Thứ 6, Ngày 01/11/2024

Nghị quyết 106/2008/NQ-HĐND về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2009 do tỉnh Phú Yên ban hành

Số hiệu 106/2008/NQ-HĐND
Ngày ban hành 05/12/2008
Ngày có hiệu lực 15/12/2008
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Đào Tấn Lộc
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 106/2008/NQ-HĐND

Tuy Hòa, ngày 05 tháng 12 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI, AN NINH - QUỐC PHÒNG NĂM 2009

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
KHÓA V, KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; Báo cáo của các cơ quan liên quan; ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành những nội dung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2008, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2009 với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp được nêu trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, báo cáo của các cơ quan của Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan. Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

I. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững. Tiếp tục thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, chủ động hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của lạm phát trong nước và suy giảm kinh tế do khủng hoảng kinh tế thế giới. Chú trọng bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội. Tạo bước đột phá mới trong cải cách hành chính. Thực hiện phòng chống tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm có hiệu quả. Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo an toàn giao thông, tiếp tục kiềm chế giảm tai nạn giao thông cả 3 mặt: số vụ, số người chết, số người bị thương.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

* Chỉ tiêu về kinh tế:

 

- Tốc độ tăng GDP:

13,5%

Trong đó: Nông-lâm-thủy sản tăng

4%

Công nghiệp - xây dựng tăng

18,1%

Dịch vụ tăng

14,5%

- Sản lượng lương thực có hạt

320.000 tấn

- Tổng kim ngạch xuất khẩu

100 triệu USD

- Thu ngân sách trên địa bàn

1.010 tỷ đồng

- Tổng vốn đầu tư phát triển

8.370 tỷ đồng

* Chỉ tiêu về xã hội:

 

- Mức giảm sinh

0,5‰

- Mức giảm trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi

2%

- Giải quyết việc làm

25.500 lao động

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo

2%

* Chỉ tiêu về môi trường:

 

- Tỷ lệ độ che phủ rừng

40%

- Tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước hợp vệ sinh

92%

- Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh

62%

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CHÍNH

1. Về kinh tế

- Tiếp tục chủ động khắc phục khó khăn do ảnh hưởng về tình hình kinh tế - tài chính thế giới. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển, coi trọng tính bền vững và chất lượng tăng trưởng kinh tế; gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát và các giải pháp hạn chế tác động suy giảm kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 30 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ưu tiên các giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ. Duy trì ổn định quỹ đất trồng lúa hai vụ ổn định, trong đó chú trọng xây dựng vùng lúa trọng điểm chất lượng cao. Nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ chăn nuôi. Thực hiện tốt phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, đầu tư và kêu gọi đầu tư để phát triển rừng kinh tế theo quy định, góp phần tăng độ che phủ rừng.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường. Thực hiện kiên quyết và đồng bộ các giải pháp chủ động phòng ngừa suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tăng cường thanh kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất Tờ trình số 50/TTr-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh năm 2009.

- Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời cho các doanh nghiệp. Xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới thiết bị, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Đẩy mạnh sản xuất và nâng cao chất lượng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, phát triển thêm một số mặt hàng xuất khẩu mới, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng đã qua chế biến. Xây dựng các cụm ngành nghề ở khu vực nông thôn theo hướng sản xuất tập trung, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường.

- Mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ, tạo bước phát triển mạnh mẽ khu vực dịch vụ. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các cam kết hội nhập WTO. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; chủ động nguồn hàng phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Tổ chức triển khai tốt Đề án văn hóa tổ chức kỷ niệm Phú Yên 400 năm gắn với Năm du lịch quốc gia 2011 theo Nghị quyết 100/2008/NQ-HĐND ngày 18 tháng 7 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tăng cường quảng bá nhằm tăng lượng hành khách đi máy bay, đồng thời làm việc với các Bộ, ngành liên quan để mở tuyến bay đi Hà Nội.

- Coi trọng và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; đồng thời quản lý chặt chẽ quy hoạch; đẩy mạnh triển khai quy hoạch chung và chi tiết các khu chức năng, quản lý chặt chẽ diện tích đất của Khu kinh tế Nam Phú Yên. Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách; làm tốt hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư gắn với cải cách mạnh mẽ thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản để thu hút mạnh đầu tư và đôn đốc sớm đưa các dự án đã cấp phép đi vào hoạt động. Tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả đầu tư. Khắc phục tình trạng đầu tư kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí ngay từ khâu quy hoạch, kế hoạch và quyết định chủ trương đầu tư. Bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đầu tư dứt điểm các công trình chuyển tiếp, kiên quyết không để tình trạng công trình tồn đọng vốn xây dựng cơ bản; nhất là vốn hỗ trợ có mục tiêu.

Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản thống nhất Tờ trình số 56/TTr-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời nhấn mạnh thêm một số vấn đề sau: tập trung chỉ đạo việc thực hiện các công trình quan trọng của tỉnh đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng trong năm 2009, bao gồm: Kè chống xói lở bờ Nam hạ lưu sông Đà Rằng, Hệ thống chống ngập thành phố Tuy Hòa, Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh (phần xây lắp), Đầu tư cơ sở hạ tầng tuyến đường ven biển Độc Lập - Long Thủy - Gành Đá Đĩa, Năng lượng nông thôn II tỉnh Phú Yên (phần hạ thế), Hệ thống cầu trên trục miền Tây. Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ đảm bảo cầu Hùng Vương hoàn thành trong quý III năm 2010 và các dự án còn lại trong năm 2010. Đối với khu nông nghiệp áp dụng công nghệ cao Hòa Quang Bắc đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo kiện toàn bộ máy quản lý, bố trí đủ nguồn lực, bổ sung cơ chế chính sách điều hành cho phù hợp với quy định của nhà nước. Lồng ghép và triển khai có hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh và chương trình vốn trái phiếu của Chính phủ. Phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ một số công trình lớn của Trung ương. Triển khai tốt các công việc thuộc trách nhiệm của tỉnh thực hiện các bước tiếp theo của Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô; Dự án hạ tầng Khu công nghiệp hóa dầu Hòa Tâm và Tổ hợp hóa dầu Naphtha Cracking; Dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp để khởi công năm 2009.

- Chỉ đạo quyết liệt trong thu ngân sách, chống thất thu thuế đảm bảo các yêu cầu chi đã được bố trí. Tạo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng ngân sách, tài sản công.

2. Về văn hóa - xã hội

- Đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao chất lượng hoạt động các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa thể thao, lao động thương binh xã hội.

- Nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô giáo dục và đào tạo. Tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy. Chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng; triển khai phổ cập giáo dục trung học.

- Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ y, bác sĩ trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; quan tâm phòng chống HIV/AIDS; kiểm tra, điều tra để kịp thời phát hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Làm tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em; thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt mức giảm sinh vững chắc. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Thúc đẩy xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo. Xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm.

3. Về quốc phòng và an ninh trật tự

Tiếp tục củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh giáo dục quốc phòng cho các đối tượng. Làm tốt công tác giao quân. Giữ vững an ninh, an toàn vùng biển. Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; giải quyết kịp thời, triệt để các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự từ cơ sở, không để phát sinh các điểm nóng. Triển khai quyết liệt, đồng bộ, các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông.

[...]