Nghị quyết số 176a-HĐBT về việc phát huy vai trò và năng lực của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa do Hội Đồng Bộ Trưởng ban hành

Số hiệu 176a-HĐBT
Ngày ban hành 24/12/1984
Ngày có hiệu lực 08/01/1985
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 176a-HĐBT

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 1984

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 176A-HĐBT NGÀY 24 THÁNG 12 NĂM 1984 VỀ VIỆC PHÁT HUY VAI TRÒ VÀ NĂNG LỰC CỦA PHỤ NỮ TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được sự quan tâm chăm sóc của Nhà nước, sự dìu dắt của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ và các đoàn thể quần chúng khác, các tầng lớp phụ nữ lao động đã trưởng thành nhanh chóng và góp phần to lớn vào những thắng lợi của dân tộc. Phụ nữ là lực lượng sản xuất xã hội rất quan trọng, chiếm 46% số lao động trong khu vực kinh tế Nhà nước, trên 60% số lao động trong khu vực kinh tế tập thể. Đáng chú ý, phụ nữ chiếm từ 70 đến 80% lực lượng trực tiếp lao động sản xuất và công tác ở cơ sở của các ngành nông nghiệp, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, tiểu thủ công nghiệp, thủ công nghiệp, các ngành thương nghiệp, y tế, văn hoá, giáo dục; 58% số cán bộ có trình độ trung cấp và 31% số cán bộ có trình độ đại học là phụ nữ. Vượt qua biết bao khó khăn trong sản xuất và đời sống, các tầng lớp phụ nữ lao động nêu cao tinh thần làm chủ tập thể và ý chí phấn đấu kiên cường, bền bỉ, đã tích cực tham gia vào việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, việc phát huy vai trò và năng lực của phụ nữ chưa được chú ý đúng mức, nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách, trực tiếp liên quan đến việc tạo điều kiện cho phụ nữ cống hiến khả năng to lớn cho sự phát triển trước mắt và tương lai của xã hội chưa được quan tâm đầy đủ. Tình hình kể trên có những nguyên nhân khách quan, song nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do các ngành, các cấp chưa quán triệt đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước đối với phụ nữ nên việc chỉ đạo và kiểm tra thực hiện các chủ trương, chính sách ấy chưa đem lại hiệu quả mong muốn; việc cụ thể hoá quyền bình đẳng và quyền làm chủ tập thể của phụ nữ chưa được đầy đủ.

Để phát huy tốt vai trò và năng lực của phụ nữ trong lao động sản xuất và hoạt động xã hội, trong quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước, trong việc xây dựng cuộc sống mới, nền văn hoá mới, con người mới xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào việc thực hiện những mục tiêu kinh tế, xã hội do Đảng đề ra, Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

I. PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO HÀNH ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA PHỤ NỮ NHẰM THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG VÀ CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC

Các cơ quan Nhà nước có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Hội Liên Hiệp Phụ Nữ và các đoàn thể quần chúng khác tiến hành giáo dục, vận động và tạo điều kiện cho các tầng lớp phụ nữ thực hiện những nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước đề ra. Trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, các cơ quan có thẩm quyền cần đặc biệt chú ý tạo điều kiện thuận lợi nhằm sử dụng và phát huy tới mức cao lực lượng và tài năng của lao động nữ.

Theo chức năng cuả mình, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam phối hợp với các đoàn thể quần chúng khác "động viên phụ nữ phát huy quyền làm chủ tập thể, cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc, cho chủ nghĩa xã hội" , hăng hái tham gia các phong trào hành động cách mạng nhằm thực hiện những mục tiêu kinh tế, xã hội, những yêu cầu phục vụ quốc phòng ở các địa phương, các cơ sở.

Để góp phần cùng toàn dân đẩy mạnh sản xuất, Hội vận động phụ nữ công nhân, nông dân, phụ nữ làm tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp tích cực lao động sản xuất và tiết kiệm, bảo đảm quy trình kỹ thuật, thực hiện tốt những chỉ tiêu của kế hoạch về sản xuất lương thực và thực phẩm, về hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu...; đồng thời phát triển mạnh và đúng hướng kinh tế gia đình (chăn nuôi, trồng dâu, nuôi tằm, trồng bông dệt vải, làm thủ công nghiệp...).

Trong lĩnh vực phân phối, lưu thông, Hội vận động chị em nông dân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bán nông sản, chị em công nhân và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp giao nộp đầy đủ sản phẩm cho Nhà nước, mọi chị em tuân thủ các quy chế về quản lý thị trường, giá cả. Nhằm tăng cường hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, Hội giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn về phẩm chất và về nghề nghiệp bổ sung đội ngũ nhân viên mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán. Hội góp ý kiến cải tiến phương thức phân phối và phục vụ, khắc phục những hiện tượng tiêu cực. Hội vận động chị em hăng hái gửi tiền tiết kiệm và mua công trái xây dựng Tổ quốc.

Trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, Hội giáo dục chị em động viên chồng, con thi hành nghĩa vụ quân sự, tham gia xây dựng các lực lượng vũ trang, tham gia công tác hậu cần tại chỗ, chăm sóc gia đình liệt sĩ, thương binh và bộ đội, đỡ đầu con liệt sĩ.

Về mặt xã hội, Hội vận động chị em phát huy vai trò người mẹ, ngưòi vợ, cùng với chồng, con xây dụng gia đình văn hoá mới, thực hiện kế hoạch hoá gia đình, nuôi con tốt, dạy con ngoan, tham gia xây dựng các công trình phúc lợi tập thể, đấu tranh chống mê tín dị đoan và các hủ tục, các tập quán lạc hậu.

II. PHÂN BỐ, SỬ DỤNG HỢP LÝ, ĐÀO TẠO LẠI, BỒI DƯỠNG VÀ BẢO HỘ LAO ĐỘNG NỮ

Trong việc phân bố lao động xã hội, các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cần chú ý về đặc điểm cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ. Những ngành, nghề thích hợp với nữ phải ưu tiên sử dụng lao động nữ; những địa bàn không thích hợp với nữ và những nghề quá nặng nhọc, độc hại thì không nên sử dụng lao động nữ. Bộ Lao động có trách nhiệm chủ trì việc nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng xác định những ngành, nghề ưu tiên sử dụng lao động nữ và những ngành, nghề không nên sử dụng lao động nữ; sau đó Bộ hướng dẫn tỷ lệ cụ thể về lao động nữ cho từng ngành, từng nghề, từng địa phương. Theo tinh thần trên, cần đảm bảo tỷ lệ cân đối giữa nam và nữ trong việc phân bố lao động và dân cư ở từng vùng đất nước.

Kiên quyết điều chỉnh lao động nữ khỏi những công việc đã có quy định không sử dụng lao động nữ; trong khi tạm thời chưa điều chỉnh được, các cơ quan, đơn vị hoặc hợp tác xã đang sử dụng lao động nữ trái với những quy định kể trên phải có biện pháp bảo vệ sức khoẻ cho chị em như cải thiện điều kiện làm việc, bảo hộ lao động, thực hiện chế độ bồi dưỡng, giảm bớt thời gian làm việc...

Trong công tác bảo hộ lao động, phải đặc biệt chú ý cải thiện điều kiện làm việc đối với những ngành, nghề quan trọng, nặng nhọc mà lao động nữ chiếm số đông như cao su, dệt, một số ngành hoá chất, v.v... Bộ Lao động,Bộ Nội thương, các Bộ và các điạ phương có liên quan lập kế hoạch sản xuất và phấn đấu tới mức cao nhất cung ứng dụng cụ bảo hộ lao động, với giá cả thích hợp, đủ số lượng và chất lượng cho chị em.

Trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, các ngành, các cấp, các cơ sở có sử dụng nhiều lao động nữ cần chú ý đúng mức đến các vấn đề lao động, năng suất và sản lượng, doanh thu, tiền lương và tiền thưởng... phù hợp với lao động nữ.

Tuỳ theo điều kiện cụ thể của mình, các cơ sở cần tổ chức nhiều hình thức sử dụng lao động nữ một cách thích hợp nhằm vừa đảm bảo hiệu quả của sản xuất, của công tác, vừa tạo điều kiện để người mẹ chăm sóc con và cho con bú sữa mẹ. Hạn chế việc sử dụng lao động nữ có thai và nuôi con nhỏ làm ca 3; mở rộng hình thức giao việc tại nhà, thực hiện chế độ làm việc theo thời khoá biểu linh hoạt. Kiên quyết không để phụ nữ có thai từ tháng thứ 7 hoặc có con dưới 12 tháng làm ca đêm; trong những trường hợp có yêu cầu làm ca đêm, thì cơ quan hoặc cơ sở phải bàn bạc và được sự đồng ý của chị em.

Các cơ quan Nhà nước có liên quan cần chú trọng đặc biệt và có những biện pháp thích hợp để thanh toán nạn mù chữ cho phụ nữ, giữ vững và nâng cao tỷ lệ nữ học sinh trong các trường phổ thông. Tỷ lệ tuyển nữ sinh vào các trường trung học, đại học, cao đẳng và dạy nghề phải được quy định tương xứng với tỷ lệ lao động nữ của các ngành, nghề cần lao động nữ; tổ chức dạy bổ túc văn hoá cho phụ nữ để chị em có đủ tiêu chuẩn được tuyển theo tỷ lệ quy định.

Phải mở rộng việc dạy nghề bằng nhiều hình thức, theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhằm tạo điều kiện cho lao động nữ, ngoài nghề chính có thêm 1, 2 nghề phụ, như vậy để có thể điều chuyển nghề cho chị em khi cần thiết, và tận dụng lao động có lợi cho kinh tế và xã hội.

Theo tinh thần trên, các ngành, các cấp cần tìm mọi cách khai thác tiềm năng, mở mang ngành, nghề, giúp đỡ về phương hướng sản xuất, tổ vhức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... để hỗ trợ cho kinh tế tập thể và kinh tế gia đình phát triển thuận lợi, từ đó tạo thêm việc làm cho lực lượng lao động chưa có nghề, cả nữ và nam, ở thành thị và nông thôn.

III. PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG QUẢN LÝ KINH TẾ, QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, QUẢN LÝ XÃ HỘI

Các ngành, các cấp phải thực hiện đúng quy định của Nhà nước về xây dựng kế hoạch từ cơ sở lên và cùng các đoàn thể quần chúng hướng dẫn, tổ chức, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia xây dựng kế hoạch, tìm mọi biện pháp giải quyết những khó khăn trong sản xuất, công tác và đời sống. Động viên phụ nữ tích cực tham dự các hội nghị công nhân, viên chức hoặc đại hội xã viên, các cuộc trao đổi ý kiến về từng chuyên đề có liên quan đến phụ nữ.

Hội đồng nhân dân các cấp phải có ít nhất 1/3 đại biểu là nữ, gồm các chị em có đủ tiêu chuẩn, thật sự có năng lực tham gia công việc.

Uỷ ban Nhân dân các cấp nhất thiết phải có một số nữ uỷ viên; cần cử cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực vào các cương vị chủ chốt (chủ tịch, phó chủ tịch, uỷ viên thường trực); nếu chưa có cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn như vậy thì phải tích cực và khẩn trương bồi dưỡng chị em trong một thời hạn nhất định.

Khi lập quy hoạch cán bộ, các ngành, các cấp, các cơ sở phải xác định những chức danh cần có cán bộ nữ. Ở những ngành mà lao động nữ chiếm trên 50% và những ngành có liên quan nhiều tới lợi ích của phụ nữ và trẻ em (giáo dục, văn hoá, thông tin, y tế, công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm, nông nghiệp, nội thương, ngân hàng, toà án, thương binh và xã hội...), thì phải có cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực tham gia lãnh đạo. Các cơ sở thuộc khu vực Nhà nước và khu vực tập thể có đông lao động nữ phải có cán bộ nữ tham gia cơ quan quản lý.

Các trường, lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ và quản lý của các ngành, các cấp cần quy định tỷ lệ chiêu sinh nữ nhằm nâng tỷ lệ nữ cán bộ đi học tương ứng với tỷ lệ lao động nữ trong từng ngành nghề. Trên cơ sở đảm bảo những tiêu chuẩn chủ yếu đối với cán bộ nữ, có thể châm trước một số tiêu chuẩn về tuổi, về chức vụ...

Các trường lớp tập trung dài hạn cần cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ nữ đến học.

[...]