Nghị quyết số 29-CP về vị trí kinh tế của cấp tỉnh, thành phố và những nguyên tắc, nội dung chính của việc phân cấp quản lý kinh tế cho cấp ấy do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 29-CP
Ngày ban hành 02/01/1968
Ngày có hiệu lực 17/01/1968
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký ***
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*****

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
******

Số: 29-CP

Hà Nội, ngày 02 tháng 01 năm 1968

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VỊ TRÍ KINH TẾ CỦA CẤP TỈNH, THÀNH PHỐ VÀ NHỮNG NGUYÊN TẮC, NỘI DUNG CHÍNH CỦA VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ KINH TẾ CHO CẤP ẤY

Cải tiến và tăng cường quản lý kinh tế của Nhà nước ta là một vấn đề cấp thiết và có tầm quan trọng lớn đối với công cuộc chống Mỹ, cứu nước hiện nay cũng như đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta. Đó là một lĩnh vực rộng lớn bao gồm nhiều mặt, trong đó vấn đề xác định vị trí của mỗi cấp và phân cấp quản lý kinh tế giữa trung ương và địa phương là một vấn đề quan trọng nhằm một mặt tăng cường sự lãnh đạo tập trung và sự quản lý thống nhất của trung ương, mặt khác mở rộng quyền làm chủ của địa phương để khai thác và tận dụng khả năng tiềm tàng về mọi mặt của địa phương, đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng kinh tế địa phương, tăng cường tiềm lực kinh tế để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đồng thời đáp ứng yêu cầu lâu dài của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta.

I. VỊ TRÍ KINH TẾ CỦA CÁC CẤP TỈNH, THÀNH PHỐ

I. Nhà nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đã xây dựng và phát triển kinh tế trong 10 năm hòa bình đã qua và trên 3 năm nay vừa xây dựng kinh tế vừa tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Thực tiễn của 13 năm qua đã giúp chúng ta nhận thức ngày càng sáng rõ việc vận dụng các nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê nin vào hoàn cảnh Việt-nam ta, quán triệt ngày càng đầy đủ hơn, vững chắc hơn đường lối công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa do Đại hội lần thứ III của Đảng đề ra; và nhận thức ngày càng đúng đắn hơn về mối quan hệ giữa công nghiệp nặng, nông nghiệp và công nghiệp nhẹ của một nước nông nghiệp tiến lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

Nông nghiệp và công nghiệp của ta đang phát triển theo đường lối và phương hướng của đảng và được bố trí theo 2 khu vực:

Khu vực sản xuất quốc doanh do trung ương trực tiếp quản lý, có quy mô tương đối lớn và kỹ thuật tương đối hiện đại; nó bao gồm những ngành công nghiệp nặng (là bộ phận chủ yếu), những ngành quan trọng của công nghiệp nhẹ và một bộ phận nông nghiệp quốc doanh. Những xí nghiệp này được xây dựng dựa vào sự tích lũy của nội bộ nền kinh tế quốc dân và một phần quan trọng dựa vào sự viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Khu vực sản xuất do địa phương trực tiếp quản lý, gồm có:

- Nông nghiệp và thủ công nghiệp, tiểu công nghiệp tập thể, lấy hợp tác xã làm đơn vị cơ sở, từ quy mô nhỏ và kỹ thuật thô sơ tiến dần lên, dựa vào sự tích lũy nội bộ của từng hợp tác xã và một phần vào sự giúp đỡ to lớn của Nhà nước;

- Công nghiệp quốc doanh do địa phương trực tiếp quản lý, có quy mô vừa và nhỏ, kỹ thuật cơ giới và nửa cơ giới, bao gồm nhiều ngành công nghiệp nhẹ (nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm, hải sản), những ngành công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất và một bộ phận nông nghiệp quốc doanh do địa phương trực tiếp quản lý. Những xí nghiệp này được xây dựng dựa chủ yếu vào sự nghiệp tích lũy của bản thân nông nghiệp và công nghiệp do địa phương trực tiếp quản lý và sự giúp đỡ về thiết bị, kỹ thuật và một phần về tài chính của trung ương.

Nói chung, các ngành kinh tế quốc dân khác như giao thông vận tải, lưu thông phân phối… đã được bố trí khớp với hai khu vực sản xuất công nghiệp và nông nghiệp trên đây; do đó đã hình thành hai khu vực kinh tế: khu vực kinh tế do trung ương trực tiếp quản lý (gọi tắt là kinh tế trung ương) và khu vực kinh tế do cấp tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý dưới sự lãnh đạo thống nhất của trung ương (gọi tắt là kinh tế địa phương). Đó là cơ cấu kinh tế thích hợp nhất trong cả giai đoạn lịch sử hiện nay.

Trong cơ cấu kinh tế này, kinh tế trung ương chi phối toàn bộ nền kinh tế quốc dân, và giúp cho kinh tế địa phương phát triển. Kinh tế địa phương phát triển bằng cách tận dụng các tài nguyên, sức lao động và vốn của địa phương là một đơn vụ kinh tế có nông nghiệp và công nghiệp gắn bó mật thiết với nhau, có giao thông vận tải, và các ngành lưu thông, phân phối của địa phương; nó là một bộ phận hợp thành của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, nhận sự giúp đỡ và chịu sự chi phối của kinh tế trung ương, có nhiệm vụ đáp ứng đến mức cao nhất những nhu cầu về sản xuất, chiến đấu và đời sống của nhân dân trong địa phương, và có nghĩa vụ đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển nhanh và mạnh của nền kinh tế quốc dân vào sự phồn vinh chung, vào nhu cầu chung của cả nước.

Phát triển kinh tế theo cơ cấu này là bước đi tất yếu, bước đi phù hợp với đặc điểm và quy luật phát triển của một nước tiến lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, đồng thời cũng là bước đi phù hợp với đặc điểm và quy luật của chiến tranh nhân dân; là giải quyết hợp lý nhất sự phân công lao động xã hội và mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, là gắn chặt nông nghiệp và công nghiệp địa phương, gắn chặt nông nghiệp, công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng, và chỉ có như vậy mới thúc đẩy nhanh nhất ba cuộc cách mạng; là bảo đảm sự phân phối thu nhập quốc dân một cách hợp lý nhất nhằm tái sản xuất mở rộng mạnh mẽ và từng bước cải thiện đời sống của nhân dân; là huy động được tốt nhất lực lượng của nhân dân, nhất là nông dân, góp sức xây dựng nền kinh tế quốc dân; về lâu dài gắn liền nông thôn với thành thị, đưa nông thôn tập thể hóa tiến lên, tạo điều kiện thu hẹp từng bước sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị, giữa lao động nông nghiệp và lao động công nghiệp, giữa lao động chân tay và lao động trí óc, giữa chế độ sở hữu toàn dân và chế độ sở hữu tập thể xã hội chủ nghĩa.

2. Từ hơn 3 năm nay, ở miền Bắc, chúng ta phải chống lại chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ. Ngay từ đầu, Trung ương Đảng ta đã đề ra chủ trương chuyển hướng kinh tế. Theo chủ trương ấy, một mặt chúng ta phân tán các cơ sở công nghiệp có quy mô lớn, một mặt, chúng ta đẩy mạnh việc xây dựng công nghiệp địa phương quy mô nhỏ và vừa để sản xuất các tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng đáp ứng nhu cầu của sản xuất, chiến đấu và đời sống ở mỗi địa phương.

Kinh nghiệm của việc xây dựng các ngành kinh tế của địa phương, từ trước đến nay, nhất là trong 3 năm chuyển hướng kinh tế vừa qua, đã chứng tỏ một cách sáng tỏ rằng đó là một chủ trương rất phù hợp với nước ta, đồng thời là một phương rất có hiệu quả để chống lại chiến tranh phá hoại.

3. Để đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển kinh tế do địa phương (tỉnh, thành phố) trực tiếp quản lý dưới sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của trung ương, phải xác định vị trí kinh tế của cấp tỉnh, thành phố phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay.

a) Tỉnh, thành phố là cấp lãnh đạo và quản lý toàn bộ nền kinh tế địa phương, theo đường lối của Đảng, các chính sách của Đảng và Chính phủ, các luật pháp, kế hoạch của Nhà nước.

Tỉnh, thành phố là một cấp quản lý kinh tế toàn diện: quản lý nông nghiệp, công nghiệp địa phương, giao thông vận tải địa phương, xây dựng cơ bản, lưu thông, phân phối và đời sống của nhân dân trong địa phương.

Tỉnh, thành phố là một đơn vị kế hoạch. Kế hoạch của địa phương là một bộ phận hợp thành của kế hoạch kinh tế quốc dân và do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố lập ra căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ và yêu cầu do trung ương đề ra, và căn cứ vào đặc điểm kinh tế, vào yêu cầu phát triển của địa phương, vào lực lượng của bản thân tỉnh, thành phố và vào khả năng của trung ương giúp đỡ cho địa phương; sự cân đối kế hoạch địa phương phải được bố trí thống nhất trong sự cân đối chung của kế hoạch Nhà nước.

Tỉnh, thành phố là một đơn vị ngân sách. Tài chính và ngân sách của nó là một bộ phận hợp thành của tài chính và ngân sách Nhà nước; tỉnh, thành phố có nhiệm vụ tham gia quản lý tài chính chung của Nhà nước ở địa phương, đồng thời có ngân sách riêng của mình. Nó có quyền chủ động quản lý tài chính,lập và quản lý ngân sách của mình theo đúng các chính sách, chế độ tài chính của nhà nước để phục vụ sản xuất, chiến đấu và đời sống của nhân dân trong địa phương.

Tỉnh, thành phố là một đơn vị thị trường, một đơn vị hậu cần phục vụ nhân dân và quân đội trong địa phương. Thị trường địa phương là một bộ phận hợp thành của thị trường xã hội chủ nghĩa thống nhất, gắn bó mật thiết với thị trường toàn miền Bắc. Tỉnh, thành phố có nhiệm vụ thống nhất quản lý thị trường ở địa phương, quản lý, thu mua và phân phối vật tư, hàng hóa (kể cả những thứ được trung ương cung cấp), theo đúng những nguyên tắc, chính sách và chế độ của Nhà nước nhằm đáp ứng những nhu cầu của địa phương, và bảo đảm cung cấp một phần nhu cầu của cả nước.

Trong giai đoạn hiện nay, quản lý kinh tế địa phương là phải nắm chắc cả nông nghiệp và công nghiệp, kết hợp chặt chẽ hai ngành phục vụ và thúc đẩy lẫn nhau. Trong việc quản lý kinh tế của tỉnh phải coi nông nghiệp là trọng tâm (ở những tỉnh trung du và miền núi, phải coi trọng cả nông nghiệp và lâm nghiệp), tập trung lực lượng phát triển sản xuất nông nghiệp, đồng thời phải rất coi trọng lãnh đạo và quản lý tốt công nghiệp địa phương, và coi trọng giao thông vận tải, lưu thông, phân phối, làm chủ cho tỉnh thực sự là địa bàn kết hợp công nghiệp với nông nghiệp.

Tỉnh lãnh đạo tốt kinh tế địa phương trong giai đoạn này có ý nghĩa là tỉnh phải trực tiếp xây dựng và quản lý công nghiệp địa phương, (bao gồm các xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp chuyên nghiệp) để phục vụ và thúc đẩy nông nghiệp tập thể phát triển; là phải lãnh đạo và tổ chức việc nghiên cứu những vấn đề kỹ thuật của nông nghiệp và công nghiệp địa phương, nghiên cứu việc áp dụng trong địa phương những chủ trương của trung ương về việc quản lý hợp tác xã, và đào tạo cán bộ của địa phương, là phải lãnh đạo thực hiện tốt các chính sách và vận dụng đúng đắn các biện pháp thương nghiệp, tài chính và giá cả để phục vụ và thúc đẩy nông nghiệp và công nghiệp địa phương.

Trong việc quản lý kinh tế của thành phố và khu công nghiệp trực thuộc trung ương, phải coi công nghiệp là trọng tâm; đồng thời phải rất coi trọng lãnh đạo và quản lý tốt nông nghiệp, lấy sự phát triển  nông nghiệp để phục vụ và thú đẩy công nghiệp; phải tập trung lực lượng phát triển sản xuất công nghiệp, đồng thời phải rất coi trọng phát triển sản xuất nông nghiệp ở vùng ngoại thành theo hướng chuyên canh và thâm canh mạnh mẽ để cung cấp thực phẩm cho thành phố, làm cho công nghiệp ngày càng có điều kiện thuận lợi phát triển hơn nữa.

b) Cung cấp xác định vị trí của cấp tỉnh, thành phố, cần phải bước đầu xác định vị trí của cấp huyện, cấp xã và tiến tới phân cấp quản lý kinh tế cho những cấp này.

Về cấp huyện:

Trong thực tế, huyện nằm trong một vùng kinh tế nông nghiệp (gắn với nông nghiệp, có thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp ở nông thôn và ở các thị trấn). Huyện phải có phương hướng sản xuất nông nghiệp đúng đắn dựa trên điều kiện địa lý tự nhiên và địa lý kinh tế tương đối thuần nhất. Cấp huyện là cấp trên trực tiếp của cấp cơ sở (cấp xã), có điều kiện trực tiếp dựa vào xã và nắm sát tình hình của các hợp tác xã nông nghiệp; là cấp mà từ đây các tổ chức kinh tế của Nhà nước như thương nghiệp quốc doanh, tổ chức cung cấp vật tư, ngân hàng Nhà nước, xưởng cơ khí, v.v… (hiện nay những tổ chức này không có ở xã) triển khai hoạt động của mình về nông thôn. Vì vậy, cấp huyện là cấp chỉ đạo trực tiếp nông nghiệp và thủ công nghiệp, tiểu công nghiệp trong huyện; là cấp trực tiếp chỉ đạo các tổ chức kinh tế của Nhà nước ở huyện, phân phố một cách hợp lý nhất các phương tiện, vật tư kỹ thuật, hàng hóa và tài chính của Nhà nước để chỉ đạo và phục vụ đắc lực sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp, phục vụ đời sống của nhân dân trong huyện.

Vì các lẽ trên, cấp huyện hiện nay tuy chưa phải là một cấp quản lý kinh tế toàn diện như cấp tỉnh, nhưng trên nhiều mặt nó đã thành một cấp quản lý kinh tế.

[...]