HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 192/NQ-HĐND
|
Lâm Đồng, ngày 12
tháng 7 năm 2023
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ “VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT VỀ THU HỒI,
CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG CÁC LOẠI ĐẤT, RỪNG ĐỂ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ THEO
NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH GIAI ĐOẠN 2020 - 2022”
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
KHOÁ X KỲ HỌP THỨ 10
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Hoạt động giám
sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số
594/NQ-UBTVQH15 ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hướng dẫn
hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của
Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân;
Xét Tờ trình số 317/TTr-HĐND
ngày 03 tháng 7 năm 2023 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị
quyết giám sát chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thu hồi, chuyển mục đích
sử dụng các loại đất, rừng để thực hiện các dự án đầu tư theo nghị quyết của Hội
đồng nhân dân tỉnh giai đoạn 2020 - 2022”; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội
đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Đánh giá kết quả thực hiện
Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất
nội dung Báo cáo số 74/BC-ĐGS ngày 30 tháng 6 năm 2023 về kết quả giám sát
chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thu hồi, chuyển mục đích sử dụng các loại
đất, rừng để thực hiện các dự án đầu tư theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh
giai đoạn 2020 - 2022”, với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Kết quả đạt
được
Hàng năm, sau khi có nghị quyết
của Hội đồng nhân dân tỉnh về thông qua danh mục các dự án đầu tư cần thu hồi đất,
chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ sang mục đích khác; Ủy
ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện
nghị quyết, tổ chức rà soát, cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, hoàn
chỉnh hồ sơ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của năm sau gửi đến Sở Tài nguyên và
Môi trường để tổ chức thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Đối với
việc chuyển mục đích sử dụng rừng, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định
chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án đầu tư,
đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc khai thác
tận dụng lâm sản trên diện tích rừng đã được phê duyệt chuyển mục đích sử dụng
rừng để thực hiện dự án đầu tư theo quy định.
Trên cơ sở quyết định phê duyệt
kế hoạch sử dụng đất của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố đã công bố công khai kế hoạch sử dụng đất; hướng dẫn các tổ chức, hộ gia
đình, cá nhân sử dụng đất trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý thực hiện các thủ
tục theo quy định để được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất
phù hợp với kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; ban hành các văn bản chỉ đạo
các cơ quan chuyên môn, đơn vị chủ đầu tư và đơn vị làm nhiệm vụ bồi thường giải
phóng mặt bằng tổ chức đo đạc thực tế, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ;
thông báo thu hồi đất, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, ban
hành quyết định thu hồi đất để triển khai các dự án đầu tư theo quy định pháp
luật.
Tổng diện tích đất đã thu hồi để
thực hiện dự án theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh là 739,45/3.619,93
ha, đạt 20,43% diện tích đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua; còn lại
2.880,47/3.619,93 ha chưa thực hiện các thủ tục thu hồi đất, chiếm tỷ lệ
79,57%. Tổng số dự án đầu tư đã triển khai thực hiện là 212/662 dự án (63 dự án
sử dụng vốn ngoài ngân sách, 588 dự án đầu tư công và 11 dự án thu hút đầu tư),
đạt 32,02% trên tổng số dự án. Số dự án đầu tư chưa triển khai thực hiện là
450/662 dự án (46 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, 394 dự án đầu tư công và
10 dự án thu hút đầu tư), chiếm tỷ lệ 67,97%.
Tổng diện tích đất trồng lúa, đất
rừng phòng hộ đã chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác theo nghị quyết của
Hội đồng nhân dân tỉnh là 42,67/229,27 ha, chiếm tỷ lệ 18,61% diện tích đã được
thông qua; còn lại 186,61/229,27 ha chưa thực hiện, chiếm tỷ lệ 83,2%. Tổng số
dự án đầu tư đã thực hiện là 32/124 dự án (10/124 dự án sử dụng vốn ngoài ngân
sách, 22/124 dự án đầu tư công), đạt 25,8% trên tổng số dự án đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương chuyển mục đích; còn lại 92/124 dự án chưa
thực hiện (25/124 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, 67/124 dự án đầu tư công),
chiếm tỷ lệ 74,2%.
Đối với các dự án đầu tư sau 03
năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng
đất, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo rà soát, tổng hợp trình Hội đồng nhân dân
tỉnh hủy bỏ danh mục 81 dự án đầu tư cần thu hồi đất và 12 dự án đầu tư cần
chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ sang mục đích khác
theo quy định.
Đối với việc chuyển mục đích sử
dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 05 quyết định chuyển
mục đích sử dụng rừng và ban hành các văn bản hướng dẫn khai thác tận dụng lâm
sản trên diện tích rừng đã được phê duyệt. Qua giám sát cho thấy việc khai
thác, tận dụng lâm sản đã được thực hiện đúng quy định; đến thời điểm giám sát
có 05/12 dự án cơ bản hoàn thành việc khai thác, tận dụng lâm sản nhằm giải
phóng mặt bằng để thi công các hạng mục công trình với tổng diện tích thực hiện
là 36,72 ha, với 1.568 cây, trữ lượng gỗ khai thác 3.812,924 m3. Trong 03 năm
(2020 - 2022), các chủ dự án đã nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và
Phát triển rừng của tỉnh với số tiền trên 10 tỷ đồng; sau khi tiếp nhận tiền trồng
rừng thay thế, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã cấp kinh phí cho các đơn vị chủ
rừng nhà nước được Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí với tổng diện tích trồng
rừng thay thế là 215,65 ha.
2. Những hạn
chế, tồn tại
Bên cạnh những kết quả đạt được,
việc triển khai thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua danh
mục các dự án đầu tư cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng các loại đất, rừng
để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế
đó là:
- Công tác tuyên truyền pháp luật
về đất đai, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến người sử dụng đất còn
nhiều hạn chế; việc thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong
giai đoạn 2020 - 2022 trên địa bàn tỉnh đạt thấp so với diện tích cần thu hồi đất,
chuyển mục đích sử dụng đất đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. Tổng diện
tích đất đã thu hồi trong 03 năm (2020 - 2022) chỉ đạt 20,43%; tổng diện tích
chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ chỉ đạt 18,61%.
- Việc
rà soát, đề xuất hủy bỏ danh mục các dự án đầu tư cần thu hồi đất hoặc phải
chuyển mục đích sử dụng đất nhưng sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc
chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất mặc dù đã được triển khai thực hiện,
tuy nhiên việc thực hiện còn chậm, chưa đúng theo quy định tại khoản 3 Điều 49
Luật Đất đai. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chưa kịp thời rà soát, tổng
hợp các dự án đầu tư khi thu hồi thực tế có sai số so với nghị quyết của Hội đồng
nhân dân tỉnh để gửi kết quả về cơ quan chuyên môn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh theo quy định.
- Ủy
ban nhân dân tỉnh chậm phê duyệt điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất của các huyện,
thành phố theo các Nghị quyết số: 175/NQ-HĐND ngày 17 tháng 4 năm 2020,
195/NQ-HĐND ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về bổ sung danh
mục các dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng
phòng hộ.
- Nhiều
dự án đầu tư được Ủy ban nhân dân tỉnh trình các kỳ họp chuyên đề của Hội đồng
nhân dân tỉnh thông qua để có cơ sở triển khai thực hiện (các dự án cấp bách, cần
thiết phải thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự
án), tuy nhiên đến thời điểm giám sát, tỷ lệ thực hiện các dự án nêu trên là rất
thấp[1].
3. Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại
a)
Nguyên nhân khách quan
- Các
văn bản pháp lý liên quan đến đất đai có thay đổi, bổ sung, điều chỉnh nên có
phần gây lúng túng trong triển khai thực hiện các quy định về thu hồi đất, chuyển
mục đích sử dụng đất. Một số công trình, dự án tổ chức triển khai không đảm bảo
tiến độ quy định, thời gian kéo dài nên kết quả thực hiện chậm so với kế hoạch
sử dụng đất.
-
Giai đoạn 2020 - 2022 ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 nên các dự án triển khai
chậm hoặc không triển khai được.
- Các
dự án kêu gọi, thu hút đầu tư phụ thuộc rất lớn vào năng lực của các nhà đầu
tư, điều kiện và môi trường đầu tư trên địa bàn nên dẫn đến sự không chủ động
trong quá trình thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các danh
mục dự án đầu tư đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
-
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chi
phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư theo giá đất và tài
sản trên đất năm sau cao hơn năm trước nên một số dự án sau khi được phê duyệt
và triển khai thực hiện bị tăng tổng mức đầu tư, nhất là chi phí cho công tác bồi
thường, giải phóng mặt bằng, phải chờ điều chỉnh tổng mức đầu tư và bổ sung vốn
dẫn đến thời gian thực hiện việc thu hồi đất kéo dài.
- Nhiều
chủ đầu tư đăng ký nhu cầu sử dụng đất trong năm kế hoạch nhưng không cân nhắc
nguồn lực, khả năng triển khai thực hiện dự án, dẫn đến rất nhiều dự án phải
chuyển tiếp sang năm sau.
-
Chưa có chế tài xử lý đối với những địa phương, chủ đầu tư đăng ký danh mục thu
hồi đất nhiều nhưng tỷ lệ thực hiện thấp khiến công tác này thiếu tính kỷ luật,
tốn thời gian, hiệu quả thấp.
- Việc
chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của các dự án ngoài ngân sách
không tập hợp được nhân lực, vật lực để tổ chức triển khai thực hiện; một số dự
án đường giao thông thường có những điều chỉnh cục bộ vị trí, ranh giới nên phải
thực hiện việc điều chỉnh hồ sơ dẫn đến công tác thi công giải phóng mặt bằng
chậm.
- Hiện
nay quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt; hơn nữa
việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch 03 loại rừng còn có nhiều vướng mắc nên việc
tham mưu hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác còn bất cập, kéo
dài thời gian.
- Các
dự án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng
rừng nhưng việc lập thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất
trước khi tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt chuyển mục đích sử
dụng rừng mất nhiều thời gian, qua nhiều cơ quan, nhiều công đoạn dẫn đến việc
triển khai còn chậm.
b)
Nguyên nhân chủ quan
-
Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố, các chủ đầu tư còn thiếu quyết liệt, chưa kịp thời báo cáo và đề xuất
giải pháp tháo gỡ.
- Việc
rà soát, đề xuất của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về danh mục các dự án
đầu tư cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất chưa gắn với tình hình thực
tế, nguồn vốn, khả năng triển khai thực hiện dự án; chưa xác định được tiến độ
sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 63 của
Luật Đất đai năm 2013. Công tác dự báo nhu cầu sử dụng đất của các địa phương
chưa chính xác, chưa đánh giá đúng khả năng của nguồn lực đầu tư; còn tình trạng
các địa phương đề xuất đưa các dự án vào danh mục nhưng không đầu tư được do
chưa được bố trí nguồn vốn, kinh phí của địa phương còn hạn chế nên việc tổ chức
thực hiện đầu tư xây dựng các dự án còn chậm hoặc không có khả năng thực hiện.
-
Năng lực, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác quản lý đất
đai, bồi thường giải phóng mặt bằng của Sở Tài nguyên và Môi trường, cấp huyện
và cấp xã vẫn còn những hạn chế nhất định.
- Công
tác tuyên truyền, vận động, phối hợp của các cơ quan chuyên môn của huyện,
chính quyền cấp xã và chủ đầu tư chưa thường xuyên dẫn đến một số dự án đầu tư
chưa triển khai thực hiện do vướng mắc trong công tác bồi thường hỗ trợ về thu
hồi đất. Công tác phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị chủ đầu
tư còn lúng túng, bị động.
- Việc
giám sát, theo dõi khai thác tận dụng lâm sản chưa được Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn chú trọng thực hiện nên hầu hết các đơn vị chủ rừng, chủ đầu tư
không báo cáo kết quả khai thác, tận dụng lâm sản về Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh để theo dõi, tổng hợp theo quy định. Do đó Sở
không nắm được kết quả khai thác, tận dụng lâm sản, không tổng hợp được số tiền
bán lâm sản tận dụng của các đơn vị chủ rừng.
-
Trong giai đoạn 2020 - 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thực
hiện việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân
dân tỉnh về chuyển mục đích sử dụng rừng theo thẩm quyền. Công tác theo dõi, kiểm
tra việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, kiểm tra việc thực
hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các trường hợp bị thu hồi
đất chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường chú trọng thực hiện.
- Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố chưa quan tâm đến việc rà soát các dự án đã
được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử
dụng đất quá 03 năm chưa có quyết định thu hồi hoặc chưa được phép chuyển mục
đích sử dụng đất và việc thực hiện thu hồi đất để triển khai các dự án đầu tư
mà diện tích thu hồi đất thực tế có sai số so với diện tích đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh thông qua.
Điều 2. Nhiệm vụ giải pháp chủ yếu
1. Đối
với Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng
nhân dân tỉnh
a)
Tăng cường phối hợp trong công tác thẩm tra các dự thảo nghị quyết thông qua
danh mục các dự án đầu tư cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng
lúa, đất rừng phòng hộ; chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực
hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng công tác thẩm tra,
xem xét kỹ danh mục các dự án kết hợp với khảo sát, giám sát trực tiếp dự án;
kiên quyết không đưa vào danh mục trình Hội đồng nhân dân tỉnh những dự án
không đảm bảo tính khả thi, chưa đảm bảo quy trình, quy định; đảm bảo công
khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả.
b)
Tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư cần thu
hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ; chuyển mục
đích sử dụng rừng sang mục đích khác nhằm đánh giá toàn diện kết quả triển khai
thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đảm bảo tiến độ, phù hợp với
tình hình thực tế của địa phương; kịp thời kiến nghị các giải pháp khắc phục những
khó khăn, vướng mắc.
2. Đối
với Ủy ban nhân dân tỉnh
Đề
nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo khắc phục những hạn chế, tồn tại và nguyên
nhân đã nêu tại Báo cáo số 74/BC-ĐGS ngày 30 tháng 6 năm 2023 của Đoàn giám sát
Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng thời tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải
pháp sau đây:
a) Chỉ
đạo, đôn đốc, cơ quan chuyên môn tăng cường thanh tra, kiểm tra, đối với việc
triển khai thực hiện các dự án đầu tư thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử
dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ trên địa bàn theo thẩm quyền.
b) Chỉ
đạo giải quyết hoặc giải quyết theo thẩm quyền các khó khăn, kiến nghị của Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố liên quan đến công tác thu hồi đất, chuyển mục
đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, chuyển mục đích sử dụng rừng
sang mục đích khác. Đồng thời, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực
hiện nghiêm túc các báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát Hội đồng nhân
dân tỉnh.
c) Chỉ
đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố triển khai việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất
trồng lúa, đất rừng phòng hộ sang mục đích khác để thực hiện các dự án đầu tư đảm
bảo theo danh mục, diện tích đất đã được Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận. Kịp
thời tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem
xét, điều chỉnh về diện tích đất thu hồi, chuyển mục đích của các dự án đầu tư
cho phù hợp với thực tế. Định kỳ rà soát, tổng hợp các dự án sau 03 năm chưa có
quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất gửi Sở
Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng
nhân dân tỉnh hủy bỏ danh mục các dự án theo quy định.
đ) Chỉ
đạo Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Thực
hiện các biện pháp nâng cao chất lượng thẩm định kế hoạch sử dụng đất, lập danh
mục các dự án đầu tư cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất
rừng phòng hộ sang mục đích khác; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên ngành về
lâm nghiệp kiểm tra hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp nhằm đảm bảo
tính thống nhất, đồng bộ với chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định tại định
tại Điều 42 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
- Hướng
dẫn các địa phương xác định rõ nguồn kinh phí đo đạc, chỉnh lý giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất đối với các công trình, dự án do người dân hiến đất; phối hợp
với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện các thủ tục thu hồi đất đối
với các dự án chủ đầu tư tự thỏa thuận, vận động người dân hiến đất, tự nguyện
trả lại đất và thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người
dân, cập nhật biến động đất đai vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm, đặc biệt đối
với các dự án đầu tư người dân hiến đất đã thực hiện xong và đưa dự án vào hoạt
động.
e) Chỉ
đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Báo
cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ chủ đầu tư trồng rừng thay thế
cho các đơn vị chủ rừng nhà nước theo quy định. Thường xuyên theo dõi và báo
cáo kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về
chuyển mục đích sử dụng rừng. Chủ trì, phối hợp với các địa phương, các sở
ngành liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra các dự án thực hiện chuyển mục
đích sử dụng rừng, kịp thời đề xuất biện pháp xử lý đối với các dự án chậm triển
khai thực hiện.
g) Chỉ
đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị chủ đầu tư:
- Thực
hiện tốt công tác tuyên truyền để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ đối với các
dự án cần thu hồi đất để triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra.
Thực hiện đầy đủ, chính xác trong việc tính toán đơn giá, chi phí bồi thường giải
phóng mặt bằng, hạn chế sai sót.
- Chỉ
đạo hoặc có ý kiến với chủ đầu tư khắc phục những hạn chế, tồn tại do Đoàn giám
sát chỉ ra và chấp hành nghiêm các quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư công,
Luật Lâm nghiệp, các văn bản hướng dẫn thi hành và các quy định của pháp luật về
bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tránh để xảy ra tình trạng sai sót khi
tính toán đơn giá, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân dẫn đến
việc phải điều chỉnh trong quá trình giải quyết đơn khiếu nại, kiến nghị.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1.
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này, báo cáo kết quả
thực hiện tại Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
2.
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ
đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Đoàn thể chính trị - xã hội trong phạm vi nhiệm vụ,
quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.
Nghị
quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng Khóa X Kỳ họp thứ 10 thông
qua ngày 12 tháng 7 năm 2023 và có hiệu lực từ ngày thông qua./.
[1] Tổng số dự án
được thông qua danh mục tại các kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh là 142 dự án cần
thu hồi đất với diện tích 1.152,98 ha; đã thực hiện 43 dự án với diện tích
229,41 ha, chưa thực hiện là 99 dự án với diện tích 924,56 ha. Tổng số dự án
chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ được thông qua danh mục
tại các kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh là 40 dự án với diện tích 99,4 ha; đã thực
hiện 14 dự án với diện tích 21,81 ha, chưa thực hiện là 26 dự án với diện tích
72,59 ha