Nghị quyết 39/NQ-HĐND năm 2015 về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 39/NQ-HĐND
Ngày ban hành 11/12/2015
Ngày có hiệu lực 10/12/2015
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Nguyễn Văn Vịnh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/NQ-HĐND

Lào Cai, ngày 11 tháng 12 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2015 - 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
KHOÁ XIV - KỲ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26/11/2014;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 14/6/2005;

Căn cứ Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 1636/QĐ-TTg ngày 22/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 24 tháng 9 năm 2015 Nghị quyết Đại hội

Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 178/TTr-UBND ngày 27/11/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành Nghị quyết Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; báo cáo thẩm tra số 86/BC-HĐND của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh dự kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

1. Quan điểm và mục tiêu phát triển:

1.1. Quan điểm phát triển:

- Phát triển du lịch phù hợp với Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung Du, miền núi Bắc Bộ; Quy hoạch tổng thể đảm bảo an ninh - quốc phòng và phải đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với phát triển liên vùng của cả nước.

- Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, đem lại lợi ích cho cộng đồng.

- Phát triển du lịch dựa trên sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế và toàn xã hội. Gắn phát triển du lịch với phát triển nông thôn, vùng đồng bào dân tộc. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch.

1.2. Mục tiêu phát triển

a. Mục tiêu tổng quát: Xây dựng Lào Cai trở thành trọng điểm du lịch của vùng Tây Bắc, hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ, sản phẩm chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang bản sắc văn hóa dân tộc Lào Cai; phấn đấu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối ngành dịch vụ của tỉnh, tạo tiền đề đến năm 2030 là ngành kinh tế đột phá góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội.

b. Mục tiêu cụ thể:

- Phấn đấu đến năm 2020 đón khoảng 4,5 triệu lượt khách, trong đó 1,5 triệu lượt khách quốc tế. Năm 2030 đón 13 triệu lượt khách, trong đó 4,0 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch đến năm 2020 đạt khoảng 18.000 tỷ đồng, năm 2030 đạt khoảng 58.500 tỷ đồng.

- Vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch: Giai đoạn 2015 - 2020, tổng vốn đầu tư cho du lịch là 40.000 tỷ đồng (trong đó đầu tư trực tiếp cho du lịch là 17.000 tỷ đồng); giai đoạn 2021 - 2030, tổng vốn đầu tư cho du lịch là 90.000 tỷ đồng (trong đó đầu tư trực tiếp cho du lịch là 37.000 tỷ đồng).

- Lao động và việc làm: Năm 2020, sử dụng 33.000 lao động (12.800 lao động trực tiếp, 20.200 lao động gián tiếp); năm 2030, sử dụng 105.000 lao động (trong đó 45.000 lao động trực tiếp, 60.000 lao động gián tiếp).

- Về văn hoá: Bảo tồn phát huy giá trị văn hoá, duy trì phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là nghề thủ công của các dân tộc.

- Về an sinh xã hội: Tạo việc làm, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh và giải quyết các vấn đề xã hội.

- Về môi trường: Phát triển du lịch “xanh”, du lịch cộng đồng...

[...]