Nghị quyết 153/2009/NQ-HĐND12 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 do tỉnh Lai Châu ban hành

Số hiệu 153/2009/NQ-HĐND12
Ngày ban hành 10/12/2009
Ngày có hiệu lực 20/12/2009
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Giàng Páo Mỷ
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 153/2009/NQ-HĐND12

Lai Châu, ngày 10 tháng 12 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;

Trên cơ sở xem xét báo cáo số 184/BC-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2009 của UBND tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 và phương hướng nhiệm vụ năm 2010 với các mục tiêu, chỉ tiêu giải pháp được nêu trong báo cáo của UBND tỉnh; đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau:

1. Đánh giá chung về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.

Năm 2009, suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến nước ta nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Sản xuất nông lâm nghiệp có bước phát triển khá, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch. Quyết tâm cao trong việc trồng mới cao su và rừng kinh tế đã đạt kết quả tốt, tạo bước chuyển biến về nhận thức và hành động tạo việc làm, tăng thu nhập cho đông đảo nhân dân. Chất lượng các hoạt động dịch vụ như thương mại, vận tải, bưu chính viễn thông được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Hoàn thành công tác di dân ra khỏi vùng ngập thủy điện Sơn La trước thời hạn.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm toàn diện, mạng lưới giáo dục tiếp tục được củng cố, quy mô trường lớp học phát triển nhanh, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên; công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đạt kết quả tích cực. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin truyền thông diễn ra sôi nổi, các ngày lễ lớn của tỉnh được tổ chức chu đáo, trọng thể và an toàn; công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được quan tâm chỉ đạo thực hiện, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai tích cực và có hiệu quả; công tác chăm lo các đối tượng diện chính sách và người nghèo được quan tâm.

Quốc phòng, an ninh được củng cố, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; công tác đối ngoại được tăng cường và đạt kết quả tốt.

Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế đó là:

Giá trị sản xuất công nghiệp không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; quy mô ngành công nghiệp còn nhỏ bé, tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm; hoạt động sản xuất khu vực kinh tế nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài hiệu quả thấp.

Tiến độ thi công và giải ngân nguồn vốn các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước còn chậm, tình trạng thanh toán vốn dồn vào cuối năm chưa được khắc phục; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều ách tắc.

Chất lượng giáo dục không đồng đều, giữa các vùng trong tỉnh; cơ sở vật chất cho giáo dục đào tạo còn nhiều bất cập, chất lượng đào tạo nghề cho người lao động chưa cao, cơ sở vật chất của hệ thống cơ sở y tế còn nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ y tế còn thiếu nhất là đội ngũ bác sỹ, chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có mặt còn hạn chế. Đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn gặp nhiều khó khăn. Nguy cơ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới còn cao.

Một số chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội khả năng khó đạt so với kế hoạch đề ra: tốc độ tăng trưởng GDP; thu nhập bình quân đầu ng­ười/năm, diện tích trồng mới cây chè; mức giảm tỷ lệ sinh; số xã có điện; bác sỹ/vạn dân; tỷ lệ che phủ rừng.

2. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010.

2.1. Mục tiêu tổng quát

Huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển và tăng cường công tác quản lý nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2006-2010). Ưu tiên phát triển nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành vùng phát triển cây cao su, rừng kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn. Phát triển các ngành, lĩnh vực một cách hợp lý; tập trung đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, sớm hoàn thành đưa các công trình vào khai thác sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức tốt việc thực hiện di dân các công trình thủy điện. Bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Giải quyết tốt các vấn đề về xã hội như xóa đói giảm nghèo, định canh định cư, nâng cao dân trí, đào tạo cán bộ, thực hiện tốt chính sách xã hội và đảm bảo an sinh xã hội. Tăng cường công tác quốc phòng an ninh, chính trị, giữ vững ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

2.2. Các chỉ tiêu chủ yếu

a. Chỉ tiêu kinh tế

(1). Tốc độ tăng trư­ởng GDP đạt 15%, trong đó ngành nông, lâm, thủy sản tăng 3,5- 4%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 21-22%; ngành thương mại, dịch vụ tăng 17-18%.

Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thủy sản: 32,2%; công nghiệp: 35,4%; dịch vụ: 32,4%.

(2). Thu nhập bình quân đầu ng­ười 8 triệu đồng.

(3). Tổng sản lượng lương thực có hạt: 155.500 tấn. Bình quân lương thực đầu người 409 kg/người.

(4). Trồng mới cây cao su 4.000 ha.

(5). Tỷ lệ tăng đàn gia súc: 6 - 6,5%.

[...]