Nghị quyết 20/2009/NQ-HĐND7 điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành giáo dục - đào tạo tỉnh Bình Dương đến năm 2020

Số hiệu 20/2009/NQ-HĐND7
Ngày ban hành 24/07/2009
Ngày có hiệu lực 03/08/2009
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Vũ Minh Sang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/2009/NQ-HĐND7

Thủ Dầu Một, ngày 24 tháng 7 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO TỈNH BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Quyết định số 81/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 1740/TTr-UBND ngày 26 tháng 6 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc đề nghị phê chuẩn điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành giáo dục - đào tạo tỉnh Bình Dương đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra số 33/BC-HĐND-VHXH ngày 06 tháng 7 năm 2009 của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê chuẩn điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành giáo dục - đào tạo tỉnh Bình Dương đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm phát triển giáo dục - đào tạo

- Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững;

- Giáo dục con người phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe và thẩm mỹ, phát triển được năng lực của cá nhân, đào tạo những người lao động có kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, trung thành với lý tuởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, có ý thức công dân, góp phần phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Bình Dương;

- Phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học - công nghệ, củng cố quốc phòng, an ninh của địa phương, đảm bảo sự hợp lý về cơ cấu trình độ, ngành nghề; mở rộng quy mô trên cơ sở đảm bảo chất lượng và hiệu quả; kết hợp giữa đào tạo và sử dụng. Thực hiện nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội;

- Giáo dục là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học thường xuyên, học suốt đời nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đẩy mạnh xã hội hóa; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục - đào tạo.

2. Mục tiêu tổng quát

- Nâng chất lượng giáo dục - đào tạo lên mức khá và nằm trong nhóm đầu các tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Mở rộng liên kết đào tạo quốc tế; cùng với thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai tạo thành Trung tâm giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn của khu vực Đông Nam Bộ và của Việt Nam vào năm 2020.

- Chất lượng và hiệu quả giáo dục được nâng cao, tiếp cận với chất lượng giáo dục của khu vực ASEAN và quốc tế:

+ Giáo dục mầm non: chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp 1 với trên 90% số trẻ đạt chuẩn phát triển, tỷ lệ suy dinh dưỡng trong các trường mầm non dưới 10%;

+ Giáo dục tiểu học: có 90% học sinh đọc hiểu và nắm vững kiến thức môn toán, học sinh được học ngoại ngữ từ lớp 3 và học 2 buổi/ngày;

+ Giáo dục trung học: đảm bảo học sinh được trang bị các kiến thức phổ thông và những kiến thức cơ bản về công nghệ, về nghề phổ thông. Mức trang bị kiến thức đạt trình độ khá so với học sinh trong khu vực;

+ Giáo dục thường xuyên: góp phần duy trì phổ cập giáo dục và tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, đảm bảo đầy đủ các điều kiện cho người lao động có môi trường học tập theo các chương trình giáo dục, nhằm đáp ứng yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động và nhu cầu nâng cao trình độ của người dân;

+ Giáo dục nghề nghiệp: đảm bảo học sinh khi qua hệ thống này có trình độ nghề, kỹ năng vi tính và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động;

+ Đào tạo đại học: sinh viên khi tốt nghiệp có khả năng thích ứng với thị trường lao động và đáp ứng tốt nhu cầu xã hội.

- Phấn đấu tạo một xã hội học tập với khoảng 25% dân số theo học các loại hình đào tạo; giữ vững chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học vào năm 2012. Đến năm 2015 tất cả các trường mầm non và trường phổ thông đều đạt chuẩn quốc gia; đến năm 2020 đạt 450 sinh viên/10.000 dân, chủ yếu là phát triển đại học ngoài công lập.

- Tăng quy mô đào tạo nghề theo 3 cấp độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế và thị trường lao động của tỉnh, góp phần giải quyết vấn đề nguồn nhân lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2010 là 60%, năm 2015 là 70% và năm 2020 là 80%.

- Phấn đấu nâng mức chi cho giáo dục - đào tạo từ năm 2010 ít nhất là 25% trong tổng chi ngân sách toàn tỉnh hàng năm.

[...]