Nghị quyết 148/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2024 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 148/NQ-CP
Ngày ban hành 22/09/2024
Ngày có hiệu lực 22/09/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Lê Thành Long
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 148/NQ-CP

Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ VỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT THÁNG 9 NĂM 2024

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tổ chức ngày 14 tháng 09 năm 2024,

QUYẾT NGHỊ:

Chính phủ đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế từ đầu năm đến nay. Xây dựng, hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”; là động lực, nguồn lực cho phát triển. Chính phủ quyết tâm xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể thế, khơi dậy mọi tiềm năng, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội - đây là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự án Luật phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đáp ứng kịp thời các diễn biến nhanh chóng và yêu cầu cấp bách của thực tiễn. Nội dung các dự án Luật, các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật phải cụ thể hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

- Xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng, bám sát và lấy thực tiễn làm thước đo; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không cầu toàn, không nóng vội; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể của quan hệ pháp luật. Các quy định của pháp luật phải tháo gỡ khó khăn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn; các vấn đề “đã chín, đã rõ”, được thực tiễn kiểm nghiệm, đa số Nhân dân đồng tình, ủng hộ, thực hiện có hiệu quả thì quy phạm hóa thành các quy định cụ thể của dự thảo Luật, thể hiện rõ tại các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật; các vấn đề chưa ổn định, cần sự điều chỉnh trong quá trình thực hiện thì giao Chính phủ quy định nhằm bảo đảm sự điều hành linh hoạt của Chính phủ.

- Quy định của luật phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng; thiết kế công cụ để tăng cường hậu kiểm, giám sát, kiểm soát quyền lực; không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

- Thực hiện nghiêm chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính đi đôi với bố trí nguồn lực hợp lý; nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Thủ tục hành chính phải được cắt giảm tối đa, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; áp dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, thực hiện thủ tục hành chính; không tạo môi trường nảy sinh các hiện tượng “sách nhiễu”, cơ chế “xin - cho”.

- Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xây dựng pháp luật. Các bộ, cơ quan ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật; bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng dự án luật; đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, nội dung dự án luật; tiếp tục lấy ý kiến Nhân dân, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, các cơ quan, tổ chức có liên quan và tổ chức tiếp thu đầy đủ, cầu thị các ý kiến góp ý, công khai, minh bạch việc giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý.

- Các cơ quan nhà nước tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước: xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, thể chế, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, tiêu chí, công cụ để giám sát kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật...

- Trường hợp dự thảo Luật quy định cơ chế, chính sách mới, khác so với luật hiện hành về cùng một nội dung thì thực hiện việc sửa đổi, bổ sung các luật đó ngay trong dự thảo Luật hoặc quy định rõ nguyên tắc áp dụng pháp luật, trong đó có nguyên tắc luật được ban hành sau có hiệu lực áp dụng trong trường hợp các luật quy định khác nhau về cùng một nội dung.

Đối với các dự án luật đang được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8: Các đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung cao độ sức lực, trí tuệ chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan, hoàn thiện dự án Luật với chất lượng cao nhất. Đối với các dự án luật được Chính phủ trình Quốc hội lần đầu tại tại Kỳ họp thứ 8, sau khi được Chính phủ thông qua, các Bộ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, gửi Quốc hội đúng thời hạn quy định, phối hợp, trao đổi với các cơ quan của Quốc hội để tạo sự đồng thuận, thống nhất về nội dung chính sách, nội dung dự án Luật.

Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung chỉ đạo việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, bảo đảm các nguyên tắc sau: (i) Văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành phải được ban hành để có hiệu lực đồng thời với luật, pháp lệnh, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật; (ii) Không để xảy ra khoảng trống pháp lý, vướng mắc gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp, người dân, ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của Luật do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; (iii) Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật theo đúng chủ trương của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp giải quyết thủ tục hành chính, giấy tờ công dân. Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc ban hành văn bản quy định chi tiết của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và tình hình tổ chức thi hành pháp luật.

Tại Phiên họp này, Chính phủ cho ý kiến về 03 dự án luật, 02 đề nghị xây dựng luật, bao gồm: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia; Đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dành thời gian, công sức, trí tuệ chỉ đạo hoàn thiện các dự án Luật, bảo đảm chất lượng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 25 tháng 9 năm 2024.

Chính phủ quyết nghị các nội dung cụ thể như sau:

1. Về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và đánh giá nội dung dự thảo Luật cơ bản đã bám sát 05 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2024 phiên họp của Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024.

Đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nỗ lực, tập trung và có phương pháp hiệu quả trong việc tổ chức nghiên cứu, xây dựng dự án Luật. Quy trình, thủ tục và hồ sơ dự án Luật đã cơ bản được bảo đảm đầy đủ, phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung hơn nữa về nguồn lực, thời gian và tiếp tục tiếp thu, giải trình ý kiến của các Thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự án Luật bảo đảm chất lượng và tiến độ trình Quốc hội theo quy định.

Về nội dung chính của dự án Luật, nhìn chung, đã nhận được sự đồng thuận của đa số Bộ, cơ quan, địa phương liên quan. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng quá trình thực hiện, phát triển của pháp luật về đầu tư công trước đây cũng như thực tiễn hiện nay để bảo đảm các quy định được sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế. Cần bổ sung thuyết minh, luận cứ, số liệu một cách đầy đủ, khoa học đối với các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung tại dự án Luật bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về đầu tư, thể hiện vai trò dẫn dắt của đầu tư cộng với đầu tư tư cũng như mối quan hệ chặt chẽ giữa hai lĩnh vực đầu tư này. Đặc biệt chú ý đến phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Đối với các quy định đã được thực tế kiểm nghiệm tính đúng đắn cần được đánh giá và kế thừa làm nền tảng cho việc tiếp tục đổi mới tư duy, sáng tạo, linh hoạt đưa ra giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, bảo đảm lợi ích quốc gia.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát dự thảo Luật và các Luật liên quan để đề xuất giải pháp khả thi, tháo gỡ một cách kịp thời, hiệu quả các vướng mắc của pháp luật chuyên ngành; kế thừa những quy định còn giá trị, đang thực hiện tốt, không có vướng mắc, bảo đảm theo đúng Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ. Đối với nguồn vốn dự phòng, tăng thu, thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán để nghiên cứu, bổ sung quy định về chào bán trái phiếu riêng lẻ.

Các quy định về phân cấp, phân quyền được đề xuất sửa đổi, bổ sung cần bảo đảm giảm thời gian, quy trình thực hiện các hoạt động đầu tư; đặc biệt là các quy định tương ứng về phân bổ nguồn lực (tài chính, con người) để các cơ quan được phân cấp, phân quyền có đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan ở các nội dung của hoạt động đầu tư công; huy động một cách tập trung, tránh dàn trải các nguồn lực trong nước cũng như nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; nâng cao hiệu quả, năng lực triển khai, hoàn thành dự án.

Cần rà soát để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, người dân cũng như bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ về quy trình, thủ tục của các cơ quan quản lý liên quan. Cương quyết xóa bỏ cơ chế xin cho. Tiến hành số hóa quy trình, dữ liệu để triển khai hoạt động đầu tư một cách nhanh chóng, minh bạch, đồng thời thiết kế hệ thống công cụ kiểm tra, giám sát phòng, chống hiệu quả tham nhũng, tiêu cực, xóa bỏ cơ chế “xin - cho” trong hoạt động đầu tư, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ, văn bản ý kiến góp ý của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình 01 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

[...]