Nghị quyết 155-CP về việc thi hành pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng do Phủ Thủ tướng ban hành

Số hiệu 155-CP
Ngày ban hành 03/10/1973
Ngày có hiệu lực 18/10/1973
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 155-CP

Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 1973

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THI HÀNH PHÁP LỆNH QUY ĐỊNH VIỆC BẢO VỆ RỪNG.

Ngày 6 tháng 9 năm 1972 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng và ngày 11 tháng 9 năm 1972 Chủ tịch nước đã ra lệnh công bố.

Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng là một văn kiện quan trọng của Nhà nước ta,có ý nghĩa chính trị ,kinh tế,xã hội…rất sâu sắc.Pháp lệnh là cơ sở pháp lý cho việc giữ gìn và phát triển tài nguyên rừng, tạo điều kiện mở rộng một cách cơ bản và lâu dài ngành kinh tế lâm nghiệp, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta.

Để bảo đảm thi hành Pháp lệnh ,hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 2 tháng 3 năm 1973 đã thảo luận tình hình công tác bảo vệ rừng và đề ra một số chủ trương và biện pháp sau đây.

I. PHẢI LÀM CHO MỌI NGƯỜI NHẬN THỨC RÕ VỊ TRÍ TÁC DỤNG TO LỚN CỦA RỪNG VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÔNG TÁC BẢO VỆ RỪNG.

 Rừng là một bộ phận của môi trường sống,là tài sản quý báu của nước ta có giá trị lớn đối với nền kinh tế quốc dân và đời sống của nhân dân.

Nhưng rừng của ta đã và đang bị phá hại nghiêm trọng,cho nên diện tích rừng bị thu hẹp một cách nhanh chóng ,tài nguyên rừng ngày càng giảm sút ,nhiều đặc sản quý trong rừng hầu như không còn nữa.Nạn lũ,lụt,hạn hán, xói mòn,cát bay…xẩy ra ngày càng nhiều đe doạ đời sống của hàng triệu đồng bào ở cà miền núi lẫn miền xuôi và gây khó khăn lớn cho nông nghiệp,cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế nước ta.

Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình hình trên đây là nhận thức về vị trí và tác dụng to lớn của rừng ,về tầm quan trọng của công tác bảo vệ rừng trong các ngành ,các cấp trong cán bộ ,bộ đội và nhân dân còn nhiều sai lệch, thiếu sót.Có người cho rừng là của thiên nhiên vô tận,mạnh ai nấy phá và lấn chiếm, hoặc cho rừng ở địa phương nào chỉ để phục vụ cho địa phương ấy.Nói chung,chúng ta đã buông lỏng quản lý rừng và đất rừng ,và từ đó mà ngày nay chúng ta đứng trước những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng của sự buông lỏng nguy hiểm đó.

Vì vậy,một trong những công tác cấp bách hiện nay là fải ra sức tuyên truyền ,giáo dục một cách sâu rộng cho cán bộ,nhân dân nhất là ở vùng rừng núi ,những vùng rừng đang bị phá hại nghiêm trọng ,làm cho mọi người trước hết là cán bộ,nhận thức rõ bảo vệ rừng là bảo vệ một nguồn lợi to lớn,lâu dài và đặc biệt quý báu của nhân dân ta,là bảo vệ một nguồn cung cấp phương tiện sinh sống cho đồng bào ta hiện nay cũng như lâu dài về sau này.Bảo vệ rừng phải gắn liền với việc tu bổ rừng ,trồng cây gây rừng ,phát triển tài nguyên rừng .Phải biết tận dụng các hình thức tuyên truyền ,giáo dục thiết thực ,dễ hiểu dễ nhớ,thích hợp với đồng bào các dân tộc ở trung du và miền núi.Phải làm việc tuyên truyền ,giáo dục một cách rất liên tục ,bền bỉ nhằm hiệu quả thiết thực ,luôn luôn nắm vững trọng điểm.

Uỷ ban hành chính các khu ,tỉnh,thành,các cơ quan thông tin,tuyên truyền, báo chí ,văn hoá,nghệ thuật từ trung ương đến địa phương và bản thân ngành lâm nghiệp có trách nhiệm tiến hành việc tuyên truyền ,giáo dục này một cách thường xuyên và sâu rộng trong nhân dân.Phải đưa vấn đề rừng và bảo vệ rừng vào chương trình giảng dạy ở các trường,nhất là các trường ở trung du và miền núi.

Trên cơ sở nâng cao và tự nhận thức về rừng và ý thức bảo vệ rừng của các ngành,các cấp và của mọi người,phải có kế hoạch và biện pháp đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng ,phát triển tài nguyên rừng , động viên nhiệt tình của quần chúng biến thành phong trào thi đua thực hiện nghiêm chỉnh Pháp lệnh bảo vệ rừng.

II.QUẢN LÝ CHẶT CHẼ DIỆN TÍCH RỪNG HIỆN CO ,XÚC TIẾN VIỆC QUY HOẠCH RỪNG VÀ ĐẤT RỪNG LÀM CĂN CƯ CHO VIỆC TRỒNG RỪNG

Nhiệm vụ quản lý rừng và bảo vệ rừng là phải giữ gìn mở rộng diện tích có rừng cây che phú,nâng cao khả năng tái sinh và chất lượng của rừng ,nhằm đảm bảo vững chắc nhu cầu ngày càng lớn về lâm sản làm nguyên liệu cho công nghiệp,phương tiện sinh sống của nhân dân và hàng xuất khẩu;mặt khác phải ra sức nâng caotác dụng phòng hộ của rừng ,góp phần chống thiên tai, điều hoà khí hậu…

Để đảm bảo những yêu cầu nói trên,ngoài những diện tích rừng hiện có ,phải căn cứ vào điều kiện tự nhiên và phương hướng, nhiệm vụ kinh tế và phòng hộ của từng vùng mà quy hoạch,phân phối đất đai cho lâm nghiệp.

Phải đưa việc quản lý,bảo vệ và kinh doanhr vào quy hoạch,kế hoạch.

1.Quản lý chặt chẽ và bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên và rừng trồng.

Trường hợp cần thiết phải phá rừng để lấy đất trồng trọt, xây dựng công trình, mở đường sá, đặt đường dây điện, khai mỏ… theo như quy định ở điều 3 của Pháp lệnh, thì phải có thiết kế cụ thể được cơ quan có thẩm quyền duyệt, và phải được Hội đồng Chính phủ cho phép; nếu diện tích rừng phá dưới 20 hecta thì Hội đồng Chính phủ sẽ ủy quyền cho Tổng cục Lâm nghiệp cho phép. Sau khi được phép, việc khai thác phải tiến hành thận trọng, cần đến đâu, khai phá đến đó chưa cần thì chưa được phá; và đặt biệt phải có biện pháp chống xói mòn.

Trong việc quy hoạch phân định đất đai cho các nông trường, xí nghiệp,cơ quan , đơn vị nếu trước đây đã bao quanh những rừng gỗ và rừng nguyên liệuc phục vụ công nghiệp thì nay ngành chủ quản phải cùng với Tổng cục Lâm nghiệp xem xét lại để chấp hành đúng với quy định nói trên. Ngăn cấm mọi hành động bao chiếm rừng, chặt phá rừng, săn bắt chim, muông, thú rừng tùy tiện làm thiệt hại đến tài nguyên rừng Nhà nước.

2. Xúc tiến việc quy hoạch rừng và đất rừng làm căn cứ cho việc trồng rừng, tu bổ, bảo vệ rừng.

Tổng cục Lâm nghiệp cùng với Ủy ban Hành chính các khu tự trị Việt Bắc, Tây Bắc , các tỉnh làm sớm quy hoạch các vùng trồng rừng tập trung, tu bổ, hoặc khoanh nuôi; vùng rừng khai thác; các vùng rừng đầu nguồn, những khu rừng cấm nhằm bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ di tích lịch sử, nghiên cứu khoa học hoặc phục vụ các lợi ích đặt biệt khác. Đối với những vùng rừng nguyên liệu , rừng phòng hộ, phải nhanh chóng thi hành biện pháp chặt chẽ.

Tổng cục Lâm nghiệp căn cứ vào các điều kiện đất đai, khí hậu, cây rừng căn cứ vào các yêu cầu về lâm sản mà phòng hộ và hướng dẫn giúp đỡ các địa phương làm quy hoạch và kế hoạch trồng rừng, bảo vệ rừng ở địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa Lâm nghiệp và chăn nuôi….nhằm bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân.

Ủy ban Hành chính các khu tự trị Việt Bắc, Tây Bắc , các tỉnh, huyện ở nơi có rừng phải căn cứ vào phương hướng phát triển kinh tế của Trung ương và tình hình cụ thể ở địa phương mà tham gia vào việc tạo ra những vùng rừng lớn có tầm quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân; tổ chức và chỉ đạo các đơn vị cơ sở đẩy mạnh trồng rừng , tu bổ, khoanh nuôi và bảo vệ rừng.

Phải kết hợp chặt chẽ giữa lâm nghiệp và nông nghiệp trong việc sử dụng hợp lý khả năng đất đai và lao động để phát triển trồng trọt, chăn nuôi lâm nghiệp ở từng vùng.

Đối với những diện tích đất trống, đồi núi trọc ở trung du và miền núi đồng bằng và ven biển mà Nhà nước giao cho ngành Lâm nghiệp thì Tổng cục Lâm nghiệp có kế hoạch trồng cây gây rừng.

Trong năm 1973-1974 phải tập trung sức quy hoạch cho được các vùng trồng rừng tập trung bảo đảm những yêu cầu cấp bách về nguyên liệu cho công nghiệp giấy, sợi, gỗ trụ mỏ và các vùng đầu nguồn quan trọng.

III. PHẢI GẮN CÔNG TÁC BẢO VỆ RỪNG VỚI TRỒNG RỪNG, TU BỔ, KHOANH NUÔI VÀ KHAI THÁC RỪNG , GẮN VIỆC BẢO VỆ RỪNGVÀ KINH DOANH RỪNG VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG ĐỊNH CANH, ĐỊNH CƯ.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa đòi hỏi, một mặt phải ra sức bảo vệ rừng hiện có, khai thác rừng đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng lâm sản tiết kiệm và có kế hoạch; mặt khác dùng mọi biện pháp tích cực nhất để đẩy mạnh trồng rừng; tu bổ rừng nhằm tăng nhanh tốc độ trồng rừng và tái sinh rừng vượt tốc độ khai thác hàng năm . Khắc phục tình trạng lạm vốn rừng; nghiêm cấm mọi hành động chặt phá rừng trái phép, thả rông gia súc ở những khu rừng non, rừng mới trồng hoặc mới dặm cây con.

[...]