Nghị quyết 58/2006/NQ-HĐND Về dự toán thu ngân sách Nhà nước, chi ngân sách địa phương; phương án phân bổ ngân sách tỉnh Bình Thuận năm 2007

Số hiệu 58/2006/NQ-HĐND
Ngày ban hành 12/12/2006
Ngày có hiệu lực 22/12/2006
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Huỳnh Văn Tí
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 58/2006/NQ-HĐND

Phan Thiết, ngày 12 tháng 12 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ DỰ TOÁN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN, CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG; PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ NGÂN SÁCH TỈNH NĂM 2007

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2007;

Sau khi xem xét tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương; phương án phân bổ ngân sách tỉnh Bình Thuận năm 2007; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2007 như sau:

1. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn: 3.480.000 triệu đồng.

(Trong đó, thu từ dầu thô là 1.770.000 triệu đồng và thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu là 10.000 triệu đồng).

2. Tổng chi ngân sách địa phương : 2.247.690 triệu đồng.

(Kèm theo các Phụ lục I và II)

Điều 2. Nhất trí phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2007 như sau:

1. Tổng thu cân đối ngân sách cấp tỉnh (bao gồm thu ngân sách cấp tỉnh được hưởng theo phân cấp 914.530 triệu đồng, thu bổ sung từ ngân sách Trung ương cho ngân sách tỉnh 818.890 triệu đồng) là 1.733.420 triệu đồng, chiếm 77,12% tổng thu cân đối ngân sách địa phương; tổng thu ngân sách huyện, thị xã, thành phố là 514.270 triệu đồng, chiếm 22,88% tổng thu cân đối ngân sách địa phương.

2. Tổng chi cân đối ngân sách cấp tỉnh là 1.733.420 triệu đồng. Sau khi bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện, thị xã, thành phố là 273.360 triệu đồng thì tổng số thực chi cân đối ngân sách tỉnh là 1.460.060 triệu đồng, chiếm 64,96% tổng chi cân đối ngân sách địa phương. Tổng chi cân đối ngân sách huyện, thị xã, thành phố (bao gồm cả bổ sung từ ngân sách tỉnh cho ngân sách huyện, thị xã, thành phố) là 787.630 triệu đồng, chiếm 35,04% tổng chi cân đối ngân sách địa phương.

3. Phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2007 cho từng sở, ban, ngành ở tỉnh và mức bổ sung từ ngân sách tỉnh cho ngân sách từng huyện, thị xã, thành phố theo các Phụ lục III, IV, V kèm theo.

Điều 3. Để thực hiện thắng lợi dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2007, Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí thông qua các biện pháp chủ yếu do UBND tỉnh trình và Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

1. UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai ngay từ đầu năm các biện pháp thu ngân sách, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định của pháp luật; chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, tích cực thu các khoản nợ đọng ngân sách.

Trong thu ngân sách cần chú ý:

- Tập trung chỉ đạo thu ở các nguồn thu lớn như: phí xăng dầu, xổ số kiến thiết mở rộng thị trường mới (cần chú trọng địa bàn thành phố Hồ Chí Minh);

- Về thu tiền đất để xây dựng kết cấu hạ tầng, UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành phải thực hiện đồng bộ trong việc đền bù thu hồi đất, nhất là các xã, phường phải tập trung lực lượng làm tốt công tác xác định tính pháp lý để thực hiện việc đền bù, thu hồi đất đúng quy định pháp luật;

- Mọi khoản thu chi phát sinh phải hạch toán đầy đủ, kịp thời vào ngân sách Nhà nước.

2. UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện thu, chi ngân sách đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; quản lý và sử dụng ngân sách có hiệu quả, chặt chẽ, tiết kiệm. Đối với nguồn thu xổ số kiến thiết chỉ chi đầu tư cho giáo dục, y tế, các công trình phúc lợi xã hội, không sử dụng nguồn thu này vào mục đích khác. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong quản lý, điều hành ngân sách nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực tài chính - ngân sách Nhà nước; chấp hành nghiêm các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Phòng, chống tham nhũng. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước; bảo đảm thu đúng chế độ, chi đúng dự toán được giao, thực hiện tốt công khai tài chính và chịu trách nhiệm đối với những thất thoát, lãng phí và những khoản chi sai chế độ ở cơ quan, đơn vị mình.

3. UBND tỉnh giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng sở, ban, ngành ở tỉnh; nhiệm vụ thu, chi và mức bổ sung từ ngân sách tỉnh cho từng huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2007 đến từng đơn vị trực thuộc trước ngày 31 tháng 12 năm 2006 và tổ chức việc công khai dự toán ngân sách theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Đồng thời, có các giải pháp điều hành thu chi, không để căng thẳng trong cân đối thu, chi ngân sách, chú ý triển khai tốt các biện pháp thu từ đất, nhất là từ đất dự án, khu dân cư; chỉ đạo các ngành, các cấp phấn đấu thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán được giao; đồng thời, xây dựng phương án sử dụng số thu vượt để đảm bảo nguồn chi lương; tăng chi đầu tư phát triển và chi các nhiệm vụ quan trọng cấp bách khác.

4. UBND tỉnh chỉ đạo và điều hành chi ngân sách theo kế hoạch phân bổ đầu năm và theo tiến độ thu ngân sách. Tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên (trừ tiền lương và khoản có tính chất lương), 40% thu học phí, 35% thu viện phí (trừ tiền mua thuốc, hóa chất, máu, dịch truyền) để dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương. Trong chi ngân sách, trước hết đảm bảo chi lương, phụ cấp lương và chi thường xuyên cho hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, kinh phí thực hiện 07 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, phần còn lại ưu tiên trả nợ, tối thiểu phải bố trí 100 tỷ đồng để trả nợ vay. Đồng thời, có dự phòng để đáp ứng những nhu cầu chi đột xuất của tỉnh.

5. HĐND tỉnh ủy quyền cho Thường trực HĐND tỉnh và các ban HĐND tỉnh căn cứ vào mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương và kinh phí cân đối trong dự toán ngân sách địa phương và đề nghị của UBND tỉnh để thống nhất quyết định việc trợ cước, trợ giá cụ thể (mặt hàng, sản phẩm, định mức hỗ trợ, địa bàn…) theo hướng dẫn tại Quyết định số 151/2006/QĐ-TTg ngày 29/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Điều 4.

[...]