Nghị quyết số 55-HĐBT về công tác y tế trong thời gian trước mắt do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 55-HĐBT
Ngày ban hành 02/04/1984
Ngày có hiệu lực 17/04/1984
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 55-HĐBT

Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 1984

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 55-HĐBT NGÀY 2-4-1984 VỀ CÔNG TÁC Y TẾ TRONG THỜI GIAN TRƯỚC MẮT.

I

Những năm qua, trong hoàn cảnh đất nước có nhiều khó khăn, sự nghiệp y tế vẫn không ngừng phát triển và đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Công tác phát hiện và ngăn chặn một số dịch bệnh đã được thực hiện có hiệu quả. Nhiều cơ sở y tế đã cứu chữa được những trường hợp hiểm nghèo, hạ thấp tỷ lệ tử vong.

Ngành dược đã có nhiều cố gắng khai thác nguồn dược liệu trong nước, khắc phục được một phần khó khăn về thuốc chữa bệnh cho nhân dân và xuất khẩu.

Mạng lưới y tế, nhất là ở cơ sở, tiếp tục mở rộng và hình thành được hệ thống tổ chức y tế trên địa bàn huyện. Đội ngũ cán bộ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Công tác y học dân tộc được chú trọng hơn trước. Hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh và đã phát huy những kết quả thiết thực.

Phong trào thi đua với các đơn vị y tế tiên tiến như bệnh viện Vân Đình, trạm y tế xã Quỳnh Giang, hiệu thuốc Thường Tín, phòng y tế thị xã Mỹ Tho đã có tác dụng nâng cao chất lượng các hoạt động y tế.

Cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch nhằm hạ thấp tỷ lệ phát triển dân số ngày càng được mở rộng và đạt được kết quả bước đầu.

Song bên cạnh những ưu điểm nói trên công tác y tế còn có những nhược điểm, khuyết điểm sau đây:

Chưa nắm vững đường lối y tế xã hội chủ nghĩa trong tình hình kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay, chưa nhận thức đầy đủ cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai con đường và cuộc đấu tranh chống địch phá hoại trên lĩnh vực y tế. Vì vậy, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, nhân viên y tế chưa được chú trọng đúng mức và chưa thực hiện thường xuyên. ở nhiều nơi, tinh thần công tác, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ, nhân viên y tế giảm sút; nhiều biểu hiện tiêu cực phát triển trong việc khám bệnh, chữa bệnh cũng như cung cấp thuốc men đã làm ảnh hưởng tới chất lượng công tác y tế cũng như lòng tin yêu của nhân dân đối với ngành y tế.

Mạng lưới y tế cơ sở ngày một mở rộng nhưng chậm được củng cố; hoạt động y tế ở nhiều vùng còn yếu kém, nhất là ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng kinh tế mới và nhiều vùng ở đồng bằng sông Cửu Long.

Phong trào vệ sinh phòng bệnh chuyển biến chậm, môi trường bị ô nhiễm nhiều nên dịch bệnh dễ xảy ra và kéo dài. Các dịch bệnh nguy hiểm vẫn còn có nguy cơ xảy ra bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào.

Công tác y học dân tộc tuy có được chú ý hơn, nhưng chưa tương xứng với yêu cầu chữa bệnh của nhân dân và khả năng của y học cổ truyền. Ngành y tế chưa có biện pháp thiết thực kế thừa kinh nghiệm, chưa kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền với y học hiện đại. Việc sản xuất dược liệu chưa có kế hoạch chặt chẽ, chưa đáp ứng nhu cầu chữa bệnh. Công tác đào tạo cán bộ, xây dựng mạng lưới, xây dựng chính sách phát triển y học dân tộc tiến hành quá chậm. Nói chung, trong ngành y vẫn còn tồn tại tình trạng chưa coi trọng đúng mức y học dân tộc, kinh nghiệm chữa bệnh dân gian, cổ truyền; đó là một thái độ không khoa học và không phù hợp với thực tế.

Công tác quản lý sản xuất, phân phối, sử dụng thuốc chưa chặt chẽ, do đó chất lượng thuốc bị giảm sút, bị mất mát nghiêm trọng và không bảo đảm đến người bệnh. Thị trường tự do về thuốc phát triển, nạn đầu cơ tích trữ, buôn lậu, làm thuốc giả chưa bị chặn đứng. Công nghiệp sản xuất kháng sinh và hoá dược xây dựng quá chậm; việc trồng, nuôi các loại cây và động vật làm dược liệu chưa được coi trọng đúng mức, chưa có kế hoạch chặt chẽ.

Những khuyết điểm nói trên đã làm cho tình hình thiếu thuốc chữa bệnh kéo dài và nhiều lúc trở nên căng thẳng.

II

Quán triệt các phương hướng nhiệm vụ và các quan điểm, đường lối về y tế, mà Đại hội lần thứ V của Đảng và các nghị quyết của Ban chấp hành trung ương Đảng đã đề ra, trong thời gian tới, ngành y tế cần tập trung khả năng, lực lượng để làm tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Tăng cường giáo dục, nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, ý thức tự lực tự cường, nhiệt tình, sáng tạo, phát huy các tiềm năng sẵn có của toàn ngành phục vụ sự nghiệp bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân; nâng cao tinh thần công tác và lòng thương yêu quý trọng người bệnh, thực hiện lời dạy của Bác Hồ thầy thuốc như mẹ hiền.

2. Nâng cao chất lượng các hoạt động y tế, nhất là trong các khâu khám bệnh, chữa bệnh, cấp cứu; tích cực phòng và chống các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là sốt rét, sốt xuất huyết, tả, dịch hạch, bạch hầu, bại liệt, giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh nhiễm khuẩn xuống mức thấp nhất, ngăn ngừa bệnh dại.

3. Có kế hoạch từng bước bảo vệ môi trường, nhất là ở các đô thị, vùng công nghiệp. Khôi phục và phát triển phong trào vệ sinh yêu nước, kết hợp chặt chẽ hoạt động chuyên môn của ngành với phong trào quần chúng, kết hợp kỹ thuật hiện đại với biện pháp dân gian.

4. Đẩy mạnh công tác vận động sinh đẻ có kế hoạch để giảm nhanh hơn nữa về tốc độ phát triển dân số.

5. Phát huy tiềm năng phát triển sản xuất dược liệu để bảo đảm nhu cầu thuốc chữa bệnh thông thường cho nhân dân và đẩy mạnh xuất khẩu nhằm từng bước tự cân đối về xuất nhập khẩu trong ngành y tế. Quản lý chặt chẽ thuốc chữa bệnh để bảo đảm phân phối thuốc đến người bệnh. Nhà nước phải quản lý chặt chẽ việc sản xuất, phân phối thuốc chữa bệnh, triệt để xoá bỏ thị trường tự do, nghiêm trị bọn ăn cắp, đầu cơ tích trữ thuốc, sản xuất và lưu hành thuốc giả.

6. Tranh thủ sự giúp đỡ của bên ngoài để bổ sung cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại cho ngành và bảo đảm hoá chất, vật tư, nguyên liệu cho nhu cầu phòng, chống dịch, sản xuất thuốc và vác xin.

7. Tăng cường việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Cần có kế hoạch cụ thể, ngay từ năm 1984 - 1985, áp dụng rộng rãi các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp, chích lể, khí công, dưỡng sinh... đào tạo cán bộ biết sử dụng thuốc dân tộc và làm châm cứu cho các cơ sở chữa bệnh, kể cả trạm y tế xã, phường, cơ quan, đơn vị.

8. Củng cố mạng lưới y tế, nhất là y tế cơ sở. Cải tiến tổ chức và hoạt động của bộ máy ở huyện, tỉnh phù hợp với đặc diểm của từng vùng, nhằm kết hợp tốt y tế phổ cập với y tế chuyên sâu và bảo đảm nhiệm vụ trong thời bình cũng như khi xảy ra chiến tranh.

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ quản lý; xây dựng đội ngũ cán bộ đầu đàn về khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và cán bộ Y học dân tộc.

Từ nay cho đến hết năm 1985, cần đạt các mục tiêu quan trọng sau đây:

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ