Nghị quyết 207/2018/NQ-HĐND về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 207/2018/NQ-HĐND
Ngày ban hành 06/12/2018
Ngày có hiệu lực 16/12/2018
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Phan Văn Thắng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 207/2018/NQ-HĐND

Đồng Tháp, ngày 06 tháng 12 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ TÁM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Xét Tờ trình số 99/TTr-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh dự thảo Nghị quyết về việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 389/BC-HĐND ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân Tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030

Xây dựng kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp đứng vào hàng khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; có kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn theo hướng hiện đại, thông minh. Phát triển kinh tế nông - công - thương trên cơ sở tận dụng cơ hội từ quá trình hội nhập và sự phát triển kinh tế tri thức; xây dựng nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đưa kinh tế tỉnh tham gia cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển du lịch trở thành một trong những động lực trong phát triển kinh tế; đồng thời, gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân. Bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, có khả năng ứng phó và giảm thiểu ảnh hưởng do tác động của biến đổi khí hậu.

2. Chỉ tiêu chủ yếu (kèm theo Phụ lục I)

a) Về kinh tế: Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 6,9% - 7,1%/năm; giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 7,0% - 7,2%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 đạt từ 7,0% - 7,3%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2020: Khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm 32,2% - 33,7%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 23,8% - 24,3%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 42,5% - 43,5% ; đến năm 2025, lần lượt theo thứ tự là 27,6% - 29,1%, 26,4% - 26,8% và 44,6% - 45,6%; đến năm 2030, lần lượt theo thứ tự là 23,1% - 24,6%, 29,4% - 29,5% và 46,0% - 47,4%.

Thu nhập bình quân trên người (theo giá thực tế) đến năm 2020 từ 50,8 - 52,5 triệu đồng/người/năm; đến năm 2025 từ 82,6 - 85,8 triệu đồng/người/năm; đến năm 2030 từ 132,8 - 139,3 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2020 đạt từ 6.796 - 7.021 tỷ đồng; đến năm 2025 đạt từ 10.645 - 10.749 tỷ đồng; đến năm 2030 đạt từ 17.503 - 17.713 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đến năm 2020 đạt 1.270 triệu USD; đến năm 2025 đạt 1.660 triệu USD và đến năm 2030 đạt 2.118 triệu USD.

b) Về xã hội - môi trường: Quy mô dân số đến năm 2020 khoảng 1,71 triệu người; đến năm 2025 khoảng 1,76 triệu người và đến năm 2030 khoảng 1,80 triệu người. Đến năm 2020, có 09 bác sĩ và 26 giường bệnh/1 vạn dân; đến năm 2025 có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh/1 vạn dân; đến năm 2030 có 11 bác sĩ và 32 giường bệnh/1 vạn dân. Tỷ lệ lao động được đào tạo: đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% (trong đó: (1) tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 49,3%) ; đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78,6% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 57,2%) ; đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87,4% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 63,8%) ; (2) tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động nông thôn lần lượt đến năm 2020, 2025, 2030 là 46,7%, 43,8%, 41,8% . Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2020 - 2025 - 2030 lần lượt đạt 90,0% - 95,0% - trên 95,0%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 23% vào năm 2020; còn dưới 20% vào năm 2025 và còn dưới 15% vào năm 2030.

Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi được huy động đến trường so với dân số đến năm 2020: Mẫu giáo đạt 85% (3 - 5 tuổi), Tiểu học đạt 99,9%; Trung học cơ sở đạt 95% và Trung học phổ thông đạt 65%. Đến năm 2025: Mẫu giáo đạt 90% (3 - 5 tuổi), Tiểu học đạt 99,9%; Trung học cơ sở đạt 97% và Trung học phổ thông đạt 68%. Đến năm 2030: Mẫu giáo đạt 92% (3-5 tuổi), Tiểu học đạt 99,9%; Trung học cơ sở đạt 98% và Trung học phổ thông đạt 70%.

Đến năm 2020 - 2025 - 2030, tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch lần lượt đạt 100% - 100% - 100%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% - 100% - 100%. Đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn dưới 2,8%, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động khu vực nông thôn 92%, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới bình quân 1,5%/năm, hàng năm tạo việc làm cho trên 30.000 lao động; đến năm 2030, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn dưới 2,6%, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động khu vực nông thôn lên 95%, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm, tạo việc làm hàng năm cho trên 20.000 lao động. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ người tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở đạt 70% và tỷ lệ gia đình tập thể dục thể thao thường xuyên là 40%; đến năm 2030, các tỷ lệ này lần lượt đạt 75% và 45%.

Đến năm 2020 - 2025 - 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý lần lượt đạt 80% - 95% - 100%; tỷ lệ chất thải rắn các khu - cụm công nghiệp, y tế nguy hại được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường lần lượt đạt trên 95% - 100% - 100%.

3. Định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực chủ yếu

3.1. Phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững; đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng thâm canh, chuyên canh, ứng dụng công nghệ sinh học, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng thu nhập gấp đôi trên đơn vị diện tích canh tác.

Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, hình thành và phát triển bền vững các vùng sản xuất nông thủy sản quy mô tập trung sản xuất theo chuỗi giá trị của từng loại sản phẩm, từng bước tiến hành tiêu chuẩn hóa hệ thống nuôi trồng gắn với truy suất nguồn gốc, từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các sản phẩm chủ lực có tính chiến lược và tính đặc thù: lúa, cá da trơn, hoa kiểng, rau đậu, xoài cát và quýt hồng, thịt heo, thịt bò, vịt.

Đến năm 2030 giảm diện tích lúa còn khoảng 200.000 ha gắn với hình thành các cánh đồng lớn kết hợp xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng gạo và sản phẩm chế biến sau gạo trên cơ sở ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, gia tăng tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao. Phát triển kinh tế vườn với quy mô 39.000 ha, tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh về thương hiệu và hiệu quả sản xuất, từng bước tiếp cận và đạt các tiêu chuẩn xác nhận một số loại sản phẩm, hướng đến hình thành trung tâm bảo quản, chế biến nông sản, logistic cấp Vùng.

Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm về số lượng và chất lượng theo quy mô trang trại gắn với các nhà máy chế biến thực phẩm thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Phát triển 10.000 ha thủy sản theo hướng hiện đại, sạch, thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, xử lý nước tuần hoàn, tập trung, quy mô lớn… chú trọng ngành hàng cá tra còn nhiều tiềm năng. Khuyến khích tận dụng lợi thế mùa nước nổi để nuôi trồng thủy sản, nhất là các mô hình 1 lúa - 1 thủy sản và nuôi thủy sản trong chân ruộng.

Thực hiện có hiệu quả chương trình khởi nghiệp và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên cơ sở tổ chức lại sản xuất làng nghề kết hợp với canh tác công nghệ - kỹ thuật cao, ứng dụng công nghệ mới, kết hợp với du lịch trải nghiệm và phát triển thương mại điện tử,… nhằm nâng cao mức sống người dân nông thôn, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Nhân rộng mô hình Hội quán hướng đến xây dựng tinh thần tự chủ, tự quản, tham gia quản trị địa phương, nhằm nâng cao vai trò là trung tâm gắn kết cộng đồng trong việc chia sẻ các mô hình sản xuất mới, ứng dụng khoa học công nghệ,... làm cơ sở cho việc hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã theo hướng đa dịch vụ, liên hợp tác xã; hỗ trợ phát triển kinh tế cộng đồng. Kết hợp xây dựng xã nông thôn mới gắn với “Làng thông minh”, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, tạo nên những miền quê nổi bật, đáng sống. Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa như: Trung tâm Văn hóa học tập cộng đồng, làng nghề, các cơ sở tín ngưỡng phù hợp với các giá trị nhân văn...

Phấn đấu đến năm 2020 có 51% xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đều đạt trên 13 tiêu chí, có 02 huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2025 có khoảng 90% số xã đạt chuẩn, 5 đơn vị cấp huyện cơ bản đạt chuẩn; đến năm 2030 có trên 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nâng cao, 80% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

3.2. Phát triển công nghiệp - xây dựng

[...]