Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị quyết 47/NQ-CP năm 2024 Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận 57-KL/TW về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới

Số hiệu 47/NQ-CP
Ngày ban hành 15/04/2024
Ngày có hiệu lực 15/04/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Trần Lưu Quang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/NQ-CP

Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ ĐẾN NĂM 2030 THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 57-KL/TW NGÀY 15 THÁNG 6 NĂM 2023 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TRONG TÌNH HÌNH MỚI

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Kết luận số 57-KL/TW ngày 15 tháng 6 năm 2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15 tháng 6 năm 2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới (sau đây gọi tắt là Kết luận số 57-KL/TW) như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Chương trình hành động thể hiện rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chính phủ trong tình hình mới, cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo nêu tại Kết luận số 57-KL/TW; là căn cứ để 100% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

2. Tạo sự thống nhất trong triển khai công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới, nhận thức rõ về vai trò, vị trí của công tác thông tin đối ngoại là bộ phận quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng và công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân; gắn việc triển khai công tác thông tin đối ngoại với các mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ phát triển đất nước đã đề ra tại Nghị quyết XIII của Đảng, trong đó, chú trọng các mục tiêu và giải pháp để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu tới năm 2025, năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Việc triển khai thực hiện công tác thông tin đối ngoại là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan.

3. Nhiệm vụ và giải pháp về công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới cần hướng tới cách làm mới, sáng tạo. Coi không gian mạng như một không gian mới để làm thông tin đối ngoại, trong đó ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để đổi mới cách làm thông tin đối ngoại, tạo hiệu quả đột phá.

4. Công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn tới cần đo được kết quả rõ ràng hơn, thúc đẩy gia tăng thứ hạng quốc gia tại các bảng xếp hạng có uy tín trên thế giới, phù hợp với lợi ích của Việt Nam nhằm củng cố, nâng cao uy tín, vị thế, hình ảnh Việt Nam trên thế giới.

5. Tăng cường tính chủ động, phối hợp trong công tác thông tin đối ngoại giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, phát huy vai trò chủ trì quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thông tin đối ngoại; đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại; giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân trong hoạt động thông tin đối ngoại.

6. Nhà nước đảm bảo nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tăng cường năng lực cho đội ngũ/lực lượng chuyên trách, chủ lực thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại; huy động nguồn lực xã hội hóa trong việc triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại; đảm bảo các hoạt động thông tin đối ngoại được triển khai chủ động, đúng định hướng, hiệu quả thiết thực.

II. CÁC NHÓM NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, trong thời gian tới, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai các nhiệm vụ sau đây:

1. Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện Nghị quyết

- Nghiên cứu, quán triệt nội dung của Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động, người dân, trong đó chú trọng một số điểm mới: (i) quan điểm của công tác thông tin đối ngoại “là một bộ phận quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng và công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân”, trọng tâm là các cấp, các bộ, ngành, địa phương đều triển khai thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại. (ii) Phương châm triển khai “Chủ động, kịp thời, đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả”, trong đó, chú trọng tính đồng bộ, nhất quán từ trung ương đến địa phương về cách làm, về phương tiện và nền tảng sử dụng trong công tác thông tin đối ngoại; tính hiệu quả để tạo sự đột phá; (iii) coi không gian mạng như một không gian mới để làm thông tin đối ngoại, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để đổi mới cách làm thông tin đối ngoại. Đồng thời, lưu ý 05 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần hướng tới nhằm đạt mục tiêu chung nêu tại Kết luận số 57-KL/TW; bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

- Xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong nhận thức và cách làm ở tất cả các cấp, các ngành, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đội ngũ cán bộ được giao nhiệm vụ làm công tác thông tin đối ngoại. Xác định thông tin đối ngoại là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, tạo đồng thuận và nguồn lực để phát triển đất nước, huy động các tầng lớp nhân dân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia công tác thông tin đối ngoại.

- Tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, truyền cảm hứng về lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, ý thức trách nhiệm của cán bộ, người dân, nhất là thế hệ trẻ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước.

Chú trọng thông tin về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế, góp phần gia tăng “sức mạnh mềm”, nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia; lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế về thành tựu đạt được của công cuộc đổi mới; trách nhiệm của Việt Nam tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu như các vấn đề an ninh phi truyền thông, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu..., các tư tưởng cao đẹp của dân tộc Việt Nam, lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, vai trò của Đảng, tính ưu việt của chế độ…, cần thống nhất nhận thức coi việc bảo vệ lãnh tụ, lãnh đạo đảng, nhà nước chính là bảo vệ hình ảnh, uy tín của đất nước.

2. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước; hoàn thiện cơ chế, chính sách về thông tin đối ngoại

- Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, khung pháp lý nói chung; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin đối ngoại, các quy chế phối hợp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, đáp ứng nhiệm vụ thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới.

- Xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch về thông tin đối ngoại; chú trọng phát triển hệ thống báo chí, xuất bản đối ngoại có tầm ảnh hưởng, uy tín trên thế giới; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới văn phòng thường trú báo chí Việt Nam ở nước ngoài, hệ thống Trung tâm văn hóa thông tin ở nước ngoài; hệ thống cụm thông tin điện tử đối ngoại tại các cửa khẩu biên giới, các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, cửa khẩu đường hàng hải và cửa khẩu đường hàng không…

- Xây dựng Chiến lược, Đề án, Chương trình, Kế hoạch thông tin đối ngoại để củng cố, tăng cường quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và các nước, nhất là các địa bàn trọng điểm, chiến lược, địa bàn mục tiêu; cải thiện và thúc đẩy tăng thứ hạng quốc gia trên một số lĩnh vực: hình ảnh, thương hiệu quốc gia; các đánh giá xếp hạng liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, tự do báo chí, tự do ngôn luận và các chỉ số phát triển đất nước; thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số trong đó phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số nhằm mục tiêu phát triển đất nước.

- Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, danh mục sự nghiệp công thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại để thúc đẩy hiệu quả của thông tin đối ngoại.

[...]