Nghị quyết 25/2011/NQ-HĐND quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025
Số hiệu | 25/2011/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 09/12/2011 |
Ngày có hiệu lực | 19/12/2011 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Nam |
Người ký | Nguyễn Văn Sỹ |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2011/NQ-HĐND |
Quảng Nam, ngày 09 tháng 12 năm 2011 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 03
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Thể dục, Thể thao ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Xét Tờ trình số 4272/TTr-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị thông qua Đề án quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2025 tại Tờ trình số 4272/TTr-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh với các nội dung sau:
1. Mục tiêu quy hoạch
Xây dựng và phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao trở thành nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển con người, góp phần nâng cao sức khỏe, thể trạng, tầm vóc và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh của con người Quảng Nam, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa; tăng cường giao lưu và hợp tác quốc tế về các hoạt động thể dục thể thao; đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa và nguồn lực đầu tư khác; tạo động lực thúc đẩy thành tích ngành Thể dục, thể thao của tỉnh phát triển nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố mạnh của cả nước về hoạt động thể dục, thể thao.
2. Các chỉ tiêu phát triển
2.1. Chỉ tiêu chung:
Tạo sự chuyển biến mạnh cho các hoạt động thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh; xây dựng mạng lưới cán bộ, hướng dẫn viên làm nòng cốt phong trào; đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất trong nhà trường.
Hoàn thiện hệ thống đào tạo tài năng thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Nam và các cơ chế, chính sách phát triển, đạt vị trí từ 32-30 tại Đại hội Thể dục - thể thao toàn quốc năm 2014 và trong nhóm 30-28 tại Đại hội Thể dục - thể thao toàn quốc năm 2018.
Huy động toàn xã hội tham gia hoạt động và phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao; từng bước chuyển giao công tác tổ chức tập luyện và thi đấu thể thao cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, phát triển dịch vụ thể thao gắn với du lịch, giải trí.
2.2. Chỉ tiêu cụ thể:
2.2.1. Phong trào thể dục, thể thao cho mọi người:
Động viên, khuyến khích phong trào rèn luyện thân thể, tập luyện thể dục, thể thao trong nhân dân. Phấn đấu đến năm 2015 đạt 27% số người tập luyện thường xuyên/dân số; đến năm 2020 đạt tỷ lệ tương ứng là 32%.
Xây dựng và phát triển hệ thống thi đấu thể dục, thể thao quần chúng cả về số lượng và chất lượng; tăng trưởng 15% vận động viên/năm ở các giải đấu cấp tỉnh.
2.2.2. Giáo dục thể chất trong trường học:
Đến năm 2015, 100% trường học thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khóa và đảm bảo 80% số trường có tổ chức tập luyện thể dục, thể thao ngoại khóa thường xuyên. Chỉ tiêu giáo viên thể dục/học sinh-sinh viên đạt chuẩn theo quy định.
2.2.3. Thể thao thành tích cao:
Đến năm 2015, tập trung hoàn thiện hệ thống đào tạo tài năng thể thao từ cấp huyện đến cấp tỉnh, đảm bảo phát triển đều ở 04 tuyến (học sinh/sinh viên năng khiếu, tuyến năng khiếu, tuyến trẻ, tuyến đội tuyển); đảm bảo chỉ tiêu vận động viên/huấn luyện viên trong năm 2012 là 265/24 và đạt 300/35 vào năm 2015. Đến năm 2020, tập trung phát triển hệ thống đào tạo tài năng thể thao theo hướng chuyên nghiệp hóa; đảm bảo chỉ tiêu vận động viên/huấn luyện viên là 525/58.
Đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao, xác định các môn thể thao mũi nhọn của tỉnh để đầu tư tập trung. Đến năm 2015, phát triển và duy trì thường xuyên từ 17-20 môn thể thao; sau năm 2015 hình thành các nhóm môn thể thao có trọng điểm. Định hướng các môn thể thao chuyên nghiệp: Bóng đá, Quần vợt, Billiard, Bóng chuyền, Võ thuật, Bơi lội, Đấu vật.
Nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện và các điều kiện kèm theo để đầu tư phát triển thể thao thành tích cao. Đến năm 2020, xây dựng vận động viên theo hướng chuyên nghiệp, hệ thống huấn luyện chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ và hệ thống các điều kiện đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế.
2.2.4. Hệ thống tổ chức quản lý và đào tạo cán bộ thể dục, thể thao:
Đến năm 2020, hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước ngành văn hóa, thể thao và du lịch từ tỉnh đến cơ sở. Thành lập Liên đoàn các môn thể thao theo xu hướng xã hội hóa; chuẩn hóa đội ngũ cán bộ thể dục, thể thao các cấp theo chuyên ngành.
2.2.5. Phát triển mạng lưới cơ sở vật chất thể dục, thể thao:
Đảm bảo các huyện, xã đều có quy hoạch quỹ đất đủ chuẩn theo quy định dành cho thể thao, bố trí quỹ đất cho các hoạt động và công trình thể dục, thể thao ở các khu chung cư, khu, cụm công nghiệp. Từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật thể dục, thể thao trong trường học và các lực lượng vũ trang, ưu tiên xây dựng các nhà tập và bể bơi.