Nghị quyết số 54-CP về những chủ trương cơ bản và toàn diện nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng cơ bản thực hiện tốt nghị quyết Hội nghị lần thứ 19 của trung ương Đảng do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 54-CP
Ngày ban hành 24/03/1972
Ngày có hiệu lực 08/04/1972
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 54-CP

Hà Nội, ngày 24 tháng 03 năm 1972 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHỮNG CHỦ TRƯƠNG CƠ BẢN VÀ TOÀN DIỆN NHẰM ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC XÂY DỰNG CƠ BẢN THỰC HIỆN TỐT NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 19 CỦA TRUNG ƯƠNG ĐẢNG

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Ban Bí thư trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã họp ngày 24, 25 tháng 09 năm 1971 và ngày 26, 27 tháng 10 năm 1971 về đẩy mạnh công tác xây dựng cơ bản, thực hiện tốt nghị quyết Hội nghị lần thứ 19 của trung ương Đảng.

Dưới đây là những chủ trương cơ bản và toàn diện nhằm đẩy mạnh mọi mặt hoạt động của xây dựng cơ bản.

I. NHẬN THỨC ĐÚNG TÌNH HÌNH VÀ NHIỆM VỤ XÂY DỰNG CƠ BẢN

Công tác xây dựng cơ bản ngày càng giữ vị trí quan trọng và quyết định trong việc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 19 của Ban chấp hành trung ương Đảng đã ghi rõ: “Công tác xây dựng cơ bản là một khâu rất quan trọng trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế cần được mở rộng và phát triển với tốc độ cao”.

Tuy nhiên, hiện nay công tác xây dựng cơ bản chưa bảo đảm được nhiệm vụ to lớn nói trên, đang có nhiều nhược điểm và khuyết điểm: xây dựng chưa tập trung vào trọng điểm kinh tế và văn hoá, quy hoạch xây dựng chưa tốt, kế hoạch xây dựng đạt khối lượng thấp, thời gian xây dựng bị kéo dài, chất lượng và mỹ thuật của các công trình xây dựng chưa tốt, giá thành cao, tình trạng lãng phí lao động, vật tư, vật liệu xây dựng, thiết bị, tiền vốn khá phổ biến, chậm áp dụng những thành tựu mới về khoa học, kỹ thuật hiệu quả kinh tế xây dựng thấp…

Công tác xây dựng cơ bản làm chưa tốt như vậy do những nguyên nhân khách quan, như miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cơ sở nền kinh tế nghèo nàn và lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đang có nhiều mặt mất cân đối nghiêm trọng. Nhưng chúng ta cần kiểm điểm sâu sắc để nhận thấy rõ những nguyên nhân chủ quan từ đó mà thấy sáng những biện pháp nhằm khắc phục những thiếu sót để đưa ngành xây dựng cơ bản tiến lên đảm đương những nhiệm vụ mới ngày càng nặng nề. Dưới đây cần làm nổi bật những chỗ yếu, chỗ kém cần đặc biệt chú ý:

- Nhận thức về vị trí quan trọng của công tác xây dựng cơ bản trong sự nghiệp cách mạng của nước ta chưa được đầy đủ sâu sắc; trình độ hiểu biết công tác xây dựng cơ bản còn nông cạn, chưa toàn diện; ý thức trách nhiệm, tinh thần vượt khó khăn gian khổ để xây dựng nhanh, rẻ và tốt chưa được nâng cao.

- Trình độ kế hoạch hoá xây dựng còn thấp, chưa bảo đảm huy động và sử dụng mọi nguồn khả năng trong nước và ngoài nước nhằm đẩy mạnh xây dựng cơ bản, chậm có quy hoạch phát triển kinh tế và văn hoá; các kế hoạch xây dựng hàng năm chưa được cân đối tốt, thiết thực, từ dưới lên và từ trên xuống.

- Cơ sở vật chất kỹ thuật của công tác xây dựng chưa được chú ý tăng cường kịp thời, đúng mức, thiếu các loại vật liệu xây dựng, thiếu công cụ và máy móc thi công; việc quản lý sử dụng vật tư, thiết bị, vật liệu xây dựng không tốt.

- Tổ chức xây dựng còn phân tán, chồng chéo yếu về mọi mặt (cả trung ương và địa phương) từ khâu điều tra cơ bản, quy hoạch, khảo sát, thiết kế, sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng, vận tải phục vụ xây dựng, thi công xây lắp, quản lý kinh tế xây dựng, nghiên cứu khoa học và kỹ thuật xây dựng, nghiên cứu và ban hành các điều lệ, chế độ, thể lệ, nguyên tắc, tiêu chuẩn, định mức xây dựng…

- Lực lượng xây dựng còn ít, lại rất thiếu công nhân kỹ thuật lành nghề và cán bộ có năng lực quản lý kinh tế và kỹ thuật xây dựng; nhiều chính sách, chế độ đối với lao động xây dựng chưa hợp lý.

- Quản lý sản xuất kinh doanh của các xí nghiệp xây lắp còn mang nặng tính chất hành chính cung cấp, chưa đi vào kinh doanh hạch toán.

Nhiệm vụ công tác xây dựng trong thời gian tới là phải sử dụng tốt nhất sức người, sức của của Nhà nước, của nhân dân, sự giúp đỡ về kinh tế, kỹ thuật của các nước anh em, phấn đấu phát triển nhanh chóng và vững chắc ngành xây dựng trở thành một ngành công nghiệp, quản lý kinh doanh xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện tốt nghị quyết Hội nghị lần thứ 19 của trung ương Đảng, nhiệm vụ kế hoạch xây dựng 3 năm 1971 – 1973, chuẩn bị để làm tốt nhiệm vụ xây dựng to lớn của những năm sau.

Phải tập trung sức khôi phục và cải tạo xong các xí nghiệp bị địch tàn phá, đẩy mạnh xây dựng các công trình đã có từ năm 1970 trở về trước, và những công trình trọng yếu mới ký nhập mấy năm gần đây. Trong nông nghiệp, phải đẩy mạnh xây dựng các công trình thuỷ lợi, củng cố hệ thống đê, cải tạo lòng sông, xây dựng các vùng kinh tế mới, những cơ sở vật chất và kỹ thuật cho chăn nuôi, trồng trọt… Trong công nghiệp, phải tập trung sức khôi phục và xây dựng các công trình của các ngành than, điện, cơ khí, luyện kim, hoá chất, phân bón, công nghiệp vật liệu xây dựng; đẩy mạnh xây dựng các công trình chế biến lương thực, thực phẩm, nông sản và sản xuất các hàng tiêu dùng khác. Phải khẩn trương khôi phục, cải tạo mạng lưới giao thông vận tải, nhất là trên các tuyến đường chính và những khu vực quan trọng để bảo đảm nhu cầu vận tải cho tiền tuyến, cho sản xuất, xây dựng và cải thiện điều kiện đi lại của nhân dân; khôi phục và phát triển mạng lưới thông tin liên lạc; khôi phục và xây dựng kho tàng. Đồng thời phải tích cực giải quyết một số nhu cầu cấp bách về đời sống của nhân dân: xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện, các công trình cung cấp nước v.v…

II. TẬP TRUNG MỌI CỐ GẮNG GIẢI QUYẾT TỐT MẤY VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG VÀ CẤP BÁCH ĐỂ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC XÂY DỰNG

A. NHANH CHÓNG TĂNG CƯỜNG CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ KỸ THUẬT CỦA NGÀNH XÂY DỰNG.

1. Đẩy mạnh xây dựng và sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng.

Phải quan tâm phát triển mạnh sản xuất vật liệu xây dựng, đưa ngành công nghiệp vật liệu xây dựng đi trước một bước, tiến nhanh, tiến mạnh vào cơ giới hoá theo hướng tiến lên áp dụng khoa học kỹ thuật mới trong xây dựng như kết cấu lắp ghép, kết cấu nhẹ được sản xuất sẵn theo phương pháp công nghiệp. Đẩy mạnh sản xuất vật liệu với nguồn nguyên liệu trong nước, phát triển các loại vật liệu thay thế. Tiến hành điều tra xác minh trữ lượng các loại tài nguyên sản xuất vật liệu xây dựng, quy hoạch lại sản xuất vật liệu cho hợp lý theo hướng tập trung, chuyên môn hoá với quy mô lớn, cân đối sản xuất vật liệu xây dựng cho từng khu vực xây dựng. Phát triển mạnh quốc doanh sản xuất vật liệu xây dựng, cải tiến sản xuất trong khu vực hợp tác xã, phấn đấu nâng cao chất lượng, hạ giá thành vật liệu xây dựng.

Theo phương hướng trên, trước mắt phải nhanh chóng khôi phục và mở rộng các nhà máy xi măng hiện có, tích cực xây dựng các nhà máy xi măng mới. Đẩy mạnh khôi phục khu gang thép. Xây dựng nhanh các nhà máy gạch, ngói quốc doanh của trung ương và địa phương, giúp đỡ các hợp tác xã cải tiến sản xuất để nâng cao chất lượng và bảo đảm đúng quy cách gạch, ngói. Cần đẩy mạnh xây dựng các nhà máy bê tông đúc sẵn sản xuất các cấu kiện lắp ghép.

Đẩy mạnh khai thác gỗ, xây dựng các cơ sở chế biến gỗ như cưa xẻ, ngâm tẩm, ván sợi ép để tận dụng cành ngọn, các loại phế liệu của gỗ và tiết kiệm gỗ. Về đá, cát, sỏi, phải xúc tiến việc điều tra, khảo sát trữ lượng, chấn chỉnh lại tổ chức khai thác, trang bị cơ giới và nửa cơ giới trong các khâu khai thác, sàng rửa, vận chuyển, bốc dỡ. Phải chú trọng xây dựng các cơ sở sản xuất các loại vật liệu thiết yếu như kính, sơn, đồ sắt xây dựng, sành sứ xây dựng, đồ điện xây dựng, que hàn, hơi hàn v.v… Cùng với việc tập trung sức đẩy mạnh vật liệu xây dựng trong nước, phải quan tâm đầy đủ đến việc nhập khẩu các loại vật liệu xây dựng mà trong nước chưa sản xuất được hoặc chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Chú trọng cải tiến việc cung ứng và vận tải vật liệu xây dựng theo hướng cung ứng tại chỗ cho từng khu vực xây dựng, bớt đầu mối, bớt khâu trung gian, khắc phục tình trạng vận chuyển loanh quanh, bắt các công trường phải lo chạy vật liệu khắp nơi, làm chậm tốc độ thi công và gây tốn kém không cần thiết. Phải làm tốt việc quản lý phân phối và sử dụng vật liệu xây dựng, thống nhất quản lý những vật liệu xây dựng quan trọng của Nhà nước; các địa phương phải làm tốt việc sản xuất và giao vật liệu xây dựng cho trung ương đúng chế độ và kế hoạch. Ưu tiên phân phối vật liệu xây dựng cho những công trình quan trọng để có thể sớm đưa vào sản xuất và sử dụng. Tiết kiệm vật liệu xây dựng một cách nghiêm ngặt, soát lại và bổ sung các định mức sử dụng vật liệu xây dựng, nghiêm trị bọn đầu cơ ăn cắp vật liệu xây dựng.

2. Từng bước công nghiệp hoá ngành xây dựng.

Phương hướng cơ bản trước mắt và lâu dài là phấn đấu giảm xây dựng bằng thủ công nghiệp, nâng tỷ lệ xây dựng bằng cơ giới, chuyển mạnh việc xây dựng thành quá trình lắp các cấu kiện và bộ phận đã được chế tạo sẵn theo phương pháp công nghiệp, nâng cao trình độ cơ giới hoá thi công. Theo phương hướng đó, cần tính toán kế hoạch công nghiệp hoá ngành xây dựng một cách toàn diện; chú trọng phấn đấu hiện đại hoá khâu điều tra, khảo sát, thiết kế, thí nghiệm, tính toán xây dựng; đẩy mạnh cơ giới hoá, chuyên môn hoá thi công xây lắp, nhất là thi công về công nghiệp và dân dụng.

Trước mắt, cần nắm lại toàn bộ thiết bị thi công đã có, nghiên cứu bộ sung những thiết bị còn thiếu cho đồng bộ, có chế độ phân phối và sử dụng một cách hợp lý nhất những thiết bị đó để tận dụng được công suất thiết bị thi công. Chấn chỉnh tổ chức; cải tiến việc quản lý máy thi công, thực hiện kinh doanh hạch toán kinh tế, có các chỉ tiêu, định mức, chế độ sử dụng, quản lý máy thi công thật chặt chẽ.

Trong quá trình công nghiệp hoá xây dựng, không được coi nhẹ việc sử dụng lao động thủ công cần thiết trong xây dựng bằng cách tổ chức và quản lý lao động thật tốt, trang bị đủ dụng cụ và công cụ cải tiến, kết hợp thật tốt cơ giới, nửa cơ giới và lao động thủ công trên công trường để bảo đảm nâng cao không ngừng năng suất lao động xây dựng, chất lượng và hạ giá thành.

[...]