Nghị quyết 57/2006/NQ-HĐND về điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2015

Số hiệu 57/2006/NQ-HĐND
Ngày ban hành 17/05/2006
Ngày có hiệu lực 22/05/2006
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Ngô Đức Vượng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/2006/NQ-HĐND

Việt Trì, ngày 17 tháng 05 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ BẢY

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 73/2006/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam theo các vùng lãnh thổ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ vào Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 554/TTr-UBND ngày 04 tháng 4 năm 2006 của UBND tỉnh Phú Thọ về Điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2015; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1: Tán thành thông qua Điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2015. Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nội dung sau:

1. Đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch giai đoạn 2001 - 2005

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển khá, công nghiệp quốc doanh TW, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và công nghiệp ngoài quốc doanh đã có những đóng góp quan trọng về giá trị sản xuất và tăng trưởng kinh tế, góp phần làm thay đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên địa bàn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp so với tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng so với mục tiêu đề ra. Tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề được chú trọng, bước đầu đã khôi phục và phát triển một số ngành nghề, làng nghề và nhân cấy nghề mới. Một số sản phẩm chủ yếu như: Chè, rượu, bia, phân bón.. sản lượng sản xuất vượt mục tiêu đề ra. Công tác đào tạo đội ngũ quản lý và nâng cao trình độ cho người lao động được quan tâm. Một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hình thành, nhiều dự án đầu tư đã được xây dựng và bước đầu phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, thời gian qua nhiều doanh nghiệp Nhà nước, kể cả sau khi thực hiện chuyển đổi sở hữu, các doanh nghiệp do Trung ương quản lý và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác hoạt động còn nhiều khó khăn, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; đầu tư kết cấu hạ tầng để phát triển công nghiệp còn thiếu đồng bộ và kịp thời đã ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp; công tác quản lý tài nguyên khóang sản vẫn còn hạn chế, khai thác còn chưa gắn với chế biến nên hiệu quả thấp; việc xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường chưa được quan tâm và thực hiện triệt để; đội ngũ cán bộ chỉ đạo CN-TTCN và hoạt động Khuyến công ở cấp huyện còn thiếu, do vậy chưa phát huy vai trò tích cực để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2001 - 2010 được xây dựng từ năm 2001 chưa dự báo được hết xu thế phát triển các ngành công nghiệp của tỉnh trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế cũng như quá trình phân công và hợp tác sản xuất giữa các tỉnh, các vùng kinh tế trong cả nước, chưa đánh giá hết được những khó khăn, thách thức của ngành công nghiệp Phú Thọ, chưa dự báo được khả năng cạnh tranh và sự xuất hiện các tiềm năng, lợi thế mới của tỉnh.

2. Nội dung điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2015

2.1. Mục tiêu

Tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo bước đột phá mới về chất trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, cụ thể:

- Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2010 đạt 13.930 tỷ đồng; năm 2015 đạt 28.600 tỷ đồng.

- Giá trị tăng thêm công nghiệp đến năm 2010 đạt 3.107 tỷ đồng; năm 2015 đạt 5.625 tỷ đồng.

- Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP đến năm 2010 chiếm 45,8%; năm 2015 chiếm 50% (trong đó công nghiệp tương ứng chiếm 40,3% và 42,7%).

- Kim ngạch xuất khẩu hàng năm chiếm tỷ trọng trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn.

2.2. Định hướng phát triển của từng ngành

2.2.1. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản và thực phẩm

Duy trì và phát triển các vùng trồng cây nguyên liệu gắn với các cơ sở chế biến như chè, cây ăn quả theo hướng chuyên canh và năng suất cao. Phát triển chăn nuôi theo hướng tăng nhanh đàn bò thịt và bò lai, đàn trâu thịt, lợn siêu nạc, nâng tỷ trọng chăn nuôi gia cầm trong cơ cấu chăn nuôi. Có kế hoạch trồng và khai thác các vùng rừng nguyên liệu có hiệu quả, đảm bảo phát triển vùng nguyên liệu bền vững cho công nghiệp giấy, chế biến gỗ. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 đạt 16,3%; giai đoạn 2011 - 2015 đạt 19,9%.

2.2.2. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng

Phát triển đa dạng các chủng loại VLXD, sản xuất một số chủng loại VLXD mới, công nghệ cao, trong đó tập trung vào sản xuất xi măng, vật liệu xây, cát sỏi xây dựng. Tiếp tục đầu tư chiều sâu, đổi mới và nâng cấp công nghệ tiên tiến, hiện đại; sản xuất các sản phẩm VLXD có chất lượng tốt đạt tiêu chuẩn của các nước trong khu vực và quốc tế, từng bước loại bỏ công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, gây ô nhiễm môi trường. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 đạt 18,4%; giai đoạn 2011 - 2015 đạt 15,7%.

2.2.3. Công nghiệp cơ khí, điện tử

Tập trung phục vụ các cơ sở công nghiệp như công nghiệp phụ trợ ngành đóng tàu, hóa chất phân bón, các loại máy móc phục vụ nông nghiệp; đa dạng hóa các sản phẩm kim khí phục vụ tiêu dùng và đời sống nhân dân. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 đạt 20,7%; giai đoạn 2011 - 2015 đạt 17,8%.

2.2.4. Công nghiệp dệt may, da giày

[...]