HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 37/2020/NQ-HĐND
|
Bắc
Giang, ngày 09 tháng 12 năm 2020
|
NGHỊ QUYẾT
BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 12
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước
ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ
và vừa ngày 12 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 39/2018/NĐ-CP
ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ
trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Xét Tờ trình số 339/TTr-UBND ngày 27/11/2020 của UBND tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban
Kinh tế - Ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu
Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định một số
chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn
2021 - 2025.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị
quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân
dân tỉnh Bắc Giang Khóa XVIII, Kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 09 tháng 12 năm
2020 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ;
- Vụ Pháp luật của VPCP (b/c);
- Vụ Pháp chế của Bộ TC, Bộ KH&ĐT (b/c);
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL của Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, TH
Bản điện tử:
- Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang;
- Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - XH tỉnh;
- Các cơ quan, sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh;
- Các đại biểu HĐNĐ tỉnh;
- Thường trực: Huyện ủy, HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội
- nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh;
- Cổng thông tin đại biểu dân cư tỉnh Bắc Giang;
- Trung tâm Thông tin - Văn phòng UBND tỉnh;
- Lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng HĐND tỉnh.
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lâm Thị Hương Thành
|
QUY ĐỊNH
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 37/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh Bắc Giang)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Nghị quyết này quy định một số chính
sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, bao gồm: hỗ trợ
mặt bằng sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ
tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Doanh nghiệp được thành lập, tổ chức
và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí xác
định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp
nhỏ và vừa.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có
liên quan trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết này.
Điều 3. Nguyên tắc
áp dụng
1. Thực hiện theo quy định tại Điều 4
Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi
tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
(sau đây gọi là Nghị định số 39/2018/NĐ-CP).
2. Trong cùng một thời điểm, nếu có
nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước với cùng nội dung thì đối tượng
hỗ trợ được hưởng mức hỗ trợ cao nhất theo các chính sách hiện hành.
Điều 4. Nguồn
kinh phí thực hiện: Ngân sách nhà nước cấp tỉnh
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1.
HỖ TRỢ MẶT BẰNG SẢN XUẤT CHO DOANH
NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
Điều 5. Điều kiện
hỗ trợ
1. Là doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập
mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn đầu
tư nước ngoài; doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn nhà nước); thời gian hoạt động không
quá 07 năm (kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký
doanh nghiệp).
2. Được cấp Quyết định chủ trương đầu
tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định.
3. Thực hiện dự án đảm bảo đúng tiến
độ và các nội dung trong Quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng
ký đầu tư theo quy định.
Điều 6. Mức hỗ trợ
Doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện hoạt
động đầu tư sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
đã có nhà đầu tư hạ tầng hạ tầng được hỗ trợ 100% chi phí thuê
mặt bằng (bao gồm chi phí thuê hạ
tầng và phí sử dụng hạ tầng) trong 03 năm kể từ ngày ký hợp đồng thuê mặt bằng,
tổng mức hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/doanh nghiệp.
Điều 7. Trình tự,
thủ tục thực hiện
1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa nộp hồ sơ
đề nghị hỗ trợ về cơ quan chuyên môn được UBND tỉnh giao tham mưu thực hiện hỗ
trợ, gồm: văn bản đề nghị hỗ trợ; tờ khai xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh
nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo
Nghị định số 39/2018/NĐ-CP; bản sao (chứng thực): giấy chứng nhận đăng ký doanh
nghiệp, quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; hợp đồng
thuê mặt bằng.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể
từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn được UBND tỉnh giao tham mưu
thực hiện hỗ trợ tổ chức kiểm tra, xác định đối tượng, điều kiện, kinh phí hỗ
trợ và tham mưu thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp bằng hình thức thanh toán chi phí
thuê mặt bằng cho nhà đầu tư hạ tầng hạ tầng mà doanh nghiệp ký hợp đồng thuê mặt
bằng.
Mục 2.
HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA KHỞI
NGHIỆP SÁNG TẠO
Điều 8. Điều kiện
hỗ trợ
1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp
sáng tạo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khi
đáp ứng điều kiện hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp
nhỏ và vừa.
2. Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp
sáng tạo được lựa chọn để hỗ trợ theo một trong các phương thức quy định tại Điều
20 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP.
Điều 9. Mức hỗ trợ
1. Hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí
tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; thực hiện các thủ tục
về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện
sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới:
a) Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn
về thiết kế, đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển giá
trị nhãn hiệu. Kinh phí hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng /01 nhãn hiệu, mỗi doanh
nghiệp được hỗ trợ tối đa 02 nhãn hiệu/năm.
b) Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn
về kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích. Kinh
phí hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/01 hợp đồng/doanh nghiệp.
c) Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn
về xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý. Kinh phí hỗ
trợ tối đa 50 triệu đồng/01 hợp đồng/doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ không quá 01 lần/năm.
d) Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn
để doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở. Kinh phí hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/1
hợp đồng/doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ không quá 01 lần/năm.
đ) Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn
để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tự tổ chức đo lường (tự kiểm tra phương tiện
đo, trang bị dụng cụ để tự kiểm tra sai số của phương tiện đo, tự kiểm tra lượng
của hàng đóng gói sẵn....). Kinh phí hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/1 hợp đồng/doanh
nghiệp.
e) Các nội dung hỗ trợ khác thực hiện
theo quy định tại điểm a, điểm c, điểm đ khoản 2 Điều 21 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP.
2. Hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao
công nghệ: thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị
định số 39/2018/NĐ-CP.
3. Hỗ trợ về đào tạo, thông tin, xúc
tiến thương mại, thương mại hóa
a) Hỗ trợ 50% chi phí đào tạo chuyên
sâu về các nội dung sau: xây dựng, phát triển sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm;
gọi vốn đầu tư; phát triển thị trường; kết nối mạng lưới
khởi nghiệp với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học. Chi phí hỗ trợ không
quá 10 triệu đồng trên một khóa đào tạo và không quá 01 khóa đào tạo trên năm.
b) Hỗ trợ 100% chi phí gian hàng tại
Hội chợ triển lãm xúc tiến thương
mại trong nước nhưng mức tối đa không quá 20 triệu đồng/doanh
nghiệp và mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa 2 lần/năm. Hỗ trợ 100% chi phí
gian hàng tại Hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại quốc tế nhưng mức tối đa không quá 200
triệu đồng/doanh nghiệp và mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ tối
đa 2 lần/năm. Được ưu tiên tham
gia Chương trình xúc tiến thương mại có sử dụng ngân sách nhà nước.
c) Các nội dung hỗ trợ khác thực hiện
theo quy định tại điểm b, điểm d, khoản 4 Điều 21 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP.
4. Hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ
sở ươm tạo, khu làm việc chung
a) Hỗ trợ 100% chi phí sử dụng trang
thiết bị tại các cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng không quá
25 triệu đồng/tháng/doanh nghiệp.
b) Hỗ trợ phí tham gia các cơ sở ươm
tạo, khu làm việc chung: thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 21 Nghị
định số 39/2018/NĐ-CP.
Điều 10. Trình tự,
thủ tục thực hiện
1. Đối với nội dung hỗ trợ quy định tại
khoản 1, khoản 2 Điều 9 Quy định này
a) Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị hỗ
trợ về cơ quan chuyên môn được UBND tỉnh giao tham mưu thực
hiện hỗ trợ, gồm:
Hồ sơ chung: văn bản đề nghị hỗ trợ;
bản sao (chứng thực) giấy đăng ký doanh nghiệp; tài liệu chứng minh đủ điều kiện
hỗ trợ; bản sao hợp lệ hợp đồng, biên bản thanh lý hợp đồng giữa doanh nghiệp với
đơn vị cung cấp dịch vụ và chứng từ tài chính theo hợp đồng.
Hồ sơ bổ sung cho từng nhóm:
Nhóm hỗ trợ tư vấn về thiết kế, đăng
ký bảo hộ, khai thác và phát triển giá trị của nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp,
sáng chế, giải pháp hữu ích; hỗ trợ tư vấn về xây dựng và phát triển tài sản
trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý: bản thuyết minh kế hoạch thiết kế, đăng ký bảo
hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu
ích, chỉ dẫn địa lý; bản thuyết minh về nội dung phát triển giá trị của nhãn hiệu,
kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, chỉ dẫn địa lý; bản sao hợp lệ văn bằng bảo hộ
sở hữu trí tuệ liên quan.
Nhóm hỗ trợ tư vấn để doanh nghiệp
xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; hỗ trợ tư vấn tự tổ chức đo lường: Bản thuyết minh kế
hoạch xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; Bản thuyết minh kế hoạch tự tổ chức đo lường.
Nhóm hỗ trợ hợp đồng ứng dụng công
nghệ, chuyển giao công nghệ: Bản thuyết minh về công nghệ được ứng dụng hoặc
chuyển giao, mục đích và kết quả của việc ứng dụng công nghệ; Bản sao các văn bằng
bảo hộ sở hữu trí tuệ liên quan (nếu có).
b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể
từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn được UBND tỉnh giao tham mưu
thực hiện hỗ trợ kiểm tra, xác định đối tượng, điều kiện, kinh phí hỗ trợ và
tham mưu thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp.
2. Đối với nội dung hỗ trợ theo quy định
tại điểm a khoản 3 Điều 9 Quy định này
a) Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị hỗ
trợ về cơ quan chuyên môn được UBND tỉnh giao tham mưu thực hiện hỗ trợ, gồm:
văn bản đề nghị hỗ trợ; bản sao (chứng thực) giấy đăng ký
doanh nghiệp; tài liệu chứng minh đủ điều kiện hỗ trợ; đơn đăng ký tham gia
khóa đào tạo; bản sao hợp lệ hợp đồng, biên bản thanh lý nghiệm thu hợp đồng và
hóa đơn tài chính xác định kinh phí thực hiện hợp đồng (nếu
có); dự toán kinh phí tham gia khóa đào tạo; bản sao hợp lệ
hóa đơn tài chính xác định kinh phí tham gia khóa đào tạo.
b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể
từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn được UBND tỉnh giao tham mưu
thực hiện hỗ trợ kiểm tra, xác định đối tượng, điều kiện, kinh phí hỗ trợ và
tham mưu thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp.
3. Đối với nội dung hỗ trợ theo quy định
tại điểm b khoản 3 Điều 9 Quy định này
a) Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị hỗ
trợ về cơ quan chuyên môn được UBND tỉnh giao tham mưu thực hiện hỗ trợ, gồm:
văn bản đề nghị hỗ trợ; bản sao (chứng thực) giấy đăng ký doanh nghiệp; tài liệu
chứng minh đủ điều kiện hỗ trợ; đơn đăng ký, thư mời tham gia gian hàng tại Hội
chợ triển lãm xúc tiến thương mại
trong nước và quốc tế; dự toán kinh phí tham gia gian hàng; bản sao hợp lệ hợp đồng, biên bản nghiệm
thu thanh lý hợp đồng, chứng từ tài
chính xác định kinh phí tham gia gian hàng.
b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể
từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn được UBND tỉnh giao tham mưu
thực hiện hỗ trợ kiểm tra, xác định đối tượng, điều kiện, kinh phí hỗ trợ và và
tham mưu thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp.
4. Đối với nội dung hỗ trợ theo quy định
tại khoản 4 Điều 9 Quy định này
a) Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị hỗ
trợ về cơ quan chuyên môn được UBND tỉnh giao tham mưu thực hiện hỗ trợ, gồm:
văn bản đề nghị hỗ trợ; bản sao (chứng thực) giấy đăng ký doanh nghiệp; tài liệu
chứng minh đủ điều kiện hỗ trợ; bản sao hợp lệ hợp đồng và chứng từ tài chính xác định kinh phí thực hiện hợp đồng.
b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể
từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn được UBND tỉnh giao tham mưu
thực hiện hỗ trợ, xác định đối tượng, điều kiện, kinh phí hỗ trợ và tham mưu thực
hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Mục 3.
HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA THAM
GIA CỤM LIÊN KẾT NGÀNH, CHUỖI GIÁ TRỊ
Điều 11. Điều kiện
hỗ trợ
1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm
liên kết ngành, chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm
năng của tỉnh Bắc Giang đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Phương thức lựa chọn doanh nghiệp
nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được thực hiện theo quy định
tại Điều 23 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP.
Điều 12. Mức hỗ
trợ
1. Hỗ trợ chi phí đối với các khóa
đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất
chuyên biệt tại hiện trường: thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định
số 39/2018/NĐ-CP
2. Hỗ trợ liên kết sản xuất, kinh
doanh
a) Hỗ trợ 100%
giá trị hợp đồng tư vấn về thúc đẩy liên kết trong cụm
liên kết ngành, chuỗi giá trị. Mức tối đa không quá 50 triệu đồng/hợp đồng.
b) Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn
về xây dựng các dự án liên kết kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển thị trường,
nâng cao giá trị của sản phẩm, hàng hóa. Mức tối đa không quá 100 triệu đồng/hợp
đồng.
3. Hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở
rộng thị trường
a) Hỗ trợ 100%
giá trị hợp đồng tư vấn về nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật
kinh doanh. Mức tối đa không quá 07 triệu đồng/doanh nghiệp
và không quá 01 lần/năm.
b) Hỗ trợ 100% chi phí gian hàng tại
Hội chợ triển lãm xúc tiến thương
mại trong nước nhưng mức tối đa không quá 20 triệu đồng/doanh nghiệp và mỗi
doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa 2 lần/năm. Hỗ trợ 100% chi phí gian hàng tại Hội
chợ triển lãm xúc tiến thương mại
quốc tế nhưng mức tối đa không quá 200 triệu đồng/doanh nghiệp và mỗi doanh
nghiệp được hỗ trợ tối đa 2 lần/năm. Được ưu tiên tham gia Chương trình xúc tiến
thương mại có sử dụng ngân sách nhà nước.
4. Hỗ trợ tư vấn
về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; hỗ trợ thực hiện các
thủ tục về sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng
a) Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn
để doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở. Kinh phí hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/1
hợp đồng/doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ không quá
01 lần/năm.
b) Hỗ trợ 100%
giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp tự tổ chức đo lường. Mức tối đa không
quá 10 triệu đồng/hợp đồng.
c) Hỗ trợ 100% chi phí thử nghiệm,
giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng
hóa. Mức tối đa không quá 20 triệu đồng/doanh nghiệp và không quá 02 lần/năm.
d) Nội dung hỗ trợ khác theo quy định
tại điểm a, điểm c khoản 4 Điều 24; điểm b, điểm c, điểm d khoản 5 Điều 24 Nghị
định số 39/2018/NĐ-CP.
Điều 13. Trình tự,
thủ tục thực hiện
1. Đối với nội dung hỗ trợ quy định tại
khoản 1 Điều 12 thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Quy định này.
2. Đối với nội dung hỗ trợ quy định tại
khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 12 thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Quy
định này.
3. Đối với nội dung hỗ trợ theo quy định
tại điểm b khoản 3 Điều 12 thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Quy định
này.
4. Đối với nội dung hỗ trợ quy định tại
điểm a, điểm b khoản 4 Điều 12 thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Quy
định này.
5. Đối với nội dung hỗ trợ quy định c
khoản 4 Điều 12 quy định này
a) Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị hỗ
trợ về cơ quan chuyên môn được UBND tỉnh giao tham mưu thực hiện hỗ trợ, gồm:
văn bản đề nghị hỗ trợ; bản sao (chứng thực) giấy đăng ký
doanh nghiệp; tài liệu chứng minh đủ điều kiện hỗ trợ; bản sao hợp lệ chứng từ tài chính xác định kinh phí thực hiện.
b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể
từ ngày nhận đủ hề sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn được UBND tỉnh giao tham mưu
thực hiện hỗ trợ, xác định đối tượng, điều kiện, kinh phí hỗ trợ và tham mưu thực
hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp./.