Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị quyết 13/2011/NQ-HĐND ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình khóa XVI, nhiệm kỳ 2011 - 2016

Số hiệu 13/2011/NQ-HĐND
Ngày ban hành 20/07/2011
Ngày có hiệu lực 30/07/2011
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Lương Ngọc Bính
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2011/NQ-HĐND

Quảng Bình, ngày 20 tháng 7 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH KHÓA XVI, NHIỆM KỲ 2011 - 2016

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân ban hành kèm theo Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI;

Xét Tờ trình số 134/TTr-TT ngày 13 tháng 7 năm 2011 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2011 - 2016; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình khóa XVI, nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Điều 2. Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình khóa XVI, kỳ họp thứ 2 thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
- Chính phủ;
- VP Chính phủ, VP Quốc hội, VP Chủ tịch nước;
- Bộ nội vụ;
- Ban Thường vụ Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các ban HĐND và đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban ngành đoàn thể cấp tỉnh;
- Thường trực HĐND,UBND, các huyện, thành phố;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Lương Ngọc Bính

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH KHÓA XVI, NHIỆM KỲ 2011 - 2016
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 13/2011/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh là cơ quan quyền lực Nhà nước cấp tỉnh, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do cử tri trong tỉnh bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân trong tỉnh và cơ quan Nhà nước Trung ương. HĐND tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại mục 1, Chương II, từ Điều 11 đến Điều 17 - Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003.

Hội đồng nhân dân tỉnh hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Hiến pháp, luật và các văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên; quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của tỉnh, xây dựng và phát triển về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống và tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh; thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, việc tuân theo pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân trên địa bàn tỉnh.

Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2011 - 2016 có 50 đại biểu, được thành lập 7 Tổ đại biểu theo địa bàn huyện, thành phố. Mỗi Tổ đại biểu có Tổ trưởng để điều hành công việc. Đại biểu HĐND và Tổ đại biểu HĐND tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại mục 4, Chương II - Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và từ Điều 1 đến Điều 5, Chương I - Quy chế hoạt động của HĐND ban hành kèm theo Nghị quyết 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Điều 2. Đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm tham gia chuẩn bị kỳ họp của HĐND tỉnh. Khi nhận được thông báo dự kiến về thời gian và chương trình kỳ họp, đại biểu HĐND nghiên cứu tài liệu, tiếp xúc cử tri, tham gia các hoạt động của Tổ đại biểu, các Ban của HĐND tỉnh để chuẩn bị cho kỳ họp.

Điều 3. Đại biểu HĐND tỉnh có nhiệm vụ tham dự đầy đủ các kỳ họp của HĐND tỉnh, chấp hành những quy định kỳ họp. Đại biểu nào có lý do đặc biệt không tham dự được kỳ họp thì phải xin phép Thường trực HĐND tỉnh. Đại biểu HĐND tỉnh vắng mặt trong 3 kỳ họp liên tục mà không có lý do chính đáng thì HĐND tỉnh xem xét về tư cách đại biểu.

Điều 4. Đại biểu HĐND tỉnh có quyền chất vấn Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch và các thành viên khác của UBND tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người bị chất vấn và nội dung chất vấn. Người bị chất vấn có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu yêu cầu. Chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành theo trình tự:

1. Trong thời gian HĐND họp:

a) Đại biểu gửi chất vấn đến Thường trực HĐND tỉnh;

b) Thường trực HĐND chuyển chất vấn đến cơ quan hoặc người bị chất vấn;

c) Lãnh đạo cơ quan hoặc người bị chất vấn trả lời trước HĐND những vấn đề mà đại biểu chất vấn. Nội dung trả lời chất vấn phải cụ thể, rõ ràng, nêu rõ đúng sai và biện pháp khắc phục.

2. Trong trường hợp người bị chất vấn chưa thể trả lời ngay được, trả lời chưa đạt hoặc cần xác minh thêm thì HĐND có thể quyết định cho trả lời tại kỳ họp sau hoặc trả lời bằng văn bản gửi đại biểu đã chất vấn và Thường trực HĐND tỉnh.

[...]