Nghị quyết 30/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2019

Số hiệu 30/NQ-CP
Ngày ban hành 11/05/2019
Ngày có hiệu lực 11/05/2019
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/NQ-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 4 NĂM 2019

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2019, tổ chức vào ngày 04 tháng 5 năm 2019,

QUYẾT NGHỊ:

1. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2019; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP của Chính phủ

Chính phủ thống nhất đánh giá: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71%, thấp nhất so với cùng kỳ trong 3 năm gần đây; mặt bằng lãi suất, tỷ giá thị trường ngoại tệ ổn định; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng. Tổng cầu tăng cao, trong đó tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,9%, cao nhất kể từ năm 2015; khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng 7,6%. Thu ngân sách nhà nước đạt khá. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài ước tăng 81%, vốn FDI thực hiện ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5%. Xuất khẩu tăng 5,8%, tiếp tục xuất siêu. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; có trên 43 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,9%; số vốn đăng ký tăng 31,7%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 52,6%. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, lao động, việc làm, thông tin truyền thông được quan tâm; đời sống của Nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn được giữ vững, nhất là dịp kỷ niệm Ngày 30 tháng 4 Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Công tác đối ngoại được tích cực triển khai và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Bên cạnh những kết quả được, nước ta còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục và tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là nắng nóng và nguy cơ hạn hán cục bộ tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên và một số địa phương; dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi; giá trị một số nông sản xuống thấp ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Giá dầu thô thế giới có xu hướng tăng mạnh sẽ làm gia tăng sức ép lạm phát. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại quốc tế dự báo chậm lại, tác động lớn đến kinh tế trong nước. Xuất khẩu tăng chậm. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng chậm hoặc giảm. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành chưa được triển khai tích cực. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc còn diễn ra phức tạp ở một số địa phương.

Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm hết sức nặng nề, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, kiên định, kiên trì thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra; từng Thành viên Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, tiếp tục quán triệt phương châm hành động của năm 2019: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả"; chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 01/NQ-CP02/NQ-CP của Chính phủ ngày 01 tháng 01 năm 2019; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ; bám sát mục tiêu tăng trưởng GDP theo kịch bản cho từng quý theo ngành, lĩnh vực, theo dõi sát tình hình trong nước và quốc tế để ứng phó phù hợp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; tập trung cải cách thủ tục hành chính thực chất, hiệu quả hơn; đẩy nhanh tiến độ xử lý công việc; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ người dân và doanh nghiệp; quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; trong đó tập trung thực hiện một số nội dung sau:

- Tiếp tục nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Các bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công Thương, Tài chính và Ban Chỉ đạo điều hành giá thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, phối hợp chặt chẽ trong điều hành các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để ứng phó kịp thời, hiệu quả với các biến động tình hình trong và ngoài nước. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, cung cấp thông tin khách quan, toàn diện, chính xác về công tác điều hành giá, thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu để tạo đồng thuận trong xã hội.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến tình hình thực tế, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, bảo đảm kiểm soát lạm phát mục tiêu đề ra; thực hiện các biện pháp bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thực hiện quyết liệt cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; ngăn chặn, giảm thiểu tín dụng đen.

- Bộ Tài chính tiếp tục siết chặt và tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước; thực hiện tốt công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; giám sát chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi mua xe ô tô, thiết bị đắt tiền, khánh tiết, tổ chức hội nghị. Đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp, mở rộng thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử đối với các hộ và cá nhân kinh doanh tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, nợ đọng thuế, chống chuyển giá, trốn thuế. Khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí kinh phí thực hiện Đề án cung ứng dịch vụ truyền hình tuyên truyền về đối ngoại; phòng chống giảm nhẹ thiên tai phục vụ cộng đồng; nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2018-2020 cho Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam trước ngày 15 tháng 5 năm 2019. Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí vốn ngân sách nhà nước từ nguồn tăng thu ngân sách năm 2018 tham gia dự án đường bộ cao tốc đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ theo quy định, bảo đảm hoàn thành dự án đồng bộ với các dự án đường bộ cao tốc đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2019.

- Phân công Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành việc giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2019 còn lại, kể cả việc điều chỉnh kế hoạch vốn nội bộ của bộ, ngành, địa phương và giữa các bộ, ngành, địa phương trong tháng 5 năm 2019.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện, trình Quốc hội dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong tháng 8 năm 2019. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của từng bộ, ngành, địa phương và tình hình đấu thầu qua mạng thời gian qua, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 5 năm 2019. Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, nhất là các dự án, đơn vị có sử dụng vốn lớn; nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, rà soát báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn từ đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp sang các đơn vị có nhu cầu về vốn và tỷ lệ giải ngân cao.

- Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân gây chậm trễ trong thực hiện kế hoạch đầu tư công gây thất thoát, lãng phí nguồn lực của nhà nước.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng; kiểm soát, sớm chấm dứt lây lan dịch tả lợn Châu Phi. Theo dõi sát tình hình thời tiết, chủ động chỉ đạo phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán, nắng nóng, cung cấp đủ nước cho sinh hoạt, sản xuất; phòng, chống cháy rừng. Có phương án đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu về dán tem nhãn để truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn hàng xuất khẩu sang thị trường EU và Nhật Bản. Phối hợp với các địa phương có biển tiếp tục thực hiện các giải pháp ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp.

- Bộ Công Thương theo dõi sát tình hình sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; khuyến khích đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Chủ động giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho triển khai thực hiện các dự án công nghiệp. Có phương án bảo đảm cung ứng điện cho sinh hoạt và sản xuất. Xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong quý II năm 2019. Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương có giải trình đầy đủ về phương án tăng giá điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ - trước ngày 15 tháng 5 năm 2019. Đẩy mạnh phòng, chống gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; có biện pháp ngăn chặn hàng hóa nước ngoài gắn mác sản xuất tại Việt Nam để buôn lậu hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cùng Bộ Giao thông vận tải xác định và có mục tiêu, giải pháp, kế hoạch liên quan đến phát triển dịch vụ logistics; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

- Phân công Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có giải pháp cụ thể, thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai các dự án điện, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sinh hoạt và sản xuất.

- Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh công tác chuẩn bị sớm triển khai các dự án trọng điểm như: Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, dự án mở rộng Cảng Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan, hoàn thiện các thủ tục cần thiết, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cơ bản các dự án đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ vào năm 2020 và thông toàn tuyến vào năm 2021. Tăng cường công tác quản lý chất lượng, thúc đẩy tiến độ thi công, giải ngân các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của ngành. Khẩn trương trình Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trong tháng 6 năm 2019.

- Bộ Xây dựng theo dõi sát tình hình thị trường bất động sản; đôn đốc các địa phương xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản. Khẩn trương đề xuất các cơ chế quản lý và phát triển các loại hình bất động sản mới. Tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà cho thuê, nhà ở cho người có thu nhập thấp. Phối hợp đôn đốc các địa phương chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, khắc phục tiêu cực. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý quy hoạch, khai thác quỹ đất đô thị dành cho công trình phúc lợi phục vụ cộng đồng trong quý III năm 2019.

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch. Đẩy mạnh quản lý và kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ phục vụ hoạt động du lịch; đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các dịch vụ du lịch. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo, mê tín, dị đoan để thu lợi bất chính. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

- Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc Vesak 2019.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tốt các hoạt động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019. Phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, nhất là trợ giúp các đối tượng yếu thế, người tàn tật, người già và trẻ em cô đơn, không nơi nương tựa. Phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, địa phương chủ động lên phương án, tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh, bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè.

- Bộ Y tế chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh theo mùa. Tích cực thực hiện các biện pháp giảm quá tải bệnh viện. Tăng cường thông tin truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân; phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, cơ quan chức năng chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, sai phạm trong thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học năm 2018. Chuẩn bị các điều kiện, tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, tuyển sinh đại học năm 2019, bảo đảm thuận lợi cho học sinh và gia đình, có chất lượng, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời dự báo, thông tin phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai. Tích cực triển khai các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc thải bỏ rác thải nhựa trong sinh hoạt.

[...]
9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ