Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2020 do tỉnh Hà Nam ban hành

Số hiệu 06/2020/NQ-HĐND
Ngày ban hành 14/07/2020
Ngày có hiệu lực 24/07/2020
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Nam
Người ký Phạm Sỹ Lợi
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2020/NQ-HĐND

Hà Nam, ngày 14 tháng 7 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG CUỐI NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
KHOÁ XVIII, KỲ HỌP THỨ MƯỜI SÁU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Xét Tờ trình số 2054/TTr-UBND ngày 10 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị phê chuẩn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2020, Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận, thống nhất của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2020

6 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân; với sự chỉ đạo tập trung của Tỉnh ủy, sự điều hành sâu sát, quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng trưởng 6,43%. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp duy trì tăng hưởng, thu hút đầu tư đạt kết quả tốt. Văn hoá xã hội có nhiều hoạt động sôi nổi; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh đặc biệt là dịch bệnh Covid-19. Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được triển khai kịp thời, thiết thực. Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống Nhân dân ổn định.

Tuy nhiên, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chưa đạt kế hoạch đề ra như: Kim ngạch xuất nhập khẩu; tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ; tổng vốn đầu tư phát triển;...Hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Một số doanh nghiệp tiến độ đầu tư chậm, hiệu quả hoạt động thấp, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng cao so với cùng kỳ. Giải phóng mặt bằng, thi công một số dự án còn khó khăn, tiến độ giải ngân một số dự án còn chậm so với kế hoạch bố trí vốn. Quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo, ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa hiệu quả, thời gian giải quyết còn để kéo dài. Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Chất lượng tham mưu, sự phối hợp, chủ động, tích cực, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành chưa đáp ứng được yêu cầu.

Điều 2. Nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2020

1. Mục tiêu: Nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chi tiêu Kế hoạch của năm 2020 được xác định tại Nghị quyết số 38/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của HĐND tỉnh.

2. Nhiệm vụ giải pháp chủ yếu:

1.1. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Trung ương Đảng, của Quốc hội và của Chính phủ, đó là: Vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh Covid- 19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội, quyết liệt phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 theo Nghị quyết số 38/2019/NQ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

1.2. Hoàn thành gieo cấy lúa vụ Mùa đúng thời vụ, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tập trung tái đàn lợn, đảm bảo giảm thiểu nguy cơ tái phát dịch bệnh. Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cho sản xuất vụ Đông. Chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Tiếp tục tập trung tích tụ ruộng đất, đôn đốc dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, triển khai Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thuỷ sản trên đất trồng lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Xây dựng Đề án thành lập khu bảo tồn Voọc mông trắng tại huyện Kim Bảng. Phát triển HTX kiểu mới có liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện Đề án Phát triển sản xuất các khu nuôi trồng thủy sản tập trung tỉnh Hà Nam năm 2020; Đề án xây dựng mô hình điểm nuôi cá ứng dụng công nghệ cao “Sông trong ao” sản xuất theo chuỗi liên kết năm 2020; Quy định hỗ trợ thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Hà Nam giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030...

Tiếp tục huy động các nguồn lực, lồng ghép các chương trình mục tiêu phục vụ đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Hoàn thiện hồ sơ sớm công nhận huyện Lý Nhân đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2018-2020.

1.3. Nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đăng ký hoàn thành đầu tư đi vào sản xuất, có sản phẩm trong năm 2020; đồng thời kiên quyết cắt ưu đãi đầu tư, chấm dứt chủ trương, thu hồi đất dự án vi phạm Luật Đầu tư, Luật Đất đai. Có biện pháp quản lý, hỗ trợ về vốn vay đối với các doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Tập trung thu hút các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn trong nước trong các lĩnh vực theo định hướng đổi mới đầu tư phát triển của tỉnh, chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Kế hoạch thực hiện Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt qua thách thức, đón thời cơ, phục hồi kinh tế”.

1.4. Phát triển mạnh thương mại - dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hoạt động các khu công nghiệp, thu hút đầu tư... Đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ các dự án trung tâm thương mại, Khu du lịch Tam Chúc, sân golf Kim Bảng giai đoạn II, sân golf 36 hố và khu phụ trợ tại xã Tượng Lĩnh, Khu đại học Nam Cao, Khu y tế chất lượng cao, cụm cảng Yên Lệnh, nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô Hồng Đức... Tiếp tục xây dựng cơ chế thu hút đầu tư vào các phân khu chức năng Khu du lịch Tam Chúc; thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2019-2025, Đề án phát triển Du lịch cộng đồng giai đoạn 2020-2025.

1.5. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tăng cường quản lý đầu tư trên địa bàn. Xây dựng, ban hành Quy định quản lý đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Hà Nam (thay thế Quyết định số 21/2016/QĐ-UBND ngày 15/7/2016). Rà soát, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các dự án, trọng tâm là các dự án giao thông trọng điểm như: Tuyến đường nối Ba Sao - Bái Đính, Khu du lịch Tam Chúc, Hạ tầng Khu y tế chất lượng cao, Khu Đại học Nam Cao..., các dự án hoàn thành trong năm 2020; bảo đảm giải ngân hết số vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và nguồn vốn từ năm trước chuyển sang.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển đô thị. Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các chương trình, đề án đề nghị nâng loại đô thị theo quy định. Tiếp tục triển khai Kế hoạch xây dựng huyện Kim Bảng là đô thị loại IV, tiến tới thành lập thị xã; Đề án công nhận xã Hòa Hậu đạt tiêu chí đô thị loại V; Kế hoạch thực hiện đô thị tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Hà Nam đến năm 2030. Xây dựng Quyết định ban hành đơn giá bồi thường nhà, vật kiến trúc và di chuyển mồ mả khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2021.

1.6. Nắm chắc nguồn thu, đối tượng thu, chống thất thu, hạn chế nợ đọng ngân sách, đặc biệt là các khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, lĩnh vực khai thác khoáng sản, kinh doanh xăng dầu. Thực hiện nghiêm quy định trong chi tiêu ngân sách, sử dụng đúng mục đích, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xây dựng, ban hành Quy định phân cấp nguồn thu, tỷ lệ phần trăm từng nguồn thu, nhiệm vụ chi cho các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; ban hành Kế hoạch tài chính 5 năm tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025.

Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả hàng hóa, trọng tâm là các mặt hàng thiết yếu, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

1.7. Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa - xã hội. Tổ chức tốt các hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa - thể thao chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện chính trị lớn của đất nước, của tỉnh, nhất là các hoạt động chào mừng kỷ niệm 130 năm ngày thành lập Tỉnh. Thực hiện Đề án Phân loại lễ hội và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý lễ hội nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lễ hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học giai đoạn 2020-2025; tiếp tục triển khai Đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020; tổ chức nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế các kỳ thi năm học 2019 - 2020 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh Covid-19. Làm tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn vệ sinh lao động; tiếp tục thực hiện các kế hoạch triển khai Nghị quyết Trung ương 6 về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và dân số trong tình hình mới, Nghị quyết Trung ương 7 về chính sách bảo hiểm xã hội. Thực hiện kịp thời, đúng đối tượng các chính sách đảm bảo an sinh xã hội.

1.8. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, trật tự đô thị; rà soát, quản lý chặt chẽ quy hoạch đất đai, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Giải quyết quyết liệt, hiệu quả vấn đề xử lý rác thải nhất là rác thải sinh hoạt ở nông thôn, chất thải chăn nuôi, môi trường khu, cụm công nghiệp, môi trường khu vực Tây Đáy, môi trường sông Nhuệ - Đáy, sông Châu. Tiếp tục đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện Kêt luận 47-KL/TU ngày 19/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xử lý những tồn tại, vi phạm trong thực hiện Kế hoạch 566/KH-UBND của UBND tỉnh; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc cấp GCNQSD đất nông nghiệp sau dồn đổi, đất cơ sở tôn giáo. Xây dựng, ban hành và triển khai các Đề án, dự án quản lý khoáng sản, bảo vệ môi trường theo Kế hoạch.

Tập trung công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Tiếp tục vận hành hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã. Đẩy mạnh thanh tra công vụ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính. Tiếp tục triển khai trung tâm điều hành thông minh; Đề án Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

1.9. Giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đặc biệt trong việc thực hiện kế hoạch chống dịch bệnh Covid-19. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, đồng thời thực hiện tốt công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Nắm chắc tình hình, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đối thoại, chỉ đạo giải quyết đơn thư tại cơ sở, ổn định tình hình, quan tâm giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, xử lý sau thanh tra, kiểm toán. Tập trung phòng, chống tội phạm, kiềm chế tai nạn giao thông, hoạt động tín dụng đen, tệ nạn ma túy, cờ bạc.

[...]