Nghị quyết số 46/2006/NQ-HĐND về việc tình hình thực hiện ngân sách quận năm 2006 và dự toán thu chi ngân sách năm 2007 do Hội đồng nhân dân quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 46/2006/NQ-HĐND
Ngày ban hành 15/12/2006
Ngày có hiệu lực 22/12/2006
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quận Bình Thạnh
Người ký Nguyễn Hữu Nhân
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
QUẬN BÌNH THẠNH
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 46/2006/NQ-HĐND

Bình Thạnh, ngày 15 tháng 12 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÂN SÁCH QUẬN NĂM 2006 VÀ DỰ TOÁN THU CHI NGÂN SÁCH NĂM 2007

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN QUẬN BÌNH THẠNH KHÓA IX - KỲ HỌP LẦN THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002;
Căn cứ Nghị quyết số 60/2006/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2006 của Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về dự toán và phân bổ ngân sách thành phố năm 2007;
Sau khi xem xét báo cáo của Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh về tình hình thực hiện ngân sách quận năm 2006 và dự toán ngân sách quận năm 2007; Báo cáo thẩm tra số 119/BC-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2005, số 117/BC-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2006 của Ban Kinh tế - Xã hội và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân quận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Về thực hiện ngân sách Quận năm 2006

Căn cứ Nghị quyết số 29/2005/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2005 của Hội đồng nhân dân quận Bình Thạnh khóa IX thông qua về tình hình thực hiện ngân sách quận năm 2005, dự toán thu chi ngân sách quận Bình Thạnh năm 2006; Hội đồng nhân dân quận ghi nhận:

Trong năm 2006, Ủy ban nhân dân quận đã có nhiều phấn đấu trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2006 và đã đạt được những kết quả nhất định. Đảm bảo nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, nhiệm vụ chi thường xuyên, chi cải cách tiền lương và các khoản chi đột xuất khác. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân quận cần tiếp tục có những biện pháp tích cực đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ ngân sách năm 2006. Thực hiện nghiêm túc các biện pháp chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách và mua sắm trang thiết bị.

Điều 2. Thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2007, theo đó:

1. Về thu, chi ngân sách:

a) Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn                  539,200 tỷ đồng.

Trong đó:

Tổng thu ngân sách Nhà nước phần thuế CTN-NQD         400,000 tỷ đồng.

b) Tổng thu ngân sách địa phương:                                 200,784 tỷ đồng.

Trong đó:

Số thu ngân sách phường                                             40,505 tỷ đồng.

Bổ sung từ ngân sách thành phố                         39,407 tỷ đồng.

c) Tổng chi ngân sách quận:                                           200,784 tỷ đồng.

2. Về phân bổ dự toán chi ngân sách

a) Tổng chi ngân sách quận năm 2006:                            200,784 tỷ đồng.

Cụ thể như sau:

Chi thường xuyên: 200,784 tỷ đồng, tăng 27,75 % so với dự toán năm 2006.

Trong đó: Dự phòng ngân sách                                       5,848 tỷ đồng.  

b) Phân bổ dự toán chi thường xuyên từ ngân sách quận cho từng khối (kèm phụ lục) mức bổ sung cân đối và bổ sung có mục tiêu cho từng phường (kèm phụ lục).

c) Ủy ban nhân dân quận chỉ đạo Ủy ban nhân dân các phường trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn theo phân cấp, dự toán chi theo ngân sách phường, quyết định phân bổ dự toán ngân sách cấp mình trước ngày 31 tháng 12 năm 2006.

Điều 3. Thông qua các giải pháp thực hiện dự toán và phân bổ ngân sách do Ủy ban nhân dân quận trình Hội đồng nhân dân quận, các giải pháp tại báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Xã hội, trong quá trình điều hành thực hiện ngân sách Ủy ban nhân dân quận chú ý:

1. Căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân quận giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng đơn vị trực thuộc quận và Ủy ban nhân dân các phường theo đúng quy định.

2. Tăng cường các biện pháp quản lý nguồn thu và bồi dưỡng nguồn thu, hoàn thành vượt mức dự toán ngân sách Nhà nước năm 2007 được giao để tăng nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế xã hội, quản lý chặt chẽ nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ theo quy định pháp luật, xử lý dứt điểm những nợ tồn đọng.

[...]