Nghị quyết 6a/2006/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Số hiệu | 6a/2006/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 28/07/2006 |
Ngày có hiệu lực | 07/08/2006 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thừa Thiên Huế |
Người ký | Nguyễn Kim Dũng |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6a/2006/NQ-HĐND |
Huế, ngày 28 tháng 7 năm 2006 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TIẾP TỤC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2006
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA V, KỲ HỌP THỨ 6
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Quán triệt Kết luận của Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 3, khóa XIII ngày 23/ 6/2006;
Căn cứ Nghị quyết số 5a/2005/NQ-HĐND ngày 7/12/2005 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2006;
Sau khi xem xét Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2006; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán thành nội dung Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tiếp tục thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2006; đồng thời nhấn mạnh:
1. Kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2006
Sáu tháng đầu năm, trong điều kiện giá cả thị trường biến động bất thường, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, song kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện. Nhiều chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng kinh tế đạt 11,8% - mức cao nhất so với cùng kỳ các năm trước, doanh thu du lịch tăng cao, thu ngân sách đạt 51,8% dự toán, các ngành công nghiệp, nông lâm nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng khá, các sản phẩm chủ lực về tiểu thủ công nghiệp tăng cao, nông nghiệp được mùa lớn, các ngành dịch vụ phát triển nhanh hơn, đặc biệt ngành du lịch đã gắn kết với các hoạt động kinh tế - xã hội khác, cao điểm là lễ hội Festival Huế 2006 nên số lượng du khách và doanh thu tăng với số lượng khá cao. Công tác quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, đô thị và môi trường được tập trung chỉ đạo. Hầu hết các chương trình trọng điểm, các dự án lớn được triển khai đúng tiến độ và có kết quả. Các lĩnh vực xã hội tiếp tục phát triển khá toàn diện, đặc biệt là nhiệm vụ nâng cao chất lượng dạy và học, khởi động công tác phổ cập giáo dục bậc trung học, đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề, bổ sung thêm nhiều chuyên ngành đào tạo mới ở Đại học Huế và các trường đại học, cao đẳng khác trên địa bàn. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được thực hiện có hiệu quả; chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu từ tuyến cơ sở được cải thiện; có thêm nhiều trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và xây dựng gia đình văn hoá được quan tâm. Nhiều hoạt động văn hoá, thể dục thể thao phong phú được tổ chức nhân các ngày lễ lớn tạo không khí phấn khởi trong nhân dân. Các chính sách xã hội, công tác đền ơn đáp nghĩa được thực hiện tốt. Công tác xóa đói giảm nghèo có nhiều tiến bộ. Chương trình xoá nhà ở tạm đã đạt hơn 90% kế hoạch. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội đạt kết quả cao. Tiếp tục tạo chuyển biến về công tác cải cách hành chính, đặc biệt là việc phân công, phân cấp giữa tỉnh với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Huế rõ ràng và hợp lý hơn tạo cho các ngành, các cấp khả năng chủ động tổ chức thực hiện kế hoạch. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đối chiếu với các nhiệm vụ và chỉ tiêu Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra từ đầu năm, vẫn còn một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt kế hoạch như tốc độ tăng trưởng kinh tế, giá trị ngành dịch vụ tuy có tăng nhưng so với kế hoạch còn thấp; huy động vốn đầu tư có chuyển biến tích cực song chưa đạt mục tiêu đề ra, ngay ở các ngành có khả năng hấp dẫn đầu tư nhất như du lịch.
Công tác qui hoạch, kế hoạch vẫn còn nhiều bất cập, một số chương trình trọng điểm triển khai còn chậm, sự mất cân đối giữa nhiệm vụ và khả năng huy động nguồn lực để thực hiện các chương trình trọng điểm đã phần nào làm hạn chế động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều vướng mắc; sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước còn yếu. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc còn bất cập. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội chưa cao; thiếu cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp trong quản lý đầu tư xây dựng và huy động nguồn lực, nhất là việc quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia. Cơ sở vật chất kỹ thuật của các ngành giáo dục, y tế vẫn còn yếu và thiếu. Vấn đề tạo việc làm, dạy nghề, xóa đói giảm nghèo còn nhiều khó khăn. Công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực, địa phương còn lỏng, chưa nắm bắt kịp thời các yêu cầu bức xúc để chỉ đạo, đặc biệt là vấn đề tuyển dụng và quản lý lao động trên địa bàn, vấn đề bảo hiểm xã hội, tiền lương, tiền công, dạy nghề, xuất khẩu lao động, bảo hộ lao động, cải thiện môi trường du lịch, kiềm chế tai nạn giao thông… Công tác cải cách hành chính vẫn chưa thực sự tạo ra môi trường thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội.
2. Những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:
Tiếp tục khẳng định các chỉ tiêu, nhiệm vụ về kinh tế - xã hội năm 2006 đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết 5a/2005/NQ-HĐND ngày 7/12/2005. Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung cao độ sự lãnh đạo, chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2006 về nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Từ nay đến cuối năm 2006 cần thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau đây:
2.1. Công tác quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển:
Tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch làm căn cứ bố trí các dự án đầu tư mới như Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, thành phố Huế, thuỷ lợi, thuỷ sản, xử lý chất thải rắn. Xây dựng quy chế quản lý đầu tư phù hợp Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật đấu thầu... đã được ban hành.
2.2. Đẩy mạnh huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội:
Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, tạo điều kiện về mọi mặt cho các nhà đầu tư kể cả trong, ngoài tỉnh và nước ngoài (nhưng không phải bằng mọi giá). Đồng thời, coi trọng các nguồn vốn ODA, vốn của các doanh nghiệp, vốn trong dân. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đập Thảo Long, hồ Tả Trạch, thuỷ điện Hương Điền, Bình Điền, xi măng Đồng Lâm, mở rộng Công ty Bia Huế, dự án tái định cư Thượng Thành - Eo bầu, dự án của Tập đoàn Alcan, tìm nguồn vốn để mở rộng kho bãi và cầu cảng Chân Mây số 2, số 3... Phối hợp với các cơ quan Trung ương tìm nguồn vốn cho cầu Thuận An, Tư Hiền, đường 49B... Tập trung chỉ đạo đối với các dự án đầu tư thuộc khu đô thị mới An Vân Dương, các dự án chậm triển khai như Phong Phú Plaza (khu Hùng Vương - Bà Triệu, khu Hà Nội - Lý Thường Kiệt - Nguyễn Tri Phương), các dự án du lịch ở Lăng Cô...
Phát triển mạnh các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, tạo ra sản phẩm xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động và đóng góp lớn cho ngân sách.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh việc thực hiện dự án, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong từng chương trình, dự án. Thực hiện tốt các biện pháp, chế tài đối với những tổ chức, doanh nghiệp kéo dài thực hiện dự án do không có năng lực tài chính hoặc có biểu hiện "choán chỗ" chiếm dụng mặt bằng, chuyển nhượng.
2.3. Đẩy mạnh cải cách hành chính, củng cố và chấn chỉnh bộ máy quản lý nhà nước các cấp:
Tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính. Phân cấp triệt để cho cấp huyện và thành phố Huế theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức; tiếp tục hoàn chỉnh quy chế tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”. Tổng kết rút kinh nghiệm kết quả hoạt động của Trung tâm nghiệp vụ hành chính công của thành phố Huế.
Đổi mới công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ; rà soát, có kế hoạch củng cố, kiện toàn các ban quản lý dự án. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính. Tập trung vào một số lĩnh vực, cấp đất, giấy phép xây dựng, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư...
2.4 Đổi mới và đẩy mạnh công tác vận động xúc tiến đầu tư:
Tăng cường công tác xúc tiến, vận động đầu tư; tập trung quảng bá, khuếch trương thương hiệu thành phố Festival, xúc tiến Chương trình “Di sản văn hoá Huế - Cơ hội đầu tư và phát triển” giai đoạn 2006 - 2010; có chính sách ưu tiên đối với các dự án lớn có hàm lượng công nghệ cao, hiện đại hoặc thu hút nhiều lao động; hỗ trợ cho các hoạt động quảng cáo kêu gọi đầu tư, môi giới đầu tư, thiết kế sản phẩm, đăng ký sở hữu công nghiệp, hỗ trợ đào tạo nhân lực, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch; phấn đấu dứt điểm trong năm 2006 (kể cả các doanh nghiệp tuyên bố phá sản). Xúc tiến việc thành lập công ty cổ phần cảng Chân Mây.
Rà soát, bổ sung các chính sách phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là chính sách liên quan đến giấy phép đầu tư, chứng nhận ưu đãi đầu tư, khuyến khích xuất khẩu... Xây dựng chương trình hành động và cụ thể hóa chính sách nhằm thực hiện tốt Nghị quyết của Tỉnh uỷ về phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.