Nghị quyết 68/NQ-HĐND năm 2023 dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2024

Số hiệu 68/NQ-HĐND
Ngày ban hành 07/12/2023
Ngày có hiệu lực 07/12/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Thái Thanh Quý
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 68/NQ-HĐND

Nghệ An, ngày 07 tháng 12 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 105/2023/QH15 ngày 10 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024;

Xét Tờ trình số 10094/TTr-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2024 như sau:

1. Tổng số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 15.903.515 triệu đồng (Mười lăm nghìn chín trăm linh ba tỷ, năm trăm mười lăm triệu đồng). Trong đó, thu nội địa: 14.532.000 triệu đồng (Mười bốn nghìn năm trăm ba mươi hai tỷ đồng), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 1.300.000 triệu đồng (Một nghìn ba trăm tỷ đồng), thu viện trợ: 21.515 triệu đồng (Hai mươi mốt tỷ, năm trăm mười lăm triệu đồng), thu từ nguồn huy động, tài trợ quy hoạch: 50.000 triệu đồng (Năm mươi tỷ đồng).

(chi tiết tại biểu số 1 kèm theo)

2. Tổng số chi ngân sách địa phương: 36.090.540 triệu đồng (Ba mươi sáu nghìn không trăm chín mươi tỷ, năm trăm bốn mươi triệu đồng).

(chi tiết tại các biểu số 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 kèm theo).

3. Bội chi ngân sách địa phương: 243.100 triệu đồng (Hai trăm bốn mươi ba tỷ, một trăm triệu đồng).

4. Vay trong năm: 303.800 triệu đồng (Ba trăm linh ba tỷ, tám trăm triệu đồng). Trong đó, vay để trả nợ gốc: 60.700 triệu đồng.

5. Chi trả nợ gốc: 60.700 triệu đồng (Sáu mươi tỷ, bảy trăm triệu đồng).

(chi tiết tại các biểu số 10, 11 kèm theo)

6. Kế hoạch hoạt động các Quỹ tài chính ngoài ngân sách.

(chi tiết tại biểu số 12 kèm theo)

Điều 2. Một số quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách và nguyên tắc, tiêu chí phân bổ ngân sách địa phương năm 2024

1. Thực hiện phân cấp nguồn thu ngân sách nhà nước, nhiệm vụ chi ngân sách địa phương và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 và Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND ngày 27 tháng 10 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ban hành quy định phân cấp nguồn thu ngân sách nhà nước, nhiệm vụ chi ngân sách địa phương và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2025.

2. Căn cứ dự toán thu, chi năm 2024, các nhiệm vụ bổ sung được giao và khả năng cân đối ngân sách, xác định số bổ sung cân đối, số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách tỉnh cho các địa phương năm 2024. Đối với dự toán chi ngân sách năm 2024 của các địa phương thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, dự toán chi thực hiện chính sách kiến thiết thị chính và môi trường,... đã bao gồm định mức quy định tại Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022, ổn định đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 3. Giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024

1. Căn cứ Nghị quyết này của Hội đồng nhân dân tỉnh, giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện. Giao chi tiết nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho các ngành, các địa phương, các đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Chỉ đạo thường xuyên công tác thu ngân sách, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước. Thực hiện tốt các Luật thuế sửa đổi, bổ sung và các nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân; chỉ đạo quyết liệt chống thất thu, thu hồi số thuế nợ đọng từ các năm trước, các khoản thu được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán,...; kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; tiếp tục triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác thu hồi nợ thuế, đẩy mạnh các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, ngoài các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý Thuế, thực hiện các biện pháp bổ sung như: tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, thu hồi đất đối với các doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất,...

3. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính ngân sách nhà nước. Tập trung điều hành tài chính ngân sách chủ động, linh hoạt, tích cực; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhà nước đảm bảo hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thật cần thiết, nhất là chi thường xuyên. Bố trí đủ vốn, khẩn trương rà soát danh mục, hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp sử dụng hiệu quả nguồn vốn của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt để tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội,… tạo nền tảng phục hồi và phát triển, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.

4. Thực hiện điều hành ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và chấp hành nghiêm túc phân cấp quản lý, đảm bảo cân đối ngân sách, trong đó lưu ý một số điểm sau:

a) Về chi đầu tư phát triển: Điều hành nguồn chi đầu tư phát triển từ thu tiền sử dụng đất phần ngân sách tỉnh hưởng và thu xổ số kiến thiết theo tiến độ thu ngân sách, trong quá trình thực hiện nếu các nguồn thu trên không đạt tiến độ dự toán, giao Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để xem xét, điều chỉnh;

b) Về chi thường xuyên: Dự toán ngân sách năm 2024 đảm bảo kinh phí thực hiện cải cách tiền lương theo quy định tại Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2023 và Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ, các đơn vị sử dụng nguồn cải cách tiền lương tích lũy tại các cấp địa phương để bổ sung nguồn kinh phí thực hiện;

c) Đối với nhiệm vụ chi hỗ trợ đột xuất thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh, ủy quyền Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách địa phương để quyết định hỗ trợ kịp thời cho các đơn vị đóng trên địa bàn trong trường hợp cấp thiết để đảm bảo ổn định tình hình kinh tế, xã hội và trật tự an toàn của địa phương. Đồng thời, tổng hợp báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

[...]