Nghị quyết 153/2008/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Phú Thọ đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020

Số hiệu 153/2008/NQ-HĐND
Ngày ban hành 13/10/2008
Ngày có hiệu lực 17/10/2008
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Ngô Đức Vượng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 153/2008/NQ-HĐND

Việt Trì, ngày 13 tháng 10 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHÓA XVI, KỲ HỌP BẤT THƯỜNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 05//2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao;

Căn cứ Quyết định số 225/2006/QĐ-TTg ngày 09/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về y tế dự phòng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 02/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008 -2010;

Căn cứ Quyết định số 99/2008/QĐ-TTg ngày 14/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020; một số Nghị quyết của HĐND tỉnh Phú Thọ liên quan đến lĩnh vực y tế;

Sau khi xem xét Tờ trình số 2827/TTr-UBND ngày 01 tháng 10 năm 2008 của UBND tỉnh Phú Thọ, Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành thông qua Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Phú Thọ đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nội dung sau:

I. MỤC TIÊU CHUNG:

Nâng cao năng lực, chất lượng phòng bệnh, khám, chữa bệnh của hệ thống y tế; giảm tỷ lệ mắc bệnh, nâng cao sức khỏe, mức hưởng thụ của người dân trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng hóa các hình thức đầu tư và dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Phấn đấu đến năm 2015, các chỉ tiêu chung về chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt ở mức trung bình của cả nước, trong đó có một số chỉ tiêu cao hơn trung bình của cả nước như số bác sỹ trên 01 vạn dân, số giường bệnh trên 01 vạn dân, tỷ lệ trạm y tế tuyến xã có bác sỹ làm việc. Về chuyên môn có một số lĩnh vực mũi nhọn như ứng dụng công nghệ cao vào chẩn đoán hình ảnh, chẩn đoán sinh hóa học, chẩn đoán tế bào học, điều trị các bệnh lý tim mạch, ung thư, phẫu thuật nội soi, điều trị vô sinh và hỗ trợ sinh sản....; tạo đà để đến năm 2020 trở thành trung tâm y tế vùng.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ:

Các chỉ tiêu sức khỏe cần đạt đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020

Các chỉ tiêu sức khỏe

2015

2020

Tuổi thọ trung bình

73

75

Tỷ suất chết mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống

<9

<8

Tỷ lệ chết trẻ em <1 tuổi/1000 trẻ đẻ sống

<7

<6

Tỷ lệ chết trẻ em <5 tuổi/1000 trẻ đẻ sống

<7

<6

Tỷ lệ trẻ mới đẻ có trọng lượng <2500g (%)

<3,5

<3

Tỷ lệ trẻ em <5 tuổi bị SDD

15

8

Chiều cao trung bình của thanh niên (m)

1,65

>1,65

Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân

9,0

11,0

Tỷ lệ dược sĩ ĐH/vạn dân

1,5

2,0

Tỷ lệ TYT xã có bác sĩ (%)

100

100

Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân

28

30

Tỷ lệ thôn, bản có NVYT hoạt động (%)

100

100

Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia (%)

100

100

Tỷ lệ HGĐ sử dụng nước sạch (%)

90

100

Tỷ lệ HGĐ có hố xí đạt tiêu chuẩn VS (%)

>70

100

Công suất sử dụng giường bệnh (%)

<110

<100

Số lần KCB/người/năm

3,5

4,0

Tỷ lệ tiêm chủng đủ các loại vac xin cho trẻ <1 tuổi

>99,5

>99,9

Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên (%)

1,0

0,95

Tiền thuốc bình quân người/năm (USD)

18

20

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ:

1. Mạng lưới y tế dự phòng:

- Kiện toàn mạng lưới y tế dự phòng và y tế chuyên ngành tuyến tỉnh, gồm 11 trung tâm: Y tế dự phòng tỉnh; Phòng, chống HIV/AIDS; Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường; Chăm sóc sức khỏe sinh sản; Chăm sóc Mắt; Truyền thông giáo dục sức khỏe; Kiểm nghiệm; Giám định Y khoa- Pháp Y; Nội tiết- Bướu cổ; Vận chuyển cấp cứu; Huyết học và truyền máu.

Tới năm 2010, 100% các trung tâm y tế tuyến huyện được xây dựng cơ sở vật chất để có trụ sở làm việc riêng khang trang, đủ diện tích; đến 2015, 100% các các trung tâm y tế tuyến huyện được đầu tư đầy đủ về trang thiết bị, nhân lực theo đúng Đề án quy hoạch phát triển mạng lưới trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện tại Quyết định số 26/2005/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

- Kiện toàn, củng cố các trạm y tế tuyến xã để nâng cao năng lực giám sát, phát hiện, phòng, chống, khoanh vùng, dập tắt dịch bệnh khi xảy ra tại địa bàn.

- Bố trí đủ biên chế và đúng cơ cấu nhân lực cho Trung tâm Y tế dự phòng tuyến tỉnh, các trung tâm y tế hệ dự phòng và chuyên ngành tuyến tỉnh, các Trung tâm Y tế huyện/thành phố/thị xã và các trạm y tế tuyến xã theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của liên Bộ Y tế - Nội vụ.

- Bố trí đủ diện tích đất và xây dựng cơ sở hạ tầng cho các trung tâm y tế hệ dự phòng và chuyên ngành tuyến tỉnh, các Trung tâm Y tế tuyến huyện trước năm 2015; đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau: diện tích đất xây dựng 01 Trung tâm tối thiểu là 3.000 m2, trong đó diện tích xây dựng chiếm khoảng 30-35% tổng diện tích khu đất và đủ để bố trí các phòng chức năng, khoa chuyên môn, khoa xét nghiệm và khu phụ trợ (nhà để xe, kho tàng, nhà vệ sinh…); có hệ thống xử lý rác thải, nước thải y tế.

- Tiếp tục nâng cấp, đầu tư mới trang thiết bị cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, các Trung tâm Y tế dự phòng và chuyên ngành tuyến tỉnh, các Trung tâm Y tế tuyến huyện và Trung tâm Y tế tuyến xã (theo danh mục trang thiết bị của Trung tâm Y tế tuyến huyện đã được Bộ Y tế phê duyệt).

- Có Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tuyến tỉnh và tuyến huyện, bố trí đất và vốn để xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trước năm 2010 (diện tích tối thiểu 5000m2, cơ sở vật chất theo quy định của Bộ Y tế).

- Y tế lao động: Phát triển mạng lưới an toàn vệ sinh lao động tại 100% số doanh nghiệp sản xuất lớn, 60% số doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ vào năm 2015. Tới năm 2020, các chỉ số tương ứng là 100%, 80%; đào tạo đồng bộ đội ngũ cán bộ y tế làm công tác y tế lao động với cơ cấu hợp lý.

- Nâng cấp, hiện đại hóa các labo xét nghiệm phục vụ y tế dự phòng.

[...]