Nghị quyết 52/2007/NQ-HĐND về tiếp tục thực hiện nghị quyết kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2007 do tỉnh Vĩnh Long ban hành

Số hiệu 52/2007/NQ-HĐND
Ngày ban hành 11/07/2007
Ngày có hiệu lực 21/07/2007
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Phan Đức Hưởng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2007/NQ-HĐND

Vĩnh Long, ngày 11 tháng 7 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2007

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
KHOÁ VII, KỲ HỌP LẦN THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 46/2007/NQ-HĐND, ngày 25/01/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2007;

Sau khi xem xét các báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, các ngành bảo vệ pháp luật, thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thảo luận và thống nhất,

QUYẾT NGHỊ:

Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí với kết quả và đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, những biện pháp chủ yếu để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2007.

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2007

Sáu tháng đầu năm tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự giám sát của Hội đồng nhân dân, sự chỉ đạo điều hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh và phấn đấu của các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh, kinh tế tỉnh nhà tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng cao. Ước tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GDP) tăng 12,98% so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông - lâm - thuỷ sản tăng 6,09%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 28,43%, khu vực dịch vụ tăng 13,42%.

Giá trị sản xuất toàn ngành nông - lâm - thuỷ sản tăng 5,87% (riêng ngành thuỷ sản tăng 41,29% so với cùng kỳ). Tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành (giá CĐ 94) đạt 1.459 tỷ đồng, tăng 40,03% so với cùng kỳ năm 2006. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội vẫn tăng khá cao so với cùng kỳ, tăng 26,97%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.965 tỷ đồng, tăng 10,7% so cùng kỳ và chiếm 32,6% trong GDP; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực: Khu vực I chiếm 52,78%, so với cùng kỳ giảm 2,08%; khu vực II chiếm 16,87%, so cùng kỳ tăng 1,71%; khu vực III chiếm 30,35%, so cùng kỳ tăng 0,37%; giảm tỷ lệ thất nghiệp, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Thu, chi ngân sách đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đời sống của đại bộ phận nhân dân tương đối ổn định, văn hoá xã hội tiếp tục phát triển, công bằng xã hội ngày càng được củng cố, quốc phòng an ninh ổn định, tai nạn giao thông giảm trên các mặt (số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương và thiệt hại tài sản); công tác bảo vệ pháp luật ngày càng được tăng cường.

Tuy nhiên kinh tế của tỉnh ta còn nhiều khó khăn, một số chỉ tiêu chủ yếu so kế hoạch đạt thấp như: Kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ hộ nghèo; giảm tỷ lệ sinh, tạo việc làm cho người lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng; tỷ trọng nông nghiệp chiếm trong GDP còn cao; tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm trong GDP còn thấp làm cho cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm.

Công tác quy hoạch phát triển cụm tuyến công nghiệp, làng nghề; tiến độ xây dựng cơ bản, các công trình phục vụ dân sinh còn vướng mắc ở khâu bồi hoàn giải tỏa, giải quyết khiếu nại giải phóng mặt bằng trong khu, tuyến công nghiệp kéo dài nhiều năm, đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm; các loại tội phạm, tai nạn giao thông, các tệ nạn xã hội vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp.

II. CÁC NHIỆM VỤ CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO ĐỂ THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2007

Để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nghị quyết phát triển kinh tế, xã hội cả năm 2007. Những tháng còn lại của năm 2007 phải tập trung cao, cụ thể như sau:

1. Lĩnh vực kinh tế

a) Nông nghiệp và kinh tế nông thôn

Phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả nhất là phát triển rau, màu, cây ca cao, mô hình chăn nuôi, thuỷ sản gắn với bảo vệ môi trường; phát triển theo vùng quy hoạch. Tiếp tục tăng cường công tác giống. Củng cố và mở rộng quy mô, năng lực sản xuất; đẩy mạnh xã hội hoá về giống, cung ứng giống nông nghiệp trong dân. Xây dựng lịch thời vụ, vận động bà con nông dân bỏ sản xuất lúa vụ 3 ở những nơi không đủ điều kiện.

- Xây dựng và phát triển nhiều mô hình hiệu quả trong nông nghiệp như: Sản xuất giống lúa chất lượng cao; làng mai vàng, hợp tác xã trồng rau an toàn, đưa cây màu xuống ruộng. Tiếp tục triển khai các dự án: Đầu tư phát triển giống heo chất lượng cao, phát triển vùng chuyên canh cây có múi sạch bệnh, cung ứng giống thuỷ sản.

- Tiếp tục cải tạo vườn tạp, trồng mới vườn cây ăn trái. Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên ruộng lúa; tăng diện tích nuôi tôm càng xanh, cá trên đất bãi bồi ven sông lớn theo hình thức thâm canh và bán thâm canh.

- Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên cây trồng và gia súc, gia cầm.

- Rà soát và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, thuỷ lợi phù hợp với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản.

- Quan tâm triển khai kế hoạch phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2007.

- Thường xuyên kiểm tra xử lý nhằm bảo vệ môi trường theo qui định của luật bảo vệ môi trường nhằm bảo vệ môi trường sinh thái tốt. Triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm ở các cụm, tuyến công nghiệp, tuyến dân cư, bãi rác, các bệnh viện và trong nuôi thuỷ sản.

- Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng làng nghề.

b) Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

- Hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn II khu công nghiệp Hoà Phú bằng nhiều hình thức thích hợp và hiệu quả.

- Tiếp tục quy hoạch cụm tuyến công nghiệp, trước mắt quy hoạch dọc theo tuyến Cổ Chiên - Vũng Liêm; thị xã Vĩnh Long - Bình Minh, tuyến sông Hậu và kêu gọi đầu tư vào các khu, tuyến, cụm công nghiệp ở các huyện, thị. Hoàn thành cơ bản xây dựng các khu tái định cư; tuyến dân cư vùng ngập lụt.

[...]