Nghị quyết 273/NQ-HĐND13 thông qua Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Điện Biên đến năm 2015

Số hiệu 273/NQ-HĐND13
Ngày ban hành 24/05/2012
Ngày có hiệu lực 18/05/2012
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Điện Biên
Người ký Nguyễn Thanh Tùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 273/NQ-HĐND13

Điện Biên, ngày 24 tháng 5 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
KHOÁ XIII - KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 23 tháng 3 năm 2012 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2015;

Xét đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 609/TTr-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2012 đề nghị thông qua Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2015; Báo cáo thẩm tra số 11/BC-HĐND ngày 16/5/2012 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Điện Biên đến năm 2015 với một số nội dung chủ yếu như sau:

I. Quan điểm phát triển sản xuất nông nghiệp

- Sản xuất nông nghiệp là ngành sản xuất chủ yếu của tỉnh, là cơ sở thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững, thực hiện mục tiêu chương trình xây dựng Nông thôn mới.

- Phát triển sản xuất nông nghiệp phải theo quy hoạch, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, gắn với chế biến, bảo quản để nâng cao năng suất, tăng thêm giá trị gia tăng của từng loại sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

- Tập trung ưu tiên vốn đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai để phát triển nông nghiệp, bổ sung tài nguyên rừng, giữ gìn nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho đồng bào các dân tộc; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái. Tăng cường sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng các loại sản phẩm, bền vững, chú trọng sản phẩm có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo tính cạnh tranh; tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chính như: Lúa gạo, cà phê, cao su, chè và một số sản phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi (trâu, bò, lợn, dê, ...); chú trọng phát triển cây ăn quả. Tăng giá trị đóng góp của sản xuất nông nghiệp vào GDP. Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành đối với phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững. Tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng nông - lâm nghiệp - thủy sản bình quân đạt 5,1%/năm.

- Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp, lâm nghiệp là 27,6% (năm 2010 là 35,27%); công nghiệp xây dựng là 33,1%; dịch vụ 39,3%.

- Diện tích gieo trồng cây lương thực: 71.070 ha. Tổng sản lượng lương thực đạt 238 ngàn tấn, bình quân đầu người đạt trên 420 kg/người/năm.

- Diện tích cây cao su năm 2015 đạt 10.000 ha, bình quân mỗi năm trồng mới 1.300 ha; sản lượng mủ khô 896 tấn.

- Diện tích cà phê: 4.000 ha (trong đó có 3.000 ha - 3.500 ha cà phê kinh doanh) mỗi năm trồng mới 400 ha; sản lượng cà phê nhân 5.400 tấn.

- Diện tích chè: 1.000 ha (trong đó có 700 - 750 ha chè kinh doanh); mỗi năm trồng mới 110 ha, sản lượng búp tươi 240 tấn.

- Tốc độ phát triển đàn gia súc bình quân 6%/năm.

- Diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm 2015 đạt 2.500 ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt 2.045 tấn.

- Đảm bảo giữ được diện tích rừng hiện có; nâng độ che phủ từ 37,4% năm 2010 lên trên 45% vào năm 2015.

III. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

1. Phát triển cây lương thực

Diện tích trồng cây lương thực 71.070 ha; trong đó lúa ruộng: 26.660 ha, ngô: 27.010 ha (giảm 2.073 ha so với năm 2010); lúa nương: 17.100 ha (giảm 5.202 ha so với năm 2010). Tổng sản lượng lương thực đạt trên 238.000 tấn.

[...]