Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị quyết 33/2006/NQ-HĐND về thông qua Đề án “Phát triển khuyến nông, khuyến ngư giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020" do tỉnh Đắk Nông ban hành

Số hiệu 33/2006/NQ-HĐND
Ngày ban hành 25/12/2006
Ngày có hiệu lực 01/01/2007
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký K'beo
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/2006/NQ-HĐND

Gia Nghĩa, ngày 25 tháng 12 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN KHUYẾN NÔNG, KHUYẾN NGƯ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020”

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG
KHÓA I, KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 56/2005/NĐ-CP, ngày 26 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về khuyến nông, khuyến ngư và Thông tư số 60/2005/TT-BNN, ngày 10/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 56/2005/NĐ-CP;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 30/2006/TTLT-BTC-BNN&PTNT-BTS, ngày 06 tháng 4 năm 2006 của Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Thủy sản hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến nông, khuyến ngư;

Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông tại Tờ trình số 2354/TTr- UBND, ngày 08 tháng 11 năm 2006 về việc thông qua Đề án phát triển khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020;

Sau khi nghe Báo cáo thẩm tra số 51/BC-KTNS, ngày 13 tháng 12 năm 2006 của Ban Kinh tế và Ngân sách của HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu tham dự kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Đề án “Phát triển khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020” (có đề án kèm theo).

Điều 2. Giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và định kỳ báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết về quả thực hiện.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Nông khóa I, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 22 tháng 12 năm 2006.

 

 

CHỦ TỊCH




K'beo

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN KHUYẾN NÔNG, KHUYẾN NGƯ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số: 33/2006/NQ-HĐND, ngày 25 tháng 12 năm 2006 của HĐND tỉnh Đăk Nông)

Các hoạt động khuyến nông trong lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy nông, nghề muối, chế biến, bảo quản nông, lâm sản, muối, ngành nghề nông thôn và khuyến ngư trong trong lĩnh vực: nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến thủy sản gọi chung là khuyến nông, khuyến ngư trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản.

Phần I

ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG

1. Hiện trạng công tác khuyến nông, khuyến ngư:

Đăk Nông là một tỉnh nông nghiệp miền núi, tổ chức hành chính gồm 7 huyện và 1 thị xã (trong đó có 4 huyện biên giới, 2 huyện đặc biệt khó khăn), 66 xã, phường, thị trấn (6 xã biên giới, 10 xã đặc biệt khó khăn), có 624 thôn, bon, buôn, tổ dân phố (121 buôn, bon đồng bào dân tộc tại chỗ). Tổng diện tích đất tự nhiên 651.345 ha (trong đó đất nông nghiệp chiếm 31,14%, đất dùng vào lâm nghiệp chiếm 56,6%). Dân số đến năm 2005 gần 410 ngàn người, khu vực nông thôn có 349.082 người chiếm 85,4% dân số. Toàn tỉnh có 170.601 lao động, trong đó lao động nông, lâm nghiệp là 142.725 chiếm trên 83,7 % tổng số lao động. Tỷ trọng khu vực nông nghiệp chiếm 59,7% tổng sản phẩm toàn tỉnh, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 16,8 triệu đồng/ha.

Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, lâm nghiệp năm 2005 đạt 2.548 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 5%, giá trị tăng thêm 1.474 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 5,4%.

Tổng diện tích gieo trồng năm 2005 đạt 206,5 ngàn ha; cây công nghiệp dài ngày là cây có thế mạnh của tỉnh, diện tích cà phê khoảng 70,8 ngàn ha; cao su 8,5 ngàn ha; điều 20,9 ngàn ha; tiêu 5,6 ngàn ha.

Chăn nuôi có sự phát triển nhưng tốc độ chậm, chiếm tỷ trọng 5,03% giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh.

Sản xuất lâm nghiệp phát triển chậm, chiếm tỷ trọng 1,8% giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, công tác quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng chưa được chú trọng, mỗi năm trồng mới 1.500 ha rừng, chủ yếu là rừng nguyên liệu.

[...]