Nghị quyết 42/NQ-HĐND năm 2016 về phát triển công nghệ thông tin tỉnh Quảng Nam đến năm 2020

Số hiệu 42/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2016
Ngày có hiệu lực 08/12/2016
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Nguyễn Ngọc Quang
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/NQ-HĐND

Quảng Nam, ngày 08 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;

Căn cứ Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế;

Căn cứ Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử;

Sau khi xem xét Đề án kèm theo Tờ trình số 5772/TTr-UBND ngày 18/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị thông qua Nghị quyết về Phát triển Công nghệ thông tin tỉnh Quảng Nam đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành Nghị quyết Phát triển công nghệ thông tin tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu chung

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng chính quyền điện tử gắn liền với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần tăng năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế tri thức và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau.

Ứng dụng rộng rãi CNTT và truyền thông trong tất cả các ngành, lĩnh vực: quản lý nhà nước, y tế, giáo dục, sản xuất, kinh doanh, … góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững của tỉnh.

Phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL), tạo lập môi trường chia sẻ thông tin qua mạng giữa các cơ quan dựa trên kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Hạ tầng công nghệ thông tin

- Nâng cấp, đầu tư đồng bộ hệ thống mạng nội bộ, thiết bị CNTT của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố đáp ứng yêu cầu công việc, đảm bảo 100% các đơn vị kết nối mạng WAN với UBND tỉnh.

- Cấp xã: Phấn đấu 100% mạng LAN, kết nối internet băng thông rộng.

- Tỷ lệ máy tính/CBCC: cấp tỉnh, huyện: 100%; cấp xã: trên 80%.

- Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hội nghị truyền hình tỉnh đảm bảo công nghệ hiện đại, chuẩn HD, độ phân giải cao, đảm bảo khả năng mở rộng, kết nối với các hệ thống khác.

- Xây dựng Trung tâm dữ liệu tỉnh hiện đại, đảm bảo dung lượng lưu trữ, xử lý dữ liệu phục vụ vận hành chính quyền điện tử tỉnh.

- Cung cấp chứng thư số chuyên dùng tới 100% cơ quan từ cấp huyện trở lên; 50% UBND các xã, phường, thị trấn; 100% cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố.

b) Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước

- Cung cấp đầy đủ thông tin trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của tất cả các cơ quan nhà nước theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Bảo đảm 100% các thông tin, văn bản chỉ đạo, điều hành (không mật) của các cấp lãnh đạo được đưa lên cổng thông tin điện tử; 100% UBND cấp xã có website.

- 100% cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử công vụ trong công việc.

- 100% các văn bản, tài liệu (trừ văn bản mật, hồ sơ) của cơ quan nhà nước các cấp được trao đổi trên môi trường mạng và có ứng dụng chữ ký số.

- 90% cơ quan, đơn vị có hệ thống CSDL quản lý chuyên ngành. Xây dựng và triển khai 14 CSDL chuyên ngành trọng điểm của tỉnh.

[...]