Nghị quyết 330/NQ-HĐND năm 2020 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 do thành phố Đà Nẵng ban hành

Số hiệu 330/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2020
Ngày có hiệu lực 01/01/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Lương Nguyễn Minh Triết
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 330/NQ-HĐND

Đà Nẵng, ngày 09 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2021 - 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
KHÓA IX, NHIỆM KỲ 2016 - 2021, KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Xét Báo cáo số 326/BC-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021 - 2025 và Tờ trình số 7637/TTr-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2020 của UBND thành phố về việc đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 an ninh 5 năm, Báo cáo thẩm tra của các ban Hội đồng nhân dân thành phố và ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố.

QUYẾT NGHỊ:

Tán thành những nội dung cơ bản về đánh giá tình hình và kết quả phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025 nêu trong Báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố:

I. VỀ ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2016 - 2020

Năm năm qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thành phố đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện 3 đột phá về kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI đạt kết quả rõ nét trên một số lĩnh vực. Kinh tế duy trì được nhịp độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; chất lượng tăng trưởng một số mặt được cải thiện. Ngành dịch vụ dẫn đầu về tỷ trọng; dịch vụ thương mại, thông tin và truyền thông, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế đều phát triển với tốc độ cao. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh quốc tế, Đà Nẵng được biết đến như là một điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện. Công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin được chú trọng phát triển. Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung (giai đoạn 1) được đầu tư tương đối hoàn thiện, hứa hẹn sẽ là động lực mới cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững và hội nhập cao hơn của thành phố trong những năm đến. Nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển ngày càng được phát huy với vị thế là một trong ba trụ cột phát triển của Đà Nẵng. Môi trường đầu tư thông thoáng; hoạt động đối ngoại được mở rộng; các chỉ số về tính hấp dẫn, về tính cạnh tranh địa phương, chỉ số phát triển con người duy trì được trong nhóm các địa phương dẫn đầu của cả nước. Đặc biệt, thành phố đã nỗ lực, bình tĩnh, quyết tâm và có nhiều biện pháp sáng tạo trong công tác phòng chống dịch Covid-19, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, khôi phục kinh tế và đảm bảo đời sống nhân dân. Hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo đô thị có bước phát triển nhanh theo hướng văn minh, bền vững, thân thiện. Xây dựng nông thôn mới hoàn thành sớm mục tiêu đề ra. Lĩnh vực văn hoá - xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, công tác giảm nghèo đạt kết quả tốt; đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân được nâng lên. Đà Nẵng từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, chủ quyền vùng biển được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, tích lũy để tái đầu tư, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh còn hạn chế. Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt còn thấp, chậm được cải thiện. Có 04 chỉ tiêu về kinh tế chưa đạt. Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 đột phá phát triển kinh tế - xã hội chưa quyết liệt. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực sản xuất chưa mạnh; phần lớn doanh nghiệp thành phố có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chưa hình thành được những ngành hàng, sản phẩm, doanh nghiệp chủ lực, có quy mô lớn theo mục tiêu nghị quyết. Kết cấu hạ tầng đô thị có mặt chưa đồng bộ, bắt đầu có dấu hiệu quá tải trên một số mặt, nổi lên một số vấn đề về môi trường, nước thải, rác thải và nước sạch. Chất lượng giáo dục và đào tạo, nguồn nhân lực chưa đồng đều; các lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật chưa được đầu tư để phát triển ngang tầm với tiềm năng, lợi thế của thành phố. Đời sống, việc làm của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, chậm được cải thiện. Vai trò động lực, liên kết khu vực và sức lan tỏa còn yếu.

II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU 5 NĂM 2021 - 2025

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tiên phong trong đổi mới và phát triển, đưa thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc, phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

Tầm nhìn đến năm 2030: Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống; người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được đảm bảo vững chắc.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025

a) Về kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021-2025 tăng 9-10%/năm (dịch vụ tăng 8,5-9,5%, công nghiệp - xây dựng tăng 11- 11,5%; nông, nghiệp tăng 2-3%; thuê sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 11-11,5%/năm).

- GRDP bình quân đầu người đạt 5.000-5.500 USD.

- Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Dịch vụ 63-65%; công nghiệp - xây dựng 23-25%; nông nghiệp 1-2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 11-12%.

- Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tăng 9-10%/năm với tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 ước đạt 260-270 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước ước đạt 53-60 nghìn tỷ đồng, chiếm 20-22%.

- Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 7-10%/năm.

b) Về xã hội

- Tỷ lệ tăng dân số bình quân 2,4%/năm, tỷ lệ tăng tự nhiên giữ mức 1,0-1,2%.

- Đến cuối năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%.

- Đến cuối năm 2025, không còn hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn đa chiều của thành phố.

- Duy trì 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến năm 2025 đạt 99%.

- Đến cuối năm 2025, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có ít nhất 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

c) Về môi trường

[...]