NGHỊ QUYẾT
VỀ
CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ KHÓA XVI KỲ HỌP THỨ MƯỜI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số
20/2007/QĐ-TTg ngày 05/2/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình
mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010;
Sau khi xem xét Tờ trình số 869/TTr-UBND ngày 24
tháng 4 năm 2007 của UBND tỉnh về Chương trình giảm nghèo tỉnh Phú Thọ giai đoạn
2006 - 2010; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và thảo luận,
QUYẾT NGHỊ
Điều 1. Tán thành và thông qua Chương trình giảm nghèo tỉnh Phú Thọ
giai đoạn 2006 - 2010. Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nội dung sau:
1. Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Xoá đói
giảm nghèo giai đoạn 2001 - 2005:
Chương trình xoá đói giảm nghèo đã được tỉnh xác định
là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Được sự lãnh đạo toàn diện của Tỉnh ủy, sự giám sát chặt chẽ của HĐND, sự chỉ
đạo sâu sát của UBND tỉnh và sự phối kết hợp tổ chức thực hiện giữa các cấp ủy
Đảng, chính quyền, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo, cùng với sự nỗ lực vươn
lên của người nghèo, Chương trình đã được triển khai sâu rộng trở thành một
phong trào XĐGN trên tất cả các địa phương.
Qua 5 năm thực hiện, bằng việc triển khai đồng bộ các
chính sách, dự án, Chương trình đã huy động được hàng trăm tỷ đồng, đạt được
những kết quả quan trọng, cơ bản và toàn diện; Tạo được sự chuyển biến tích
cực, rõ nét: Cơ bản xoá xong hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm từ 19,6%
năm 2001 xuống còn 4,9% hết năm 2005, bình quân mỗi năm giảm 3% (đạt mục tiêu
đề ra). Số hộ khá, hộ giàu tăng lên; Xoá xong nhà tạm cho hộ nghèo. Với phương
châm đa dạng hóa nguồn lực và phương thức thực hiện XĐGN, Nhà nước tập
trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và trợ giúp về điều kiện
lãi suất, hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, nước sạch, nâng cao kiến thức cho người
nghèo... Chương trình đã tạo thành sức mạnh tổng hợp giúp nông dân và các hộ
đói nghèo có vốn sản xuất, lao động có việc làm, sản xuất nông lâm nghiệp phát
triển, trình độ dân trí, kinh nghiệm sản xuất được nâng lên, tạo điều kiện cho
người nghèo vươn lên tự XĐGN. Các vùng nghèo đã hoàn thành các mục tiêu cơ bản:
100% xã có đường giao thông tới trung tâm, có điện lưới quốc gia, có đài truyền
thanh cơ sở; Hoàn thành phổ cập trung học cơ sở; Các xã đều có trạm y tế và bác
sỹ. Các điểm bưu điện văn hóa xã hoạt động có hiệu quả, nâng cao đời sống
văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm
bảo trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại cần được khắc phục
trong giai đoạn tới:
Kết quả XĐGN chưa thực sự vững chắc, nguy cơ tái nghèo
còn cao. Có chương trình, dự án quy mô chưa sát thực tế, chưa lồng ghép các
nguồn vốn cho chương trình mục tiêu; Bố trí nguồn lực trong đầu tư còn phân tán.
Mục tiêu: Xã có công trình, dân có việc làm và phát huy vai trò giám sát của
nhân dân chưa thực hiện được nhiều. Việc khai thác và huy động các nguồn lực từ
nội lực thấp; Sự phối hợp giữa các ngành chưa thường xuyên và hiệu quả. Công
tác chỉ đạo, tổ chức, tổng kết nhân rộng mô hình điển hình chậm; Năng lực cán
bộ cơ sở hạn chế. Một bộ phận hộ nghèo, người nghèo thiếu ý chí vươn lên thóat
nghèo , tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào bao cấp của Nhà nước còn nặng nề.
2. Chương trình giảm nghèo tỉnh Phú Thọ giai đoạn
2006 - 2010:
a, Mục tiêu:
+ Mục tiêu chung :
Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 31,08% (theo chuẩn mới) năm 2006
xuống còn 10% năm 2010, góp phần đưa Phú Thọ cơ bản ra khỏi tỉnh nghèo vào năm
2010.
+ Mục tiêu cụ thể:
- Hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4% - 4,5%. Mỗi năm
có từ 12.000 - 13.000 hộ t hóat nghèo. Đảm bảo kết quả giảm nghèo bền vững, hạn
chế đến mức thấp nhất hộ tái nghèo.
- Hỗ trợ xoá 100% nhà tạm mới phát sinh của hộ
nghèo và tiếp tục hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo bị hư hỏng,
xuống cấp do ảnh hưởng của thiên tai.
- Giải quyết cho 100% hộ nghèo có nhu cầu được vay vốn
tín dụng Ngân hàng chính sách xã hội.
- 100% người nghèo được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn
phí.
- Tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm học phí và
các khoản đóng góp khác cho học sinh là con hộ nghèo.
- Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho các xã có tỷ lệ
hộ nghèo cao còn thiếu cơ sở hạ tầng hoặc cơ sở hạ tầng yếu kém.
- Tổ chức tập huấn khuyến nông, chuyển giao khoa học
kỹ thuật cho 7.400 lượt người, đào tạo nghề cho 7.000 lượt nông dân nghèo và
tập huấn nâng cao năng lực cho 4.000 cán bộ làm công tác giảm nghèo xã, phường,
thị trấn.
- 100% người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng
kinh tế đặc biệt khó khăn được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí khi có nhu cầu.
b, Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện:
+ Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm
nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị -
xã hội, của cán bộ, Đảng viên, gia đình và người dân về công tác giảm nghèo, nhất
là những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo, xã
nghèo, vùng nghèo.
+ Nhóm giải pháp về chính sách hỗ trợ tạo cơ hội
để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội:
- Chính sách hỗ trợ về y tế:
Mục tiêu: Hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng
và hiệu quả, tạo cơ hội thuận lợi cho người nghèo tiếp cận dịch vụ y tế, giảm
thiểu các rủi ro, khó khăn cho người nghèo khi ốm đau, bệnh tật, giúp người
nghèo được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ với chất lượng ngày càng cao.
Nhu cầu nguồn vốn : Giai đoạn 2006 - 2010 là 82,1 tỷ
đồng
Trong đó: Mua thẻ BHYT cho người nghèo 75,5 tỷ đồng;
Đầu tư cải tạo nâng cấp, trang thiết bị 10 trạm y tế xã đặc biệt khó khăn: 6,6
tỷ đồng.
- Chính sách hỗ trợ về giáo dục:
Mục tiêu: Hỗ trợ cho con em và các thành viên khác của
hộ nghèo được tới trường học tập bình đẳng như các trẻ em khác, miễn, giảm học
phí cho con em hộ nghèo, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, trung
học cơ sở, tiến tới phổ cập bậc trung học, trong đó ưu tiên con các hộ nghèo là
dân tộc thiểu số và trẻ em tàn tật.
Nhu cầu nguồn vốn: Tổng nguồn cho cả giai đoạn 19,65
tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương 15,72 tỷ đồng, ngân sách địa phương 3,93
tỷ đồng.
- Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và nước sinh
hoạt :
Mục tiêu: Hỗ trợ hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo dân
tộc thiểu số về nhà ở và nước sinh hoạt để ổn định đời sống.
Nhu cầu vốn: Tổng nguồn cho cả giai đoạn 35,5 tỷ đồng
(trong đó: Nhà ở 23,5 tỷ đồng, nước sinh hoạt 12 tỷ đồng). Chia ra: Ngân sách
Trung ương 27 tỷ đồng, ngân sách địa phương và nguồn khác 8,5 tỷ đồng.
- Chính sách trợ giúp pháp lý :
Mục tiêu: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người
nghèo, góp phần bảo đảm công bằng, nâng cao hiểu biết pháp luật để người nghèo
tiếp cận và chấp hành pháp luật, thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Nhu cầu vốn: Tổng nguồn vốn là 4 tỷ đồng, trong đó,
NSTW và huy động quốc tế là 3,6 tỷ đồng, NSĐP là 400 triệu đồng.
+ Nhóm giải pháp về chính sách, dự án tạo điều
kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập:
- Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo:
Mục tiêu: Cung cấp tín dụng cho hộ nghèo có sức lao
động, có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất; Đáp ứng nhu cầu cả về mức vay,
thời hạn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, tự vượt
nghèo.
Nhu cầu vốn: Dư nợ cho vay hộ nghèo 520 tỷ đồng.
Trong đó: Ngân sách Trung ương 460 tỷ đồng; Ngân sách
địa phương 16 tỷ đồng; Huy động trong nước 44 tỷ đồng.
Số hộ dư nợ 52.000
hộ, bình quân dư nợ hộ nghèo đến năm 2010 là 10 triệu đồng/hộ.
- Dự án khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ sản xuất,
phát triển ngành nghề:
Mục tiêu: Hỗ trợ người nghèo về kiến thức, kỹ năng xây
dựng kế hoạch; Định hướng đúng trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp
phần tăng thu nhập bền vững.
Nhu cầu về vốn: Nhu cầu nguồn vốn cho cả giai đoạn là
2,48 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương.
- Dự án hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu
các xã nghèo:
Mục tiêu: Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu
phục vụ sản xuất và dân sinh cho các xã nghèo ngoài 135, góp phần đẩy nhanh tiến
độ giảm nghèo.
Nhu cầu vốn: Tổng kinh phí đầu tư cho
các xã nghèo là 58,8 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 50 tỷ đồng, ngân sách
địa phương 5 tỷ đồng; Huy động nguồn khác 3,8 tỷ đồng.
- Dự án dạy nghề cho người nghèo:
Mục tiêu: Trợ giúp người nghèo ở vùng đông dân cư, thiếu
đất sản xuất, những nơi chuyển đổi mục đích sử dụng đất một số kỹ năng cơ bản,
phương pháp làm ăn, có nghề phù hợp để tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập thông
qua các khóa dạy nghề ngắn hạn.
Nhu cầu vốn: Nhu cầu nguồn vốn cho cả giai đoạn là 14
tỷ đồng. Trong đó: Trung ương 11 tỷ đồng, địa phương 3 tỷ đồng.
- Nhân rộng mô hình giảm nghèo có hiệu quả:
Mục tiêu: Làm tốt công tác tuyên truyền các mô hình
giảm nghèo có hiệu quả, từ đó nhân rộng những mô hình điển hình trong các lĩnh vực
chăn nuôi, chế biến thực phẩm, may mặc… ở 12 huyện, thành, thị.
Nhu cầu vốn: Nhu cầu kinh phí cho cả giai đoạn là 1,440
tỷ đồng. Nguồn Trung ương 1,2 tỷ đồng, địa phương 240 triệu đồng.
+ Nhóm giải pháp dự án nâng cao năng lực và nhận
thức:
- Dự án đào tạo cán bộ:
Mục tiêu: Nâng cao năng lực về nhận thức, kỹ năng tổ
chức thực hiện các dự án, chính sách, kỹ năng thu thập thông tin và xây dựng dữ
liệu về nghèo đói ở cấp cơ sở cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp, đặc
biệt là cấp xã, phường;Tập huấn, nâng cao kiến thức và nghiệp vụ sư phạm để cán
bộ làm công tác giảm nghèo tập huấn cho người dân và vận động cộng đồng.
Nhu cầu vốn: 1,895 tỷ đồng. Trong đó,
ngân sách Trung ương: 1,8 tỷ đồng, địa phương: 95 triệu đồng.
- Theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình:
Mục tiêu: Xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu chính xác,
khoa học dựa trên kết quả điều tra, khảo sát xác định hộ nghèo theo quy trình điều
tra thống nhất của Bộ Lao động - TB&XH. Thiết lập hệ thống chỉ tiêu theo
dõi, giám sát, đánh giá thường xuyên ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Tổ chức đánh
giá giữa kỳ vào năm 2008. Đánh giá hiệu quả tác động của dự án, chính sách và
tổng thể chương trình vào năm 2010.
Phụ cấp cho đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác
giảm nghèo cấp xã mức 200.000 đồng/người/tháng (01 người/xã).
Nhu cầu vốn:3,140 tỷ đồng. Trong đó: Trung ương
2,640 tỷ đồng, địa phương 500 triệu đồng.
- Hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức:
Mục tiêu: Tăng cường hoạt động thông tin tuyên truyền,
phổ biến các cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước, phổ biến kinh nghiệm, giới
thiệu những mô hình giảm nghèo có hiệu quả để đông đảo người nghèo vận dụng.
Nhu cầu vốn: 400 triệu đồng.
+ Huy động, sử dụng và quản lý nguồn lực thực
hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006 -2010:
+ Tổng nhu cầu vốn:
Tổng nhu cầu vốn cho việc thực hiện các chính sách,
dự án chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 là 744,285 tỷ đồng
Trong đó: Ngân sách Trung ương: 125,800 tỷ đồng
(16,9%)
Ngân sách địa phương: 41,185 tỷ đồng (5,53%)
Vốn tín dụng: 520 tỷ đồng (69,87%)
Nguồn khác: 57,3 tỷ đồng (7,70%)
+ Cơ chế huy động nguồn lực thực hiện chương
trình:
Huy động nguồn lực từ:
- Ngân sách Trung ương.
- Ngân sách địa phương đến năm 2010, bố trí khoảng 1%
tổng chi ngân sách, trong đó ngân sách tỉnh hàng năm trích từ 02 tỷ đồng trở lên
chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Phú Thọ để tăng nguồn vốn
vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
- Huy động các doanh nghiệp cộng đồng tổ chức hộ gia
đình và cá nhân, vận động tài trợ quốc tế của các tổ chức đa phương, song phương
và phi Chính phủ trên cả 3 phương diện: Kỹ thuật, kinh nghiệm và tài chính.
- Tăng cường lồng ghép nguồn lực các chương trình.
+ Phân bổ nguồn lực:
Tập trung ưu tiên nguồn lực cho các xã miền núi, xã
có tỷ lệ hộ nghèo cao và bảo đảm công bằng giữa các địa phương có điều kiện như
nhau. Các chính sách phân bổ theo số lượng đối tượng của từng địa phương. Các dự
án, hoạt động khác phân bổ theo số lượng đối tượng và mức độ khó khăn trong
vùng.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
- Ủy ban nhân dân
tỉnh tổ chức triển khai và chỉ đạo thực hiện Nghị quyết này.
- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban và đại biểu
HĐND tỉnh giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XVI kỳ họp
thứ mười thông qua ngày 30 tháng 5 năm 2007./.