Nghị quyết 248/2011/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2011-2015 do tỉnh Điện Biên ban hành

Số hiệu 248/2011/NQ-HĐND
Ngày ban hành 25/07/2011
Ngày có hiệu lực 30/07/2011
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Điện Biên
Người ký Nguyễn Thanh Tùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 248/2011/NQ-HĐND

Điện Biên, ngày 25 tháng 7 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM, GIAI ĐOẠN 2011-2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Chỉ thị số: 751/CT-TTg, ngày 03/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015;

Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020 và các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm trên địa bàn;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII;

Sau khi xem xét Kế hoạch số: 979/KH-UBND, ngày 05/7/2011 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 tỉnh Điện Biên; Báo cáo thẩm tra số: 33 ngày 17/7/2011 của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí các nội dung đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2006-2010 và mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015 của UBND tỉnh trình tại kỳ họp. HĐND tỉnh nhấn mạnh một số nội dung cơ bản sau:

I. Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (giai đoạn 2006 -2010).

Thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2006 - 2010 và mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, trong nước có nhiều biến động phức tạp, trong điều kiện của một tỉnh miền núi biên giới, kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí còn hạn chế. Song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của các Bộ, Ngành Trung ương, đặc biệt sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nên 5 năm qua các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, quốc phòng an ninh được đảm bảo, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn. Kết quả đạt được trên từng lĩnh vực cụ thể như sau:

1. Về kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm là 11,62%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2001-2005 (9,3%), đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm đã đề ra (mục tiêu 11-12%). Trong đó: ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân là 5,4%; ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân là 16,51%; dịch vụ tăng bình quân 13,9%.

- Quy mô GDP theo giá thực tế năm 2010 đạt 5.625 tỷ đồng, gấp 2,37 lần năm 2005, Thu nhập bình quân đầu người (giá thực tế) tăng từ 4,46 triệu đồng năm 2005 lên 11,15 triệu đồng năm 2010, mức tăng bình quân đạt 20,1% năm.

- Cơ cấu kinh tế ngành được chuyển dịch theo hướng xác định; các vùng kinh tế theo quy hoạch được hình thành và có bước phát triển đúng định hướng.

- Tổng sản lượng lương thực tăng từ 176,7 ngàn tấn năm 2005 lên 222,49 ngàn tấn năm 2010 (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra), trong đó riêng thóc đạt 155,11 ngàn tấn, chiếm 69,7% tổng sản lượng lương thực; lương thực bình quân đầu người năm 2010 đạt 441kg/người, tăng 38,46 kg/người so với năm 2005, đạt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm đề ra. Một số cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê phát triển nhanh (cao su 3.483 ha, cà phê 2.480 ha) mở ra hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

- Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2006-2010 trung bình hàng năm tăng 27,7%, năm 2010 đạt 440,5 tỷ đồng gấp 3,4 lần so với năm 2005, chỉ tính riêng khoản thu nội địa, đến năm 2010 đạt 273,5 tỷ đồng, (vượt mục tiêu kế hoạch). Số thu tại địa bàn đáp ứng được trên 10% nhu cầu chi tại địa phương, tỷ lệ huy động trong GDP đạt 4,8% (tính riêng thu nội địa).

- Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 13,3 triệu USD, tăng cao so với năm 2005, đạt 44,3% mục tiêu Nghị quyết.

- Cơ bản hoàn thành chương trình di dân tái định cư thủy điện Sơn La.

2. Về xã hội:

Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, dân số, việc làm và giảm nghèo, y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân và các hoạt động văn hóa xã hội khác đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững, nâng cao từng bước đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đến năm 2010, nhiều chỉ tiêu quan trọng đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2006-2010 là tạo việc làm mới, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ I, xây dựng gia đình thôn bản văn hóa...

3. Kết cấu hạ tầng

Kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư tăng cường, hầu hết các tuyến quốc lộ đã được nâng cấp, tuyến tỉnh lộ đều được kiên cố hóa, 112/112 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó có 82 xã có đường ô tô đi lại được quanh năm; tổng năng lực tưới của các công trình thủy lợi là 29.353 ha; 9/9 huyện thị, 102/112 xã phường có điện đến trung tâm xã đạt tỷ lệ 91,07 %, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện là 75,5%; số dân nông thôn được cấp nước sạch hợp vệ sinh đạt 71%, dân đô thị được cấp nước sạch đạt 85%; cơ sở vật chất các trường chuyên nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu dậy và học, tỷ lệ phòng học kiên cố hệ mầm non và phổ thông đạt 66,49%; hệ thống hạ tầng về y tế các cấp được tăng cường một bước, 100% xã có trạm y tế xã, bình quân có 26,8 giường bệnh quốc lập/1 vạn dân; hạ tầng văn hóa, thông tin và thể dục thể thao đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.

Tuy đạt được những kết quả quan trọng nêu trên, nhưng 5 năm qua vẫn còn những tồn tại, yếu kém đó là:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa thực sự vững chắc, chất lượng của tăng trưởng kinh tế còn thấp, thiếu bền vững. Sự tăng trưởng phụ thuộc lớn vào nguồn NSNN, việc khai thác các tiềm năng lợi thế của địa phương đóng góp cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu chưa nhiều.

- Sản xuất nông lâm nghiệp tuy đã đạt được những kết quả khích lệ nhưng quy mô vẫn còn nhỏ bé, tiềm năng về rừng và đất rừng chưa được khai thác hiệu quả, tỷ lệ che phủ của rừng đạt thấp (37,4%).

[...]