Nghị quyết 20/2007/NQ-HĐND về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008 do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 20/2007/NQ-HĐND
Ngày ban hành 07/12/2007
Ngày có hiệu lực 17/12/2007
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Võ Thanh Khiết
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/2007/NQ-HĐND

Long Xuyên, ngày 07 tháng 12 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2008

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KHÓA VII KỲ HỌP THỨ 10

(Từ ngày 05 đến ngày 07/12/2007)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Sau khi xem xét báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2007 và kế hoạch năm 2008; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2007, kế hoạch năm 2008 và nhất trí khẳng định:

1. Năm 2007, tình hình kinh tế - xã hội tương đối thuận lợi so với năm trước như: năng suất các sản phẩm trong nông nghiệp và giá trị sản xuất công nghiệp đều tăng cao hơn kế hoạch; đến cuối năm 2007 có 97% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; cơ sở hạ tầng phúc lợi xã hội được đầu tư khá tốt; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; dịch cúm A (H5N1), sốt xuất huyết, thủy đậu đã được hạn chế. Riêng lĩnh vực dịch vụ bị tác động nhiều bởi biến động của giá cả thế giới và các mặt hàng thiết yếu trong nước như: xăng dầu, thép, xi măng, dược phẩm, nên có mức tăng trưởng chậm hơn so với kế hoạch. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân, vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; sự tích cực của các tổ chức thành viên, các cấp, các ngành và đặc biệt là sự nỗ lực vượt bậc của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và doanh nghiệp trong tỉnh đã đoàn kết phấn đấu, khai thác tốt các nguồn lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kinh tế - xã hội năm 2007. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức khá; văn hoá xã hội và cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh bạn thuộc Vương quốc Campuchia được giữ vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như:

chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, còn phụ thuộc nhiều khu vực nông nghiệp, khu vực công nghiệp - xây dựng phát triển chậm, chưa tạo được sự đột phá; xuất khẩu lao động đạt thấp, công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng còn chậm so kế hoạch, nhiều công trình quan trọng do Trung ương đầu tư trên địa bàn chậm triển khai thực hiện; việc nuôi thủy sản phát triển nhanh đã tạo nên cơn sốt giá đất, nhất là ở các vùng có điều kiện nuôi; tình trạng đào ao tự phát, phá vỡ quy hoạch của một số hộ nuôi trong năm đã gây khó khăn cho công tác quản lý và triển khai quy hoạch của địa phương; phần lớn hộ nuôi cá chưa có hệ thống xử lý về vệ sinh môi trường; tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm còn chậm. Văn hóa - xã hội phát triển chưa tương xứng với phát triển kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực còn yếu kém chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển và hội nhập, công tác xã hội hoá trong phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu đặt ra; công tác cải cách hành chính tuy có chuyển biến nhưng chưa đạt so với yêu cầu. Tình hình khiếu kiện mặc dù đã tập trung giải quyết nhưng vẫn còn diễn biến tương đối phức tạp, nhất là hiện tượng nhiều người kéo lên thành phố Hồ Chí Minh để khiếu nại ở các cơ quan Chính phủ, Quốc hội, gây mất an ninh - trật tự tại các khu vực này; tai nạn giao thông có giảm, nhưng tính chung cả năm vẫn còn cao hơn so với cùng kỳ và vượt chỉ tiêu giảm thiệt hại về người do tai nạn giao thông theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao năm 2007.

2. Nhiệm vụ năm 2008:

a) Các chỉ tiêu chủ yếu:

- Tốc độ tăng trưởng (GDP) đạt 14,0% - 14,5%; trong đó khu vực nông nghiệp tăng 4,97%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 22,84%; khu vực dịch vụ tăng 17,2%;

- Cơ cấu kinh tế: khu vực nông nghiệp 29,26%, khu vực công nghiệp - xây dựng 13,63%, và khu vực dịch vụ 57,11%;

- GDP bình quân đầu người đạt 13,647 triệu đồng (tương đương 853 USD);

- Kim ngạch xuất khẩu đạt 650 triệu USD;

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 15.000 tỷ đồng đến 16.000 tỷ đồng, bằng 48,9% - 52,02% GDP;

- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 1,21 %; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn: 7,0 %;

- Số học sinh đi học các trường phổ thông đạt 17,63% dân số;

- Có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi;

- Có 100% số trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu;

- Tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động đạt 25,3%;

- Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề: 16,3%; trong đó lao động nữ 40%; tạo việc làm mới cho 35,6 ngàn lao động, trong đó xuất khẩu lao động 400 người;

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 21,0 %; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch 55,61% (trong đó thành thị: 83,91 %, nông thôn 42,85 %).

b) Một số nhiệm vụ và giải pháp chính:

- Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa với chất lượng cao, ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ tiên tiến và hiện đại để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, tiến tới xây dựng mô hình thuỷ lợi phục vụ cơ giới hóa đồng ruộng.

Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi; tăng năng suất và hiệu quả so với năm 2007. Phấn đấu tăng giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh lên 48,7 triệu đồng/ha, đồng thời duy trì mức chi phí đầu vào từ bằng hoặc thấp hơn năm 2007.

[...]