Nghị quyết 34/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2017

Số hiệu 34/NQ-CP
Ngày ban hành 07/04/2017
Ngày có hiệu lực 07/04/2017
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bảo hiểm,Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 34/NQ-CP

Hà Nội, ngày 07 tháng 04 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 3 NĂM 2017

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2017, tổ chức vào ngày 03 tháng 4 năm 2017,

QUYẾT NGHỊ:

1. Về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh quý I năm 2017

Trong quý, các bộ, cơ quan đã có nhiều cố gắng, hoàn thành cơ bản nhiệm vụ xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số dự án luật phải xin rút, xin lùi thời hạn trình Quốc hội; một số bộ, cơ quan nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, trong đó số lượng thông tư còn nợ đọng nhiều.

Trong quý II năm 2017, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ sau:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và việc soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết của bộ, cơ quan mình, kiên quyết không để xảy ra tình trạng xin lùi thời hạn trình văn bản hoặc để nợ đọng văn bản quy định chi tiết.

- Các bộ, cơ quan ngang bộ còn nợ đọng văn bản hoặc chưa ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2017 và ngày 01 tháng 7 năm 2017 phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo văn bản theo quy định, trình Chính phủ xem xét, thông qua tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2017. Chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan xử lý, thống nhất những vấn đề còn ý kiến khác nhau thuộc nội dung cơ bản của dự án, dự thảo văn bản trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng cường phối hợp chặt chẽ trong khâu tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành văn bản theo quy định của Quy chế làm việc của Chính phủ.

- Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

2. Về thời hạn chuyển đổi Văn phòng công chứng

Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm quy định tại khoản 1 Điều 79 của Luật công chứng. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giải pháp phù hợp đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng phục vụ nhu cầu xã hội; đối với các địa bàn khó khăn không có điều kiện xã hội hóa thì giao các Sở Tư pháp hướng dẫn tổ chức thực hiện dịch vụ công chứng phù hợp với quy định pháp luật công chứng.

3. Về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động

Chính phủ thống nhất đề xuất điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động quy định tại Điều 57 Luật việc làm từ 1% xuống còn 0,5% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp để tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp. Thời gian thực hiện việc điều chỉnh kể từ ngày Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ khẩn trương tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn tất thủ tục theo quy định. Giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội.

4. Về dự thảo Nghị định quản lý, phát triển cụm công nghiệp

Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

5. Về biện pháp quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi

Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ Công Thương về việc kết thúc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ ngày 01 tháng 4 năm 2017. Yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan thực hiện quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật giá và các văn bản pháp luật có liên quan; đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc kiểm soát giá, chống đầu cơ, độc quyền.

6. Về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án trong Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai

Để bảo đảm tiến độ thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội, Chính phủ thống nhất kiến nghị Quốc hội cho phép tách nội dung hạng mục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai thành tiểu dự án riêng và giao Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm thực hiện.

Giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 3 nội dung trên.

7. Về Báo cáo chuyên đề cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao nội dung Báo cáo chuyên đề của Bộ Khoa học và Công nghệ và các chuyên gia Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA). Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là xu hướng phát triển dựa trên nền tảng số hóa và kết nối, có quy mô tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, làm thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất trong tương lai, có thể mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đồng thời cũng đưa đến thách thức đối với quá trình phát triển. Việt Nam cần chủ động có định hướng, giải pháp thiết thực để nắm bắt cơ hội, giảm thiểu các tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trước hết là có bước đột phá về công nghệ thông tin.

Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, cơ quan liên quan và VINASA xây dựng dự thảo Chỉ thị về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2017.

[...]