HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
32/2011/NQ-HĐND
|
Thái Nguyên,
ngày 12 tháng 12 năm 2011
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÔNG QUA “ĐỀ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH THÁI NGUYÊN,
GIAI ĐOẠN 2011 - 2015”
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHOÁ XII, KỲ HỌP THỨ 3
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân năm 2003; Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2005;
Căn cứ Nghị quyết số: 27/NQ-CP ngày 12/6/2009
của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý nhà nước về
tài nguyên và môi trường;
Căn cứ Quyết định số: 256/2003/QĐ-TTg ngày
02/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược môi trường quốc gia
đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số: 153/2004/QĐ-TTg ngày
17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định hướng chiến lược phát
triển bền vững ở Việt Nam;
Xét Tờ trình số: 87/TTr-UBND ngày 25/11/2011
của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc đề nghị phê chuẩn Đề án bảo vệ môi
trường tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2011 - 2015; Báo cáo Thẩm tra của Ban Kinh tế
và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân
tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đề án bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên giai đoạn
2011 - 2015 (có tóm tắt Đề án kèm theo), với những nội dung chính như sau:
1. Mục tiêu đến năm 2015
a) Mục tiêu tổng quát
Tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp
bách, nhằm khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; bảo vệ đa dạng sinh học và
kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu.
b) Mục tiêu cụ thể
- Đối với chất thải rắn sinh hoạt đô thị: 90%
rác thải sinh hoạt đô thị của thành phố Thái nguyên; 70% rác thải sinh hoạt tại
các khu vực nội thị, trung tâm các xã của thị xã Sông Công và các thị trấn, thị
tứ huyện được thu gom, xử lý hợp vệ sinh. Phấn đấu giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải,
tăng tỷ lệ rác thải được chế biến trong các dây chuyền công nghệ tái chế, xử
lý. Quy hoạch và tổ chức xây dựng các khu chôn lấp hợp vệ sinh ở cấp huyện bảo
đảm đúng quy định.
- Đối với chất thải rắn công nghiệp: Quy hoạch
và xây dựng các khu tái chế, xử lý chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp.
- Đối với chất thải y tế: 100% nước thải và rác
thải y tế tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên được thu gom, xử lý hợp vệ
sinh.
- Xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm
trọng: 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nằm trong Quyết định số:
64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành kế hoạch xử
lý triệt để ô nhiễm; các cơ sở theo danh sách phê duyệt của Uỷ ban nhân dân tỉnh
hoàn thành kế hoạch xử lý ô nhiễm theo đúng lộ trình đã ban hành.
- Khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm
công nghiệp: Phấn đấu 100% các khu, cụm công nghiệp phải thực hiện đầy đủ các
quy định về bảo vệ môi trường theo quy định trước khi đầu tư xây dựng và thu
hút đầu tư thứ cấp, đặc biệt phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
- Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường xung
quanh các khu sản xuất công nghiệp, khu khai thác, chế biến khoáng sản, khu dân
cư, đô thị.
- Bảo vệ môi trường và cảnh quan sinh thái lưu vực
sông Cầu.
- Bảo vệ và cải thiện môi trường nông nghiệp
nông thôn.
- Bảo vệ đa dạng sinh học: tiếp tục nâng độ che
phủ rừng đạt chỉ tiêu kế hoạch. Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, các hệ
sinh thái trên cạn, nông nghiệp và các hệ sinh thái nước ngọt. Sử dụng bền vững
nguồn tài nguyên đa dạng sinh học, quản lý hệ sinh thái rừng bền vững.
- Ứng phó với biến đổi khí hậu: Củng cố và nâng
cao năng lực tổ chức, thể chế, chính sách về biến đổi khí hậu; lồng ghép vấn đề
biến đổi khí hậu vào các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của
các cấp, các ngành. Đảm bảo các cộng đồng, các tổ chức được hưởng lợi bình đẳng
từ các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
2. Các nhiệm vụ và giải pháp
chủ yếu
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo
dục pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân; đẩy mạnh
xã hội hoá trong công tác bảo vệ môi trường đối với công tác thu gom và xử lý
chất thải, khắc phục ô nhiễm, xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường;
nghiên cứu ứng dụng các công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường.
Nâng cao năng lực quản lý, xây dựng và cụ thể
hoá các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường; quản lý sử
dụng nguồn kinh phí đúng mục đích.
Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo
vệ môi trường. Ưu tiên các nguồn vốn cho đầu tư thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt,
y tế, khắc phục, xử lý ô nhiễm, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng
sinh học.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám
sát về bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường.
Xây dựng danh mục các dự án, đề án cần ưu tiên
thực hiện.
Điều 2. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện
Nghị quyết.
Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Kinh tế và Ngân
sách Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái
Nguyên khoá XII, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2011./.
TÓM TẮT ĐỀ ÁN
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số: 32/2011/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2011
của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên)
I. QUAN ĐIỂM
Đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của các
cấp uỷ Đảng, chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị
và cộng đồng dân cư tham gia thực hiện, giám sát việc bảo vệ môi trường.
Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận
thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư.
Bảo vệ môi trường là mục tiêu, là nội dung cơ bản
của phát triển bền vững, được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch,
dự án phát triển của ngành, địa phương trong tỉnh.
Phương châm bảo vệ môi trường là phòng ngừa tác
động xấu tới môi trường, kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải
thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên.
Đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy nội lực kết hợp với
việc tăng cường quản lý nhà nước; tranh thủ nguồn lực tài chính trong nước và
quốc tế, đầu tư cho bảo vệ môi trường; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến kết
hợp với các giải pháp truyền thống để bảo vệ môi trường;
II. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2015
1. Mục tiêu tổng quát
Tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp
bách, nhằm khắc phục và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học
và kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu.
2. Mục tiêu cụ thể
- Đối với chất thải rắn sinh hoạt đô thị: 90%
rác thải sinh hoạt đô thị của thành phố Thái nguyên; 70% rác thải sinh hoạt tại
các khu vực nội thị, trung tâm các xã của thị xã Sông Công và các thị trấn, thị
tứ các huyện được thu gom xử lý hợp vệ sinh. Phấn đấu giảm tỷ lệ chôn lấp rác
thải, tăng tỷ lệ rác thải được chế biến trong các dây chuyền công nghệ tái chế.
Quy hoạch và tổ chức xây dựng các khu chôn lấp hợp vệ sinh ở cấp huyện đảm bảo
theo quy định.
- Đối với chất thải rắn công nghiệp: Quy hoạch
và xây dựng các khu tái chế, xử lý chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp.
- Đối với chất thải y tế: 100% nước thải và rác
thải y tế tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên được thu gom và xử lý hợp vệ
sinh.
- 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
nằm trong Quyết định số: 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ,
hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm; các cơ sở theo danh sách phê duyệt
của UBND tỉnh hoàn thành kế hoạch xử lý ô nhiễm theo đúng lộ trình đã ban hành.
- Phấn đấu 100% các khu, cụm công nghiệp phải thực
hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường theo quy định trước khi đầu tư
xây dựng và thu hút đầu tư thứ cấp, đặc biệt phải có hệ thống xử lý nước thải tập
trung.
- Di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm
trọng trong khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp. Quy hoạch các cụm làng nghề.
- Tiếp tục điều tra, đánh giá và khắc phục, xử
lý ô nhiễm môi trường; tăng cường năng lực quan trắc môi trường.
- Khắc phục ô nhiễm môi trường tại một số khu vực
khai thác khoáng sản, tập trung vào các khu vực xung quanh bãi thải và các
moong khai thác lộ thiên.
- Hạn chế đầu tư các cơ sở sản xuất có quy mô,
công nghệ có tiềm năng gây ô nhiễm lớn, xóa bỏ sản xuất gạch thủ công.
- Đảm bảo dòng chảy và cải thiện môi trường, cảnh
quan lưu vực sông Cầu.
- Hoàn thành Dự án thoát nước và xử lý nước thải
thành phố Thái Nguyên. Quy hoạch, xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý thải đô
thị Nam thành phố Thái Nguyên và thị xã Sông Công.
- Đảm bảo các đều kiện vệ sinh môi trường ở khu
vực nông thôn, ưu tiên ở 35 xã điểm xây dựng nông thôn mới và các làng nghề. Từng
bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do các trang trại chăn nuôi, cơ sở
giết mổ gia súc, gia cầm. Quy hoạch nghĩa trang.
- Ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm tại các khu tồn
lưu hóa chất bảo vệ thực vật và trong canh tác nông nghiệp.
- Tiếp tục nâng độ che phủ rừng đạt chỉ tiêu kế
hoạch. Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học các hệ sinh thái trên cạn, nông
nghiệp và các hệ sinh thái nước ngọt. Sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đa dạng
sinh học, quản lý hệ sinh thái rừng bền vững.
- Củng cố và nâng cao năng lực tổ chức, thể chế,
chính sách về biến đổi khí hậu của tỉnh; lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào
các chiến lược và kế hoạch của các cấp, các ngành.
- Tiếp tục điều tra đánh giá thực trạng và xác định
chỉ tiêu cụ thể, giải pháp, nguồn lực để thực hiện mục tiêu về bảo vệ môi trường
như: Tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi
trường; các hộ gia đình ở đô thị và doanh nghiệp có dụng cụ chứa rác thải tại
nguồn; xử lý rác tại các hộ gia đình nông thôn; nước thải trong các cơ sở sản
xuất công nghiệp được xử lý; đường phố, thị trấn có cây xanh.
III. NHIỆM VỤ
1. Đối với chất thải rắn
- Tiếp tục thực hiện Dự án “Hỗ trợ quản lý chất
thải rắn sinh hoạt và y tế cấp huyện”. Lựa chọn huyện Phổ Yên để xây dựng và
triển khai mô hình cấp huyện; lựa chọn một số xã, phường của thị xã Sông Công để
xây dựng và triển khai mô hình cấp xã, trong đó có xã điểm xây dựng nông thôn mới.
Triển khai nhân rộng các mô hình điểm ra các huyện và đến xã, thị trấn ở các
huyện. Thành phố Thái Nguyên mở rộng địa bàn thu gom rác thải rắn đến các xã
ngoại thành của thành phố.
- Các huyện Phú Lương, Võ Nhai, Phú Bình, Định
Hoá, Đại Từ khẩn trương hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động các bãi chôn lấp
hợp vệ sinh. Thành lập các tổ vệ sinh môi trường đến các xóm, xã, ưu tiên triển
khai ở các xã, các điểm đông dân và các xã xây dựng nông thôn mới.
- Huyện Đồng Hỷ khẩn trương thực hiện dự án nhà
máy xử lý rác thải và xây dựng nhà máy chế biến; mở rộng địa bàn thu gom rác thải
đảm bảo công suất xử lý rác của nhà máy.
- Thu hút thêm các nhà đầu tư xây dựng nhà máy
chế biến rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên bố trí ở huyện Phổ Yên,
thành phố Thái Nguyên.
- Hỗ trợ kinh phí đầu tư, mua sắm trang thiết bị
thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cho các huyện, thành phố, thị xã đáp ứng nhu
cầu tổ chức thực hiện thu gom cho các xã, phường, thị trấn.
- Khuyến khích các cơ sở sản xuất tăng cường các
biện pháp quản lý, công nghệ để thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất
thải, tự xử lý chất thải nguy hại. Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư
xây dựng các nhà máy xử lý chất thải nguy hại.
- Xây dựng và ban hành các quy định về đổ chất
thải xây dựng. Xây dựng và ban hành quy định việc bố trí, sử dụng kinh phí để vận
hành hệ thống xử lý chất thải ở các bệnh viện. Rà soát xác định nhu cầu đầu tư
xây dựng lò đốt chất thải y tế ở các bệnh viện tuyến huyện để lập dự án và xây
dựng lò đốt chất thải y tế nguy hại, như: bệnh viện Định Hoá, Võ Nhai, Đại Từ,
Sông Công...
- Tổ chức thực hiện quy hoạch quản lý chất thải
rắn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
2. Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại
các khu sản xuất công nghiệp, khai thác, chế biến khoáng sản, khu dân cư, đô thị
- Xây dựng, phê duyệt và thực hiện các Dự án, Đề
án: Đề án di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư vào các khu,
cụm công nghiệp; Đề án khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu vực khai thác và
chế biến khoáng sản.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm
tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất chấp hành đúng các quy định pháp luật về bảo
vệ môi trường. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường.
- Tăng cường quy hoạch và xây dựng hạ tầng kỹ
thuật cho các khu, cụm công nghiệp đảm bảo đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường
trước khi thu hút các dự án đầu tư thứ cấp.
- Điều tra, đánh giá xác định các khu vực môi
trường bị ô nhiễm và sức khỏe cộng đồng tại các khu vực môi trường bị ô nhiễm;
lập và thực hiện các dự án khắc phục ô nhiễm môi trường. Tập trung xử lý ô nhiễm
tại các khu vực tồn lưu hoá chất bảo vệ thực vật.
- Tập trung nghiên cứu ứng dụng các công nghệ xử
lý chất thải phù hợp điều kiện sản xuất, đặc trưng, tính chất ô nhiễm và quy mô
phát thải của các nguồn thải trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là nước thải, bụi và
khí thải của các cơ sở luyện kim, khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất xi
măng. Có kế hoạch chuyển đổi công nghệ sản xuất xi măng lò đứng sang lò quay.
Khuyến khích các cơ sở sản xuất áp dụng ISO 14000 và sản xuất sạch hơn. Hạn chế
đầu tư các dự án đầu tư có quy mô, công nghệ sản xuất có tiềm năng gây ô nhiễm
lớn.
- Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong
các làng nghề, xóa bỏ sản xuất gạch thủ công, quy hoạch phát triển làng nghề đảm
bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường; quy hoạch các cụm làng nghề.
- Tiếp tục tăng cường năng lực trang thiết bị
quan trắc, giám sát môi trường nước, không khí cho cấp tỉnh và huyện; mở rộng mạng
lưới quan trắc môi trường và duy trì thực hiện chương trình quan trắc.
- Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về
các nguồn thải làm cơ sở cho việc kiểm tra và giám sát nguồn thải, theo dõi diễn
biến chất lượng các thành phần môi trường, đánh giá khả năng tiếp nhận nguồn thải
phục vụ công tác quy hoạch phát triển kinh tế xã hội.
3. Xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường
- Tích cực kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở
gây ô nhiễm môi trường; thực hiện và hoàn thành kế hoạch xử lý triệt ô nhiễm
môi trường theo đúng tiến độ đã được UBND tỉnh phê duyệt.
- Tiếp tục kiểm tra, thống kê và phê duyệt danh
sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải xử lý.
4. Bảo vệ môi trường và cảnh quan sinh thái
lưu vực sông Cầu
- Quy hoạch tổng thể và chi tiết về khai thác và
bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Cầu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; phân bổ nhu cầu
sử dụng hợp lý, phù hợp với mục đích sử dụng, đảm bảo duy trì trạng thái cân bằng
nước.
- Điều tra, thống kê, lập và thực hiện dự án cải
tạo, nạo vét, khơi thông dòng chảy tại các sông suối trong các đô thị, khu dân
cư đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Kiểm soát các hoạt động đổ thải, san lấp mặt bằng
lấn chiếm dòng chảy các sông, suối.
- Điều tra, lập dự án kè bờ sông các đoạn xung yếu
chảy qua khu đô thị. Quy hoạch khôi phục hệ sinh thái bản địa dọc 2 bờ sông Cầu
trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
- Xây dựng cơ chế chính sách và các văn bản hướng
dẫn nhằm khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm và bảo vệ có hiệu quả nguồn nước,
bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên lưu vực trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
- Đánh giá khả năng tiếp nhận nguồn thải của các
sông, suối trên lưu vực sông Cầu thuộc địa bàn tỉnh, phân vùng chất lượng môi
trường nước lưu vực sông Cầu phục vụ công tác quản lý và cấp phép xả thải.
5. Bảo vệ và cải thiện môi trường nông nghiệp
nông thôn
- Nghiên cứu ứng dụng mô hình xử lý chất thải
chăn nuôi sau hệ thống biogas nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; xử
lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình; thu gom xử lý vỏ bao bì đựng hóa chất bảo
vệ thực vật; xử lý chất thải của các làng nghề.
- Cải tạo, nâng cấp, xây dựng các công trình bảo
vệ môi trường nông thôn: xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước
trong xóm, làng, thị trấn; xây dựng các điểm thu gom, xử lý rác thải ở các xã
nông thôn mới. Quy hoạch, chỉnh trang, cải tạo nghĩa trang.
- Cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái trong
khu dân cư, phát triển cây xanh ở các công trình công cộng.
- Thực hiện mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ
sinh môi trường nông thôn.
6. Bảo vệ đa dạng sinh học
- Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trên cạn:
Xác định các loài động, thực vật và lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế, giá trị
nghiên cứu khoa học đang có nguy cơ tuyệt chủng và xây dựng kế hoạch bảo tồn,
phát triển bền vững. Hoàn chỉnh quy hoạch rừng đặc dụng bao gồm diện tích rừng
tự nhiên ở sườn Đông bắc của dãy Tam Đảo nằm trong vườn Quốc gia Tam Đảo. Quy
hoạch phục hồi rừng đầu nguồn.
- Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học nông
nghiệp: Điều tra, kiểm kê, đánh giá các nguồn gen, cây trồng, vật nuôi, vi sinh
vật nông nghiệp. Xây dựng, thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển đa dạng
sinh học nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên.
- Bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái nước
ngọt: Điều tra, đánh giá hiện trạng các hệ sinh thái nước ngọt trong tỉnh.
- Sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh
học: Tăng cường việc ngăn chặn, kiểm soát và xử lý triệt để việc khai thác,
kinh doanh và sử dụng trái phép động - thực vật hoang dã.
- Quản lý hệ sinh thái và rừng bền vững để tiến
tới chứng chỉ rừng/FSC và các dịch vụ hệ sinh thái ở một số cảnh quan điển
hình.
- Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về đa dạng
sinh học cho các sở, ban, ngành có liên quan trong tỉnh.
7. Ứng phó với biến đổi khí hậu
- Cụ thể hóa thể chế, chính sách về biến đổi khí
hậu, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
- Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các
lĩnh vực và đề xuất các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đối với các lĩnh
vực phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
- Tích hợp các vấn đề biến đổi khí hậu vào các
chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch của các ngành, các cấp.
- Xây dựng các quy trình quản lý tổng hợp các
công trình khai thác, bảo vệ và sử dụng các nguồn tài nguyên một các khoa học
trong điều kiện biến đổi khí hậu.
- Tiếp nhận và triển khai các đề tài, dự án
trong và ngoài nước nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Tập trung xây dựng và triển khai một số chương
trình, dự án liên quan tới cơ chế hậu Nghị định thư Kyoto về giảm phát thải từ
mất rừng và suy thoái rừng (REDD), Nghị định số: 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của
Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; tiếp tục xây dựng và
thực hiện các dự án về cơ chế phát triển sạch (CDM), gắn với chương trình thí
điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (PES).
- Xây dựng và triển khai các mô hình khu đô thị
xanh, khu dân cư xanh.
- Lập chương trình tiết kiệm năng lượng, hạn chế
sử dụng năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động công
nghiệp, giao thông, sinh hoạt...
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Căn cứ mục tiêu, nội dung và nhiệm vụ bảo vệ
môi trường, các ngành, các cấp chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết và triển
khai thực hiện nhiệm vụ của ngành và địa phương theo lộ trình, đảm bảo thực hiện
đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
2. Đánh giá kết quả thực hiện Đề án của các
ngành, các cấp hàng năm trên cơ sở có sự kiểm tra, giám sát của Ban kinh tế
ngân sách HĐND tỉnh.
3. Nâng cao năng lực quản lý, xây dựng và cụ thể
hoá các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật bảo vệ môi trường của nhà nước
phù hợp với điều kiện của tỉnh:
- Tăng cường biên chế cán bộ quản lý tài nguyên
và môi trường, trong đó bố trí cán bộ chuyên trách quản lý tài nguyên khoáng sản,
nước và môi trường ở cấp xã, trước hết ưu tiên cho các xã có nhiều vấn đề môi
trường bức xúc.
- Tiếp tục tăng cường năng lực quan trắc môi trường
cho cấp huyện, các ngành; hướng dẫn cấp huyện lập, triển khai và tổ chức thực
hiện kế hoạch bảo vệ môi trường hàng năm.
- Nâng cao chất lượng và thực hiện nghiêm túc,
đúng quy trình việc lập, thẩm định, phê duyệt và xác nhận hoàn thành các báo
cáo đánh giá tác động môi trường, dự án cải tạo phục hồi môi trường, bản cam kết
bảo vệ môi trường (gọi chung là báo cáo) và các thủ tục cấp phép. Tăng cường
các biện pháp kiểm tra việc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường và hiệu quả
của các biện pháp đã cam kết trong các báo cáo đã được phê duyệt; việc thực hiện
kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm môi trường của các cơ sở nằm trong quyết định
phê duyệt cơ sở gây ô nhiễm môi trường của UBND tỉnh; di dời các cơ sở gây ô
nhiễm môi trường vào các khu, cụm công nghiệp.
- Xây dựng và ban hành quy chế phối hợp bảo vệ
môi trường giữa các ngành liên quan với ngành tài nguyên và môi trường.
- Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách,
quy định pháp luật nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường,
xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, khuyến khích và thúc đẩy xã hội
hoá công tác bảo vệ môi trường.
- Bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường và kiểm
tra việc sử dụng của các ngành, các cấp theo quy định.
- Tăng cường huy động tối đa các nguồn vốn đầu
tư cho công tác bảo vệ môi trường từ các doanh nghiệp, xã hội hóa, nguồn vốn
trung ương, địa phương, ODA và phi chính phủ; ưu tiên các nguồn vốn cho đầu tư
thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, y tế, khắc phục, xử lý ô nhiễm, hạ tầng về bảo
vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học; đẩy mạnh
thu phí bảo vệ môi trường.
4. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục
pháp luật về báo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức môi trường, đẩy mạnh xã
hội hoá công tác bảo vệ môi trường.
- Phê duyệt và tổ chức thực hiện Kế hoạch truyền
thông bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập
trung xây dựng các nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, mục đích
tuyên truyền; xây dựng được mạng lưới các tuyên truyền viên bảo vệ môi trường ở
các cấp hội của các tổ chức chính trị - xã hội.
- Tập trung đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ
môi trường đối với công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; khắc phục ô
nhiễm môi trường.
- Lựa chọn và xây dựng các mô hình tổ chức tự quản
môi trường ở một số xã, phường, thị trấn và triển khai nhân rộng tới các xã,
phường, thị trấn nhất là ở địa bàn nông thôn, trước hết ưu tiên lựa chọn xây dựng
mô hình, triển khai nhân rộng ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Nghiên cứu
phát triển các loại hình dịch vụ môi trường.
5. Xây dựng danh mục và tổ chức thực hiện tốt
các dự án, đề án, chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt.
Căn cứ vào mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và phân
công thực hiện trong các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh đã
phê duyệt, các ngành, các cấp chủ động lập các dự án, xây dựng mục tiêu, kế hoạch
thực hiện hàng năm và triển khai thực hiện. Trước mắt, tập trung triển khai thực
hiện các đề án, dự án, kế hoạch, quy hoạch đã và chuẩn bị được phê duyệt sau
đây:
- Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên đến
năm 2020.
- Kế hoạch 5 năm bảo vệ môi trường lưu vực sông
Cầu trên địa bàn tỉnh Thái nguyên, giai đoạn 2011 - 2015.
- Kế hoạch truyền thông bảo vệ môi trường giai
đoạn 2011 - 2015.
- Kế hoạch hành động đa dạng sinh học giai đoạn
2010 - 2015 và định hướng đến năm 2025.
- Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Đề án di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường
trong khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp.
- Đề án bảo vệ và cải thiện môi trường nông nghiệp
nông thôn đến năm 2020.
- Đề án khắc phục ô nhiễm môi trường trong hoạt
động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
- Dự án hỗ trợ quản lý chất thải rắn sinh hoạt,
y tế cấp huyện trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2009 - 2014.
- Dự án hỗ trợ thiết bị quan trắc môi trường cấp
huyện.
- Các dự án xử lý ô nhiễm hoá chất bảo vệ thực vật
trên địa bàn tỉnh.
- Dự án cải tạo nạo vét sông Cầu đoạn từ nhà máy
giấy Hoàng Văn Thụ đến nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn.
- Dự án cải tạo nạo vét suối cốc và xử lý ô nhiễm
môi trường.
- Dự án đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới
sự an toàn của các công trình thuỷ lợi.
- Dự án điều tra tình hình thu gom, quản lý chất
thải công nghiệp và phế liệu trên địa bàn tỉnh.
- Dự án quan trắc hiện trạng môi trường toàn tỉnh
giai đoạn 2011 - 2015.
HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN