Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị quyết số 159-HĐBT về công tác văn hoá thông tin trong thời gian trước mắt do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 159-HĐBT
Ngày ban hành 19/12/1983
Ngày có hiệu lực 03/01/1984
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 159-HĐBT

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1983

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 159-HĐBT NGÀY 19-12-1983 VỀ CÔNG TÁC VĂN HOÁ THÔNG TIN TRONG THỜI GIAN TRƯỚC MẮT

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

Trong những năm qua, dưới ánh sáng nghị quyết Đại hội lần thứ IV, thứ V của Đảng, công văn văn hoá, thông tin tiếp tục phát triển và đạt những thành tựu quan trọng.

Các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp và phong trào văn nghệ quần chúng, công tác thông tin cổ động, triễn lãm, giáo dục truyền thống, xuất bản sách báo đã góp phần đáng kể vào việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Nhiều cơ sở hoạt động văn hoá như nhà văn hoá, thư viện, nhà truyền thống được xây dựng theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Phong trào thi đua với huyện Hải Hậu, lá cờ đầu về văn hoá trong cả nước, ngày càng phát triển.

Qua các hoạt động nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ của ta tỏ rõ có tài năng sáng tạo, có phẩm chất chính trị tốt. Một số diễn viên và một số tác phẩm nghệ thuật đạt giải thưởng cao trong nước và quốc tế.

Trong công tác lãnh đạo và quản lý, ngành văn hoá thông tin có nhiều cố gắng đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, đào tạo cán bộ, khắc phục khó khăn sản xuất vật tư, phương tiện kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của phong trào ngày càng mở rộng.

Bên cạnh những ưu điểm nói trên, công tác văn hoá thông tin còn có những khuyết điểm sau đây:

- Chưa nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và tình hình kinh tế xã hội của đất nước, chưa nhận thức đầy đủ cuộc đấu tranh giữa hai con đường, giữa địch và ta, trên mặt trận văn hoá đang diễn ra gay gắt.

Chưa chú trọng đúng mức công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với cán bộ văn hoá nghệ thuật, thông tin xuất bản, do đó chất lượng hoạt động văn hoá thông tin chưa cao, nội dung xã hội chủ nghĩa chưa sâu sắc, tính chiến đấu còn yếu. Có lúc hữu khuynh trong việc chỉ đạo, hạ thấp chức năng giáo dục của văn hoá nghệ thuật, sa vào những khuynh hướng không lành mạnh; để cho văn hoá nghệ thuật thương mại trỗi đậy, một số nghệ sĩ chạy theo thị hiếu thấp kém.

- Đời sống văn hoá ở cơ sở, ở nhiều vùng còn kém, nhất là vùng dân tộc ít người, vùng căn cứ kháng chiến cũ, vùng nông thôn miền Nam.

- Phong trào nếp sống mới chuyển biến chậm. Mê tín dị đoan, hủ tục phát triển trong cả lớp thanh niên. Những hiện tượng càn quấy, ăn mặc lố lăng, nói năng thô tục, thái độ thiếu văn hoá phát triển, nhất là ở các thành phố.

- Công tác quản lý không chặt chẽ, buông lỏng cải tạo xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật ở miền Nam, không kịp thời phê phán, ngăn chặn những ảnh hưởng của văn hoá nghệ thuật phản động, đồi truỵ của giai cấp tư sản và chủ nghĩa thực dân mới, những hoạt động phi pháp của bọn đầu cơ, gian thương; thiếu cảnh giác cách mạng đối với âm mưu phá hoại của địch về tư tưởng văn hoá. Các chính sách đối với văn hoá, nghệ thuật chưa được kịp thời sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới. Cơ sở vật chất kỹ thuật còn kém, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động văn hoá thông tin. Công tác kinh tế trong lĩnh vực văn hoá chưa được coi trọng. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý chưa vững mạnh và ổn định.

II. PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ CÔNG TÁC VĂN HOÁ THÔNG TIN TRONG THỜI GIAN TRƯỚC MẮT.

Trong giai đoạn mới của cách mạng, công tác văn hoá thông tin cần tiếp tục quán triệt sâu sắc phương hướng nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội Đảng lần thứ V đã đề ra là:

"Đẩy mạnh công cuộc xây dựng nền văn hoá mới, con người mới, bám sát yêu cầu của cách mạng và phù hợp với khả năng kinh tế, thúc đẩy tốt hơn nữa công cuộc xây dựng chế độ mới và nền kinh tế mới. Tăng cường đấu tranh xoá bỏ tệ nạn xã hội cũ, những tàn dư của văn hoá phản động".

Nhằm góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nghị quyết của đại hội lần thứ V của Đảng và các nghị quyết của Hội nghị trung ương lần thứ III, lần thứ IV và lần thứ V, ngành văn hoá thông tin có những nhiệm vụ cụ thể sau đây:

1. Tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa, cổ vũ mạnh mẽ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong giai đoạn mới, tinh thần tự lực tự cường, tinh thần làm chủ tập thể của nhân dân lao động, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

2. Nâng cao chất lượng của các hoạt động văn hoá, nghệ thuật và thông tin, xuất bản. Tổ chức tốt đời sống văn hoá ở cơ sở. Phấn đấu có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật.

3. Xây dựng nếp sống xã hội chủ nghĩa, đoàn kết thân ái, hăng hái lao động, văn minh, kỷ luật, liêm khiết, tiết kiệm. Bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục, đẩy lùi những tệ nạn xã hội và những mặt tiêu cực trong đời sống.

4. Chống ảnh hưởng của văn hoá, nghệ thuật tư sản và thực dân mới, chống sự phá hoại về văn hoá, tư tưởng của bọn bành trướng Trung Quốc và đế quốc Mỹ. Hoàn thành cải tạo các tổ chức văn hoá, nghệ thuật ở miền Nam.

5. Chấn chỉnh tổ chức từ trung ương đến cơ sở, đặc biệt coi trọng cơ sở và cấp huyện. Tiêu chuẩn hoá cán bộ ngành văn hoá, thông tin, nhằm nâng cao chất lượng, đồng thời có kế hoạch đào tạo cán bộ cho cân đối với yêu cầu phát triển của các ngành văn hoá nghệ thuật, thông tin, xuất bản và nâng cao sinh hoạt văn hoá của nhân dân. Sửa đổi những chính sách không phù hợp, bổ sung các luật lệ về văn hoá nghệ thuật, thông tin, xuất bản.

6. Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành văn hoá, nghệ thuật, thông tin, xuất bản theo hướng từng bước hiện đại hoá, trước hết cho các ngành in, điện ảnh, sân khấu và các trường nghệ thuật phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước.

Từ nay đến năm 1985, cố gắng phấn đấu đạt một số mục tiêu cụ thể sau đây:

1. Xây dựng rộng khắp đời sống văn hoá ở các đơn vị cơ sở, có chật lượng tốt. Nâng cao chỉ tiêu hưởng thụ tính theo đầu người về đọc sách báo, nghe đài, xem phim, xem nghệ thuật.

2. Đẩy mạnh phong trào sáng tác để có những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao. Củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng biểu diễn của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp ở trung ương và địa phương.

3. Tạo sự chuyển biến mới thật sự về lối sống xã hội chủ nghĩa trong xã hội, nhất là trong thanh niên, thiếu niên và ở các thành phố lớn.

4. Hoàn thành về cơ bản việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối cới các tổ chức văn hoá, nghệ thuật ở miền Nam, đưa công tác quản lý văn hoá nghệ thuật vào nền nếp.

[...]