồng chiếm 40%; thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước 3.106 tỷ đồng chiếm 13,5% tổng thu nội địa ngân sách địa phương hưởng (không kể tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết); thuế bảo vệ môi trường phần ngân sách địa phương hưởng là 5.256 tỷ đồng chiếm 23% tổng thu nội địa ngân sách địa phương hưởng (không kể tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết); đây là những nguồn thu mang tính chủ đạo đối với ngân sách địa phương trong giai đoạn 2021-2025 và có tính ổn định cao.

2. Về chi ngân sách nhà nước

Trong quá trình tổ chức thực hiện và điều hành ngân sách hằng năm, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (từ các nguồn tăng thu thực hiện so với dự toán, dự phòng ngân sách, hỗ trợ từ ngân sách trung ương); phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước đạt trên 29% tổng chi ngân sách địa phương, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; cân đối, bố trí nguồn lực để thu hồi số vốn ứng từ ngân sách cấp tỉnh cho các công trình, dự án đến hết năm 2020 chưa thu hồi; kiểm soát chặt chẽ nợ công, vay và trả nợ của chính quyền địa phương, bội chi ngân sách địa phương chỉ dành để đầu tư phát triển. Đảm bảo nguồn lực thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách về tiền lương, an sinh xã hội và thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Trung ương, địa phương ban hành trên địa bàn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công, tinh giản biên chế và tiết kiệm chi thường xuyên; chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo, sự nghiệp khoa học, công nghệ không thấp hơn mức dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Dự kiến tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 là 73.429,3 tỷ đồng, trong đó:

a) Chi đầu tư phát triển là 21.866,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 29,8% so với tổng chi ngân sách địa phương

b) Chi thường xuyên là 50.159,8 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 68,3% so với tổng chi ngân sách địa phương; trong đó:

- Chi sự nghiệp giáo dục là 20.626 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 41% tổng chi thường xuyên ngân sách địa phương.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ