Thông tư 14-TC/TDT-1972 hướng dẫn thi hành Điều lệ Ngân sách xã ban hành theo Nghị định 64-CP-1972 do Bộ Tài Chính ban hành

Số hiệu 14-TC/TDT
Ngày ban hành 06/10/1972
Ngày có hiệu lực 21/10/1972
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đặng Việt Châu
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14-TC/TDT

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 1972

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ NGÂN SÁCH XÃ BAN HÀNH THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 64-CP NGÀY 08-4-1972 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ 

Hội đồng Chính phủ đã ban hành Điều lệ ngân sách xã (nghị định số 64-CP ngày 08-4-1972 ([1])). Căn cứ vào điều 3 của nghi định nói trên, Bộ ra thông tư này để nói rõ thêm một số điểm nhằm làm cho việc tổ chức chỉ đạo thực hiện điều lệ được thống nhất, phù hợp với hoàn cảnh các địa phương.

I. NẮM VỮNG CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ CỦA CHÍNH QUYỀN CẤP XÃ VÀ Ý NGHĨA, TÁC DỤNG CỦA NGÂN SÁCH XÃ

Trung ương Đảng và Chính phủ đã nhiều lần xác định cấp xã là cấp cơ sở của Nhà nước ở nông thôn, là một cấp rất quan trọng, ngày càng cần được củng cố thêm (nghị quyết số 29-CP tháng 01-1968 của Hội đồng Chính phủ, nghị quyết số 197-NQ/TW ngày 15-3-1970 của Bộ Chính trị).

Là cấp chính quyền cơ sở, xã phải phát huy đầy đủ chức năng là cơ quan quyền lực và đơn vị hành chính của Nhà nước ở nông thôn. Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính xã phải làm tròn nhiệm vụ là những cơ quan đại diện của Nhà nước, đồng thời là đại diện của nhân dân, phải vươn lên làm đầy đủ nhiệm vụ và sử dụng đúng đắn quyền hạn của mình - như đã quy định trong luật pháp của Nhà nước - để tổ chức việc xây dựng nông thôn mới, xã hội chủ nghĩa, phải giữ vững trật tự trị an, bảo vệ tài sản công cộng, nhất là thường xuyên chăm lo công tác quản lý kinh tế, quản lý hợp tác xã, tổ chức đời sống của nhân dân như nghị quyết 197-NQ/TW ngày 15-3-1970 của Bộ Chính trị đã đề ra.

1. Quản lý kinh tế. Do nền kinh tế của ta ở nông thôn là kinh tế tập thể nên tại cấp xã, Nhà nước không chủ trương tổ chức các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc sở hữu toàn dân. Nhiệm vụ của chính quyền cấp xã trong việc quản lý kinh tế là làm những công việc thuộc quyền hạn và chức năng của mình để tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã và nhân dân lao động đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ của kế hoạch Nhà nước giao cho và thi hành nghiêm chỉnh các nghĩa vụ đối với Nhà nước. Cụ thể là:

a) Chính quyền cấp xã phải làm tốt nhiệm vụ bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bao gồm tài sản của Nhà nước và tài sản của hợp tác xã, đặc biệt phải rất coi trọng việc quản lý ruộng đất theo đúng nghị quyết số 125-CP ngày 28-6-1971 của Hội đồng Chính phủ, bảo đảm cho ruộng đất được sử dụng hợp lý và có hiệu quả kinh tế cao, diện tích không bị bỏ hoang, không hao hụt.

b) Chính quyền cấp xã phải tăng cường quản lý lao động, cụ thể là tổ chức chu đáo việc quản lý hộ tịch, hộ khẩu, thực hiện nghị quyết số 104-CP ngày 27-6-1964 và các văn bản bổ sung nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý lao động của hợp tác xã, bảo đảm nghĩa vụ quân sự và kế hoạch phân bổ lao động trong các ngành kinh tế quốc dân, phát hiện những tên đầu giải đi "mộ" lao động ở các nơi để truy tố trước pháp luật.

c) Chính quyền cấp xã phải kiểm tra việc chấp hành điều lệ hợp tác xã, các chính sách, chế độ, quản lý trong các loại hợp tác xã: nông nghiệp, mua bán, tín dụng, thủ công nghiệp v.v… nhất là kiểm tra tài chính và phân phối, động viên và giám sát các hợp tác xã làm đầy đủ và đúng hạn mọi nghĩa vụ đối với Nhà nước.

2. Về mặt tổ chức đời sống của nhân dân, thì chính quyền cấp xã trước hết phải làm tốt công tác quản lý hành chính, giữ vững trật tự trị an, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân; làm tốt công tác quân sự địa phương, tổ chức dân quân tự vệ, phòng không sơ tán v.v…

Một nhiệm vụ rất quan trọng của chính quyền cấp xã trước mắt cũng như sau này là không ngừng phát triển các sự nghiệp văn hóa xã hội, y tế, vệ sinh, giáo dục, thông tin, bưu điện… để bảo vệ sức khỏe, nâng cao trình độ về mọi mặt của nhân dân, có kế hoạch động viên và tổ chức nhân dân xây dựng các công trình lợi ích công cộng như đường xá, cầu cống, quán chợ, bến đò, trường học, trạm xá, câu lạc bộ, thư viện v.v…

Ngân sách xã chính là phương tiện tài chính để bảo đảm cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính xã thực hiện một cách có kế hoạch những nhiệm vụ trên đây.

Từ Cách mạng tháng tám tới nay, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định nội dung và cơ cấu thu chi ngân sách xã vào các năm 1949, 1952, 1958. Rút kinh nghiệm trong việc thực hiện các văn bản này quy định về ngân sách xã, Bộ Tài chính trong năm 1964 có đề ra chủ trương xây dựng tài chính xã và đã thí điểm ở nhiều tỉnh. Tác dụng của chủ trương xây dựng tài chính xã nói chung là tốt, rất nhiều địa phương đã phát huy những khả năng tiềm tàng về kinh tế của xã, tạo ra cho các xã trong địa phương mình một nguồn thu vững chắc, không phải dựa vào nân sách tỉnh. Nhưng do mối quan hệ giữa xã và hợp tác xã trong thời kỳ này chưa được xác định rõ ràng nên ở một số nơi có sự thiếu nhất trí giữa lợi ích của xã với lợi ích của hợp tác xã. Hơn nữa, trong quan hệ giữa các xã với huyện và tỉnh cũng có những vấn đề cần được xác định cho được chặt chẽ hơn và cụ thể hơn.

Vì những lẽ trên, Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ ngân sách xã mới nhằm ba mục đích:

a) Xác định rõ nội dung ngân sách xã và những nguyên tắc quản lý ngân sách xã để Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính xã nắm vững và sử dụng một cách đúng đắn công cụ tài chính để làm tốt nhiệm vụ của mình, nâng cao ý thức trách nhiệm và trình độ quản lý các công việc của xã, biết dựa vào sức dân để thực hiện những nhiệm vụ mà chính quyền xã phải đảm nhiệm, không quan liêu làm việc lối giấy tờ, hoàn toàn ỷ lại vào Nhà nước, hoặc làm việc theo lối mệnh lệnh, thoát ly chỗ dựa là quần chúng nhân dân.

b) Xác định rõ mối quan hệ giữa xã và hợp tác xã, đảm bảo thi hành đúng Điều lệ hợp tác xã và Điều lệ ngân sách xã, chấm dứt tình trạng xã bổ bán cho hợp tác xã gánh chịu những khoản chi tiêu không dính líu gì đến tài chính của hợp tác xã, hoặc ngược lại để cho hợp tác xã chiếm dụng tài sản công cộng mà không đóng góp gì cho Nhà nước.

c) Xác định rõ mối quan hệ giữa ngân sách xã và ngân sách tỉnh, thành phố, định rõ chế độ, thu, chi, trợ cấp, khen thưởng vật chất v.v… để ngân sách tỉnh, thành phố có thể tập trung vào những mục tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, không chạy theo giải quyết mọi việc chi tiêu phân tán ở xã. Mặt khác lại khuyến khích xã tích cực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, nỗ lực tăng thu, tiết kiệm chi, đúng chính sách, chế độ, trên cơ sở ấy có phương tiện tài chính ngày càng dồi dào để mở mang các sự nghiệp phục vụ lợi ích của nhân dân.

II. QUÁN TRIỆT NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG ĐIỀU LỆ NGÂN SÁCH XÃ

Điều lệ đã cụ thể và rõ ràng nên dưới đây Bộ chỉ giải thích một số điểm mới hoặc những điểm mà nội dung có chỗ khác với cách hiểu và làm hiện nay.

1. Ngân sách xã gồm hai phần lớn: chi và thu thường xuyên, và chi và thu không thường xuyên.

Chi thường xuyên là các khoản chi hàng năm xã nào cũng phải thực hiện để đảm bảo hoạt động bình thường của cơ quan chính quyền cấp xã. Các khoản chi này được bảo đảm bằng các khoản thu thường xuyên theo chế độ và chính sách đã ban hành. Sau khi đã bố trí các khoản chi một cách chặt chẽ, tiết kiệm, nếu số thu còn thừa thì có thể chuyển sang để bổ sung cấp phát cho các khoản chi không thường xuyên.

Chi không thường xuyên là những khoản chi nhằm thực hiện các công trình kiến thiết cơ bản nằm trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã và do xã phải đảm nhiệm. Các khoản chi này chủ yếu được đảm bảo bằng các khoản thu không thường xuyên như kết dư năm trước, trợ cấp của tỉnh, động viên sức lao động của nhân dân…

Việc phân biệt hai loại chi, thu như trên nhằm làm cho nhân dân và cán bộ thấy rõ tính chất phạm vi, mức độ của từng loại để có biện pháp quản lý rành mạch, dễ hiểu, dễ so sánh năm này với năm khác, xã này với xã khác, tiện cho việc theo dõi và kiểm soát của nhân dân và của cấp trên.

2. Về chi: cần chú ý là ngân sách xã chỉ được chi vào những công việc thuộc chức trách, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã, còn việc phát triển kinh tế tập thể thì do hợp tác xã thực hiện với khả năng vốn tự có của hợp tác xã và sự giúp đỡ của Nhà nước (ngân sách địa phương hoặc ngân sách trung ương).

Đối với những công việc vừa có quan hệ đến kinh tế tập thể, vừa có quan hệ đến đời sống chung của nhân dân như mở đường trong xã hay đường từ xã thông ra ngoài, làm công trình thủy lợi có lợi ích cho nhiều hợp tác xã nằm trong xã thì Ủy ban hành chính xã đứng ra huy động sức lao động của nhân dân và sự góp phần của hợp tác xã để thực hiện. Trường hợp những công việc nói trên vượt ra ngoài phạm vi xã (có liên quan đến xã khác) thì phải báo cáo lên cấp huyện quyết định.

Trong việc quản lý chi tiêu, Ủy ban hành chính xã phải cân nhắc tính toán, vận dụng các tiêu chuẩn, định mức cho sát, nhằm đảm bảo được công việc với số chi phí ít nhất. Phải tiết kiệm từng đồng xu nhỏ của nhân dân, tránh phô trương hình thức, lãng phí sức người, sức của của nhân dân. Đặc biệt không được bày ra việc này, việc khác để ăn uống liên hoan, tiếp khách… ngoài chế độ, tiêu chuẩn đã quy định.

3. Về thu: Nguồn thu quan trọng nhất của ngân sách xã là thu thường xuyên bao gồm các khoản thu cố định, thu điều tiết và thu trợ cấp.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ