Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị quyết 156/2010/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 do tỉnh Kiên Giang ban hành

Số hiệu 156/2010/NQ-HĐND
Ngày ban hành 10/12/2010
Ngày có hiệu lực 20/12/2010
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Đào Nghĩa Nghiêm
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 156/2010/NQ-HĐND

Rạch Giá, ngày 10 tháng 12 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2011

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI CHÍN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Trên cơ sở xem xét các báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các cơ quan hữu quan, báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2010 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2011 với các chỉ tiêu, giải pháp được nêu trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh và báo cáo của các cơ quan hữu quan; đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề cần tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện năm 2011 như sau:

1. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2010

Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và thách thức do tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và thiên tai, dịch bệnh. Nhưng dưới sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đạt được phần lớn các chỉ tiêu theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,05%; kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Sản lượng lương thực đạt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ; kịp thời chỉ đạo khắc phục khó khăn, hỗ trợ những hộ nông dân có diện tích lúa bị thiệt hại ở vùng U Minh Thượng sớm ổn định sản xuất. Những tháng cuối năm, giá thu mua hàng nông thủy sản (lúa gạo, tôm) đang ở mức giá cao, tạo thêm nhiều động lực thúc đẩy sản xuất. Xây dựng cơ bản có nhiều đổi mới trong quản lý, điều hành, là năm có giá trị thực hiện khối lượng hoàn thành cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thu hút thêm nhiều nguồn vốn vào đầu tư sản xuất, phát triển kết cấu hạ tầng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo. Giáo dục và đào tạo, y tế chuyển biến nâng lên chất lượng dạy và học, khám và điều trị; an sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, giữ vững ổn định, trật tự xã hội được bảo đảm. Kỷ luật, kỷ cương hành chính tiếp tục được chấn chỉnh, cải cách hành chính có tiến bộ.

Tuy nhiên, nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng chưa vững chắc, hiệu quả nền kinh tế thấp, sức cạnh tranh sản phẩm yếu, chuyển dịch kinh tế chậm; chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành kinh tế thấp. Sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của tỉnh phần lớn là hàng nông sản, sản phẩm xuất thô còn nhiều, chất lượng cạnh tranh của sản phẩm thấp; cơ chế điều hành xuất khẩu mặt hàng gạo vướng mắc kéo dài chậm được tháo gỡ, làm hạn chế tính chủ động của doanh nghiệp. Lĩnh vực đầu tư ngoài ngân sách tiến độ triển khai còn chậm do lãi suất tăng. Nguồn thu cân đối ngân sách ổn định nhưng nhiệm vụ chi so với yêu cầu thu không đáp ứng. Chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng cao trong những tháng cuối năm, công tác quản lý giá còn một số hạn chế. Chất lượng giáo dục nâng lên chậm, biện pháp khắc phục còn nhiều khó khăn; chăm sóc y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên khoáng sản còn nhiều yếu kém, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn thấp, làm lãng phí tài nguyên khoáng sản, ý thức bảo vệ môi trường trong xã hội chưa cao. Tình hình an ninh trật tự tuyến biên giới, vùng biển còn phức tạp, vi phạm về trật tự xã hội chiều hướng gia tăng, nhất là tuyến biên giới; tình hình buôn lậu vẫn chưa giảm; tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao. Công tác cải cách thủ tục hành chính còn nhiều thủ tục hành chính chậm được sửa đổi, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao.

2. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2011

Phấn đấu thúc đẩy sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, ổn định và bền vững. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là phát triển mạnh hệ thống giao thông nông thôn. Nâng cao hiệu quả, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế. Phát huy lợi thế là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long để đầu tư, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt hạ tầng trên đảo Phú Quốc. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính sâu rộng hơn trên các lĩnh vực công, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, thực hiện tốt chương trình hành động của Chính phủ về phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Giữ vững chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tiếp tục duy trì trật tự an toàn xã hội và kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở dự báo, những thuận lợi, khó khăn, thách thức và cân đối năng lực sản xuất của tỉnh, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 phấn đấu đạt các mục tiêu chủ yếu sau đây:

2.1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 12% trở lên. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.500 USD (giá hiện hành).

2.2. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng 3%, sản lượng lúa 3,5 triệu tấn.

2.3. Giá trị sản xuất thủy sản tăng 6,8%, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 491.300 tấn, (khai thác 385.000 tấn, nuôi trồng 106.300 tấn, trong đó tôm nuôi 38.440 tấn).

2.4. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (giá cố định 1994) đạt 14.836,84 tỷ đồng, tăng 10,4%.

2.5. Kim ngạch xuất khẩu đạt 530 triệu USD, tăng 16%. Tổng mức hàng hóa bán lẻ tăng 18%.

2.6. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 3.253 tỷ đồng, tổng chi ngân sách 5.776,2 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển là 1.963,3 tỷ đồng (bao gồm cả vốn xổ số kiến thiết, không kể vốn trái phiếu Chính phủ).

2.7. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn 20.594,2 tỷ đồng, tăng 32,2% so với năm 2010, chiếm 39,42% so với GDP.

2.8. 100% xã đất liền có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 97%, tăng thêm 10% đường liên ấp được bê tông xi măng.

2.9. Mức giảm tỷ lệ sinh là 0,3‰, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 10,6‰, dân số năm 2011 là 1,729 triệu người, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 16,6%.

2.10. Tỷ lệ huy động học sinh từ 6-14 tuổi đến trường đạt 96% trở lên, phổ cập giáo dục tiểu học 1.000 người, phổ cập trung học cơ sở 2.500 người, xóa mù chữ và sau xóa mù chữ là 500 người.

2.11. Giải quyết việc làm 32.000 lao động trở lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo 37%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 26,4%.

2.12. Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5% trở lên theo chuẩn nghèo mới.

2.13. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện 96%.

2.14. Tỷ lệ dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh 93%.

[...]