Nghị quyết 17/NQ-HĐND năm 2011 thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2012 do Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long khóa VIII, kỳ họp thứ 3 ban hành

Số hiệu 17/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2011
Ngày có hiệu lực 19/12/2011
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Phạm Văn Lực
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/NQ-HĐND

Vĩnh Long, ngày 09 tháng 12 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2012

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 03

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Sau khi xem xét báo cáo của Uỷ ban Nhân dân tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2011 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2012, báo cáo của các ngành bảo vệ pháp luật, thông báo của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tham gia xây dựng chính quyền, báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng Nhân dân; Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh thảo luận và thống nhất,

QUYẾT NGHỊ:

Hội đồng Nhân dân tỉnh nhất trí với đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2011 và nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2012 với mục tiêu, chỉ tiêu và các giải pháp chủ yếu sau:

I. Mục tiêu chung:

Năm 2012 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2010–2015, ngay từ năm đầu quyết tâm tập trung mọi nguồn lực, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Quốc hội, Nghị quyết 11/CP của Chính phủ tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội; tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chuyển dịch cơ cấu lao động, đào tạo nguồn nhân lực. Tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác; ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, công trình chuyển tiếp, chỉnh trang đô thị, xây dựng huyện Bình Tân, Bình Minh, khu hành chính Tỉnh, xây dựng xã nông thôn mới,... bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội; triển khai thực hiện các chương trình biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

II. Một số chỉ tiêu chủ yếu:

a) Các chỉ tiêu về kinh tế:

KH 2012

- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng(%)

11,5

- Giá trị sản xuất nông - lâm, ngư nghiệp tăng(%)

5

Trong đó: Nông nghiệp tăng(%)

4,7

- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng(%)

22

- Giá trị các ngành dịch vụ tăng(%)

13

- GDP bình quân đầu người (giá hiện hành, Tr.đ)

33,91

- Cơ cấu GDP (theo giá thực tế)

 

+ Khu vực I(%)

48,00

+ Khu vực II(%)

18,00

+ Khu vực III(%)

34,00

- Tổng kim ngạch xuất khẩu (triệu USD)

390

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn XH (tỷ đồng)

10.000

- Tổng thu ngân sách trên địa bàn (tỷ đồng)

2.385

- Tổng chi ngân sách địa phương (tỷ đồng)

3.877,7

b) Các chỉ tiêu phát triển xã hội

 

- Tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật

42%

- Tạo thêm việc làm mới cho lao động (người)

26.500

- Chuyển dịch cơ cấu lao động

 

+ Lao động nông, lâm, thuỷ sản

56,7%

+ Lao động phi nông nghiệp

43,3%

- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên khoảng

1%

- Giảm số hộ nghèo (theo tiêu chí mới)

giảm 2%

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn dưới

17,5%

- Tỷ lệ giảm tối thiểu số vụ, số người chết và bị thương về tai nạn giao thông

5 – 10%

c) Các chỉ tiêu về môi trường

 

- Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý (%)

75

- Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom (%)

82

- Tỷ lệ các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải (%)

100

- Chất thải, nước thải các cơ sở y tế được thu gom và xử lý (%)

100

- Tỷ lệ hộ đô thị sử dụng nước từ hệ thống nước máy tập trung (%)

93

- Tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung (%)

36

III. Các giải pháp chủ yếu:

1. Tiếp tục thực hiện chủ trương của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế:

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 02, Nghị quyết 11/CP và chỉ thị 1792 của Chính phủ; thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, kiểm soát giá cả, chống buôn lậu, hàng gian hàng giả,.... không để xảy ra đột biến giá các mặt hàng thiết yếu, liên quan đến đời sống. Thực hiện tốt các chính sách tiền tệ của Chính phủ, chủ động linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, chủ động cắt giảm các khoản chi tiêu công chưa thật cần thiết, chi tiêu không hợp lý; phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.

2. Phát triển nông nghiệp - nông thôn:

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, tăng cường công tác quản lý quy hoạch vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, globalGAP gắn với thương hiệu; cũng cố tổ chức kinh tế tập thể, tổ chức sản xuất lúa – màu theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; xây dựng hệ thống nhân giống lúa, hỗ trợ người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới; Tăng cường sự chỉ đạo các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện tốt đề án Nông nghiệp - Nông dân và Nông thôn; nghiên cứu ban hành chủ trương đầu tư các công trình xây dựng của Xã nông thôn mới bằng nhiều hình thức, kể cả mời gọi các doanh nghiệp hợp đồng thực hiện cho xã chọn gói và hòan trả vốn cho doanh nghiệp theo phân kỳ; Thực hiện tốt việc xây dựng Xã nông thôn mới, nhất là 22 xã điểm.

Chỉ đạo thực hiện quyết định 80/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng đối với các sản phẩm nông sản và cá tra xuất khẩu.

Đầu tư gia cố, hòan thiện hệ thống đê bao và kênh mương nội đồng bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp và thủy sản do mùa lũ vừa qua làm xuống cấp, hư hại. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường, tạo thuận lợi cho đầu tư và sản xuất, kinh doanh phát triển, tạo chuyển biến về chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư và khả năng cạnh tranh cao, Thực hiện các giải pháp nhằm duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; Triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành các luật có liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đấu thầu, quản lý và sử dụng đất đai,...

Công khai quy trình, thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và đầu tư. Công khai hoá quy hoạch; minh bạch hoá danh mục đầu tư trong các lĩnh vực, địa bàn thuộc diện cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện. Thực hiện có hiệu quả các chính sách, biện pháp hỗ trợ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tập trung chỉ đạo đầu tư xây dựng cơ bản nhất là các dự án chuyển tiếp, trọng điểm, bức xúc, thực hiện đúng tiến độ các công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, thực hiện tốt công tác bồi hoàn, giải phóng mặt bằng và tái định cư đối với các dự án, chú trọng giải quyết tốt đời sống nhân dân hậu tái định cư, tập trung tháo gỡ khó khăn, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, chống thất thoát, lãng phí và nâng cao chất lượng các dự án đầu tư xây dựng cơ bản.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách, biện pháp hỗ trợ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các điều kiện phục vụ cho sản xuất kinh doanh như nguồn vốn, đào tạo lao động có tay nghề, thị trường tiêu thụ hàng hóa,..., giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khai thác thị trường nội địa, nhất là thị trường nông thôn.

Khuyến khích phát triển sản xuất hàng xuất khẩu; phát triển, mở rộng thị trường và đa dạng hoá mặt hàng xuất khẩu, nhất là sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

4. Tăng thu ngân sách, đảm bảo chi ngân sách, tiết kiệm chi tiêu công, tăng cường huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng.

Thu ngân sách phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu công; tích cực khai thác thêm nguồn thu để bảo đảm các nhiệm vụ chi đã đề ra.

Thực hiện tốt chính sách thuế của Chính phủ, giúp các cơ sở sản xuất - kinh doanh và người dân vượt qua khó khăn trong tình hình hiện nay. Tăng cường các biện pháp quản lý thu, chống thất thu thuế, nợ đọng thuế; chống gian lận thương mại, trốn thuế.

Tăng cường công tác quản lý lãi suất huy động và cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn vay cho sản xuất và tiêu dùng; quản lý tốt kinh doanh vàng và ngoại tệ. Các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu vay vốn cho sản xuất và đời sống.

[...]