Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị quyết 17/2012/NQ-HĐND về phổ cập bậc trung học giai đoạn 2012 - 2020 do tỉnh Quảng Trị ban hành

Số hiệu 17/2012/NQ-HĐND
Ngày ban hành 17/08/2012
Ngày có hiệu lực 27/08/2012
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Lê Hữu Phúc
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2012/NQ-HĐND

Quảng Trị, ngày 17 tháng 8 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHỔ CẬP BẬC TRUNG HỌC TỈNH QUẢNG TRỊ, GIAI ĐOẠN 2012 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA VI, KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Công văn số 3420/THPT ngày 23 tháng 4 năm 2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện phổ cập bậc trung học và Công văn số 10819/GDTrH ngày 07 tháng 12 năm 2004 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc điều chỉnh tiêu chuẩn phổ cập bậc trung học;

Xét Tờ trình số 2360/TTr-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2012 của UBND tỉnh kèm theo Đề án Phổ cập bậc trung học tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2012 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án Phổ cập bậc trung học tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2012 - 2020, với những nội dung chính sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phổ cập bậc trung học giai đoạn 2012 - 2020 nhằm nâng cao dân trí một cách toàn diện, phấn đấu hầu hết công dân của tỉnh Quảng Trị đến hết tuổi 21 đạt được trình độ học vấn trung học (bao gồm trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp và trung học nghề 03 năm trở lên), góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện hội nhập với giáo dục khu vực, thế giới.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Duy trì, củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tạo điều kiện và nền tảng vững chắc cho việc triển khai phổ cập bậc trung học.

b) Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông; bảo đảm để mọi học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản về hướng nghiệp.

c) Xây dựng và nâng cấp hệ thống trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung học chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm học tập cộng đồng:

- Phấn đấu đến năm 2015 có 100% trường tiểu học, 70% số trường trung học cơ sở, 40% số trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia;

- Đến năm 2020 có 100% trường tiểu học đạt chuẩn mức độ II; 100% trường trung học cơ sở và 80% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Bảo đảm 100% yêu cầu chuẩn về thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm, thư viện trường học ở bậc trung học;

- Phấn đấu đến năm 2015 có ít nhất 80/141 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn, tỷ lệ 56,74% trong đó có 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập bậc trung học (thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và huyện đảo Cồn Cỏ);

- Đến năm 2018 tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn quốc gia phổ cập bậc trung học, với 10/10 huyện và 129/141 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn, tỷ lệ 91,48%;

- Đến năm 2020 tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn quốc gia phổ cập bậc trung học với 10/10 huyện và 138/141 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn, tỷ lệ 97,87%.

II. KẾ HOẠCH VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Giai đoạn 1 (từ 2012 - 2015): Có 80/141 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn, tỷ lệ 56,74%.

2. Giai đoạn 2 (từ 2016 - 2018): Tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn quốc gia phổ cập bậc trung học với 10/10 huyện, thị xã, thành phố và 129/141 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn, tỷ lệ 91,48%.

3. Giai đoạn 3 (từ 2019 - 2020): Tỉnh Quảng Trị hoàn thành công tác phổ cập bậc trung học với 10/10 huyện, thị xã, thành phố và 138/141 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn (97,87%).

III. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của chính quyền các cấp; xác định rõ trách nhiệm và phát huy mạnh mẽ vai trò của các Ban ngành, đoàn thể, các tổ chức đối với sự nghiệp giáo dục, xây dựng xã hội học tập nói chung và công tác phổ cập bậc trung học nói riêng.

2. Thực hiện tuyên truyền thường xuyên, với hình thức linh hoạt, sâu rộng cho các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc “Phổ cập giáo dục là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo nền tảng vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần thực hiện thành công một trong ba khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020” (Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Bộ Chính trị), đồng thời hiểu rõ các tiêu chuẩn, mục đích, ý nghĩa của công tác phổ cập bậc trung học đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

[...]