Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị quyết 27/NQ-HĐND năm 2021 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 do thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 27/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2021
Ngày có hiệu lực 08/12/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Xét các báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố, Tòa án nhân dân Thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố; báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND Thành phố; ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố; ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND Thành phố tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của thành phố Hà Nội như sau:

1. Mục tiêu tổng quát

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Chú trọng phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống của người dân; đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng, chú trọng hạ tầng số; tăng cường quản lý và phát triển đô thị; khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo. Đảm bảo quốc phòng địa phương và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Tích cực thông tin tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.

Tiếp tục thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

2. Thông qua 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó GRDP tăng từ 7,0-7,5% (các chỉ tiêu cụ thể như Phụ lục kèm theo).

3. Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

3.1. Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ Y tế về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. Xây dựng và thực hiện nghiêm Tiêu chí thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong các ngành, lĩnh vực. Chủ động xây dựng, triển khai các Kịch bản phòng, chống tương ứng với các cấp độ của dịch COVID-19.

Ưu tiên công sức, thời gian và nguồn lực để kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Tập trung đầu tư, củng cố hệ thống y tế; trong đó, chú trọng đầu tư công và thu hút đầu tư, thực hiện xã hội hóa để triển khai ngay việc nâng cấp trạm y tế xã; Nâng cấp các bệnh viện đã có; Đầu tư các dự án bệnh viện trong quy hoạch. Hoàn thành các dự án cải tạo, nâng cấp Bệnh viện. Tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm của CDC Hà Nội và có các giải pháp phân luồng, phân tuyến trong công tác xét nghiệm nhằm đảm bảo nhanh, chính xác và kịp thời cho công tác phòng chống dịch COVID-19; đồng thời xem xét chính sách đặc thù hỗ trợ đối với các nhân viên y tế cơ sở. Tiếp tục tiêm vắc xin phòng COVID-19 để đạt miễn dịch cộng đồng, đồng thời mở rộng tiêm vắc xin cho trẻ em từ đầu năm 2022.

3.2. Đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển kinh tế

3.2.1. Duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối ngân sách. Triển khai thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách của Trung ương về tài chính, ngân sách; các gói kích cầu phục hồi phát triển kinh tế. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung thí điểm mô hình chính quyền đô thị, thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù trên địa bàn Thành phố theo nghị quyết của Quốc hội. Tăng cường kỷ luật tài chính, công tác quản lý thu, chống thất thu; Điều hành ngân sách chủ động, tích cực, an toàn, đúng quy định. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; triển khai và quản lý tốt hóa đơn điện tử, phấn đấu đến hết quý I/2022 có 100% doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (đủ điều kiện theo quy định) triển khai hóa đơn điện tử. Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách, triệt để tiết kiệm các khoản chi ngay từ khâu dự toán. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về tài sản công. Kiểm soát tốt giá cả các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất.

3.2.2. Đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế

a) Thúc đẩy sự phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại; các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối; tăng sức mua của thị trường trong nước. Thúc đẩy tổ chức các hoạt động liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố. Thực hiện bình ổn thị trường, tăng cường quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng nhái. Thúc đẩy phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, dịch vụ Mobile Money. Thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, phục hồi và khai thác các đơn hàng sản xuất phục vụ xuất khẩu. Quản lý chặt các chợ, giải tỏa dứt điểm các chợ cóc, chợ tạm; cải tạo, xây dựng chợ, trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Đẩy nhanh thủ tục đầu tư xây dựng TTTM AeonMall Bắc Từ Liêm; phấn đấu trong Quý III/2022 hoàn thành TTTM Park City Yên Nghĩa, Hà Đông.

b) Lựa chọn một số điểm du lịch phù hợp trên địa bàn Thành phố để thực hiện thí điểm du lịch an toàn với COVID-19. Nhanh chóng phục hồi, phát triển hoạt động của các sự kiện văn hóa, thể thao, hội chợ, triển lãm, vui chơi giải trí, chiếu phim,... Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu thị trường du lịch. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý điều hành, nghiệp vụ chuyên môn cho nhân lực du lịch; giữ chân lực lượng này trong điều kiện bị tác động bởi dịch COVID-19.

c) Phục hồi nhanh hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp (CCN), cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL), tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; tiếp tục đẩy mạnh sản xuất các thiết bị y tế, bảo hộ sức khỏe, hóa dược... Tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng và đầu tư sản xuất kinh doanh trong các khu, CCN; xây dựng hạ tầng 23 CCN đã có quyết định thành lập. Thu hút sự tham gia của 20-25 doanh nghiệp với 25-30 sản phẩm được công nhận SPCNCL. Tiếp tục phát triển công nghiệp nông thôn, sản phẩm làng nghề. Đảm bảo các chỉ tiêu về cung cấp điện an toàn, ổn định, tin cậy. Xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ ngành điện, số hóa cơ sở dữ liệu hệ thống điện thành phố Hà Nội.

d) Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó diện tích trồng lúa chất lượng cao từ 60% trở lên; tập trung sản xuất vùng rau chuyên canh, rau an toàn quy mô từ 20-25 ha trở lên; vùng hoa, cây cảnh khoảng 7,2 nghìn ha, trong đó tập trung mở rộng đầu tư, hình thành các vùng hoa, cây cảnh tập trung, quy mô 20-50 ha trở lên ứng dụng công nghệ cao. Phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung vào những con vật chủ lực: Đàn bò khoảng 133-135 nghìn con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 10-11 nghìn tấn, sữa tươi khoảng 32-34 nghìn tấn. Thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch tả lợn châu Phi, ổn định giá thức ăn chăn nuôi; phấn đấu tổng đàn lợn khoảng 1,5-1,6 triệu con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 220-230 nghìn tấn. Ổn định tổng đàn gia cầm khoảng 40 triệu con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 160 nghìn tấn. Thực hiện chuyển đổi các vùng đất trũng, thấp sang mô hình lúa - cá; diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 24,2 nghìn ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản khoảng 122 nghìn tấn.

Thực hiện tốt chương trình “Liên kết 4 nhà” và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Hình thành chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài Thành phố, đồng thời kiểm soát chặt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

3.2.3. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI; Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh. Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng và thực hiện quyết liệt GPMB, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm. Phát huy hiệu quả “Tổ công tác của Thành phố Hà Nội tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do COVID-19”. Triển khai hiệu quả gói tín dụng 1.000 tỷ đồng Ngân sách Thành phố bổ sung ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người lao động vay để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, khuyến công, khuyến nông, sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản; thực hiện miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ; đẩy mạnh triển khai Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025. Rà soát các dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm triển khai, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, các biên bản ghi nhớ đã ký tại các hội nghị xúc tiến đầu tư để đôn đốc, hỗ trợ và xử lý theo quy định pháp luật; kiên quyết thu hồi quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án không triển khai, chậm triển khai.

3.3. Phát triển văn hóa, xã hội; thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; đảm bảo sức khỏe cộng đồng và an sinh, phúc lợi xã hội

3.3.1. Phát triển văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, thực hiện bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội; đẩy mạnh xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; 02 quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị và nơi công cộng; giữ vững tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, nâng cao tỷ lệ tổ dân phố, thôn, làng đạt danh hiệu tổ dân phố, thôn, làng văn hóa. Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về công tác di sản; quản lý về cổ vật, thẩm định hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể công nhận cấp quốc gia. Nâng cao hiệu quả các hoạt động phát triển văn hóa đọc, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế; tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm quốc tế, có sức lan tỏa và các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa, thể thao tại khu vực trung tâm Thành phố trên cơ sở phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19. Triển khai thực hiện Nghị quyết của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa (sau khi được phê duyệt). Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa; giữ vững vị thế dẫn đầu của thể thao thành tích cao, chuẩn bị tốt lực lượng thi đấu cũng như điều kiện cơ sở vật chất sẵn sàng cho SEA Games 31 và Para Games 11.

3.3.2. Đẩy mạnh phát triển thông tin và truyền thông. Phát triển mạnh hạ tầng thông tin (trạm BTS, mạng 5G, phủ mạng internet vùng xa trung tâm...); đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là sản xuất, kinh doanh và phòng, chống dịch bệnh; khai thác tối đa dư địa phát triển ngành thông tin và truyền thông. Triển khai địa chỉ số theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; phát triển mạnh mẽ các dịch vụ tư vấn trực tuyến (hỗ trợ pháp lý, tư vấn khám chữa bệnh...); dạy học trực tuyến; thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt... Đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng; tăng cường quản lý thông tin trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông trên internet.

3.3.3. Phát triển giáo dục và đào tạo. Rà soát sắp xếp mạng lưới trường lớp, đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia, hoàn thiện quy hoạch tng thhệ thống giáo dục trên toàn Thành phố. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và công tác quản lý giáo dục. Tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng dạy, học trực tuyến trong tình hình dịch bệnh COVID-19, đảm bảo tiến độ thời gian theo khung chương trình đã được phê duyệt. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Đầu tư cơ sở vật chất và tăng nguồn lực cho phát triển giáo dục. Tích cực triển khai có hiệu quả các điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đảm bảo yêu cầu chương trình, sách giáo khoa mới và hội nhập quốc tế về lĩnh vực giáo dục đào tạo. Tiếp tục duy trì kết quả phổ cập tiểu học, Trung học cơ sở đúng độ tuổi mức độ 3. Tăng cường dạy ngoại ngữ và tin học, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và đổi mới dạy học.

[...]