Nghị quyết 24/2012/NQ-HĐND về quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 - 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm đầu (2011 - 2015) do Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa IX, kỳ họp thứ 4 ban hành

Số hiệu 24/2012/NQ-HĐND
Ngày ban hành 02/07/2012
Ngày có hiệu lực 08/07/2012
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Mạnh Hùng
Lĩnh vực Bất động sản

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 24/2012/NQ-HĐND

Bình Thuận, ngày 02 tháng 7 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT THỜI KỲ 2011 - 2020, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT 5 NĂM ĐẦU (2011 - 2015) CỦA TỈNH BÌNH THUẬN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;

Căn cứ Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

Căn cứ Công văn số 23/CP-KTN ngày 23/02/2012 của Chính phủ về việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia;

Căn cứ Thông báo số 96/TB-BTNMT ngày 06/6/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo kết quả thẩm định quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) của tỉnh Bình Thuận;

Sau khi xem xét Tờ trình số 2198/TTr-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc đề nghị thông qua Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 - 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm đầu (2011 - 2015) của tỉnh Bình Thuận; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh về quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 - 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm đầu (2011 - 2015) của tỉnh với các nội dung chủ yếu sau:

1. Về mục tiêu:

a) Quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên đất đai theo quy hoạch, kế hoạch và theo pháp luật; đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, phát triển bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu;

b) Phát huy tối đa tiềm năng đất đai đáp ứng yêu cầu các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

2. Về các chỉ tiêu:

a) Chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2015 và đến năm 2020 (Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này);

b) Chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất 5 năm đầu (2011-2015) (Phụ lục II kèm theo Nghị quyết này).

3. Các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chủ yếu:

a) Trên cơ sở phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm đầu (2011 - 2015) tỉnh Bình Thuận được Chính phủ xét duyệt, tổ chức công khai đến các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố và nhân dân biết, thực hiện và giám sát thực hiện theo đúng quy hoạch, kế hoạch và quy định của pháp luật về đất đai;

b) Phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cho các huyện, thị xã, thành phố để địa phương lập, thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 05 năm đầu (2011 - 2015) nhằm đảm bảo sự thống nhất chặt chẽ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất toàn tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thị xã, thành phố;

c) Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống thủy lợi, giao thông với thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt để nâng cao hiệu quả, tính khả thi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thực hiện việc quản lý đất đai, chấp thuận vị trí đầu tư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đúng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt. Xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần được bảo vệ nghiêm ngặt;

d) Ưu tiên quỹ đất cho các nhu cầu bức xúc, thiết yếu để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với phát triển đô thị, khu dân cư tập trung, khu tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất; xây dựng nông thôn mới, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để sử dụng đất bền vững, tiết kiệm và hiệu quả;

đ) Xây dựng cơ chế tạo quỹ đất sạch theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện các chính sách ưu đãi tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, các ngành dịch vụ, du lịch; thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định đối với các trường hợp thu hồi đất. Xây dựng kế hoạch cụ thể, giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn, tạo việc làm cho lao động nông nghiệp khi bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên quỹ đất để bố trí đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số không có đất, thiếu đất sản xuất. Thực hiện chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất;

e) Tăng cường thực hiện việc đấu giá đất để giao đất, cho thuê đất hoặc khai thác khoáng sản nhằm tăng thu ngân sách từ đất. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất, khuyến khích đầu tư phát triển vào những lĩnh vực thế mạnh của tỉnh theo nguyên tắc tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ tài nguyên đất và môi trường sinh thái;

g) Tăng cường đầu tư cho công tác điều tra cơ bản về đất đai. Xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện hệ thống thông tin về đất đai. Đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ cao trong quản lý đất đai. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, lập, thẩm định, quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

h) Làm tốt công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý và sử dụng đất đai;

i) Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong quản lý Nhà nước về đất đai. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật đảm bảo cho việc sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tiếp tục rà soát việc quản lý, sử dụng đất của tất cả các cơ quan, đơn vị, đất của các dự án được Nhà nước giao hoặc cho thuê. Kiên quyết thu hồi đất đối với những dự án đã được giao, cho thuê đất nhưng không thực hiện đầu tư đúng thời gian quy định, sử dụng đất không hiệu quả, trái mục đích sử dụng đất, gây lãng phí đất đai, tránh tình trạng lấn chiếm, sang nhượng đất trái phép.

[...]