Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị quyết 06/2014/NQ-HĐND về Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Hà Nội đến năm 2030

Số hiệu 06/2014/NQ-HĐND
Ngày ban hành 11/07/2014
Ngày có hiệu lực 21/07/2014
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Ngô Thị Doãn Thanh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2014/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ "QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030"

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 10

(Từ ngày 08/7/2014 đến ngày 11/ 7/2014)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thủ đô ngày 21 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đa dạng sinh học;

Căn cứ Quyết định số 79/2007/QĐ-TTg ngày 31/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thực hiện công ước đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học;

Căn cứ Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 42/TTr-UBND ngày 19/6/2014 của UBND Thành phố về việc thông qua "Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Hà Nội đến năm 2030”; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua "Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Hà Nội đến năm 2030" với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu, chỉ tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Đảm bảo các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù của Hà Nội, các loài và các nguồn gen quý hiếm, tài nguyên rừng... được bảo tồn, phát triển, sử dụng hợp lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội theo hướng bền vững.

1.2. Các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030

- Phối hợp bảo tồn và phát triển 3 khu bảo tồn đa dạng sinh học hiện có do Trung ương quản lý trên địa bàn Hà Nội; thành lập mới 7 khu bảo tồn và chuyển đổi rừng đặc dụng Hương Sơn thành khu bảo vệ cảnh quan cấp Thành phố.

- Phối hợp bảo tồn và phát triển 6 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn Thành phố do các cơ quan Trung ương quản lý; củng cố và phát triển 5 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học thuộc thành phố Hà Nội.

- Bảo vệ và phát triển thêm: 6.770,53 ha hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới cây lá rộng trên núi đất ở độ cao dưới 600m (diện tích đã được bảo tồn là 7.150,72ha), 675,86 ha hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi (diện tích đã được bảo tồn là 3.596,32 ha), 15,11 ha hệ sinh thái rừng hỗn giao tre nứa - gỗ (diện tích đã được bảo tồn là 197,96ha); trồng rừng và cây phân tán để đưa tỷ lệ che phủ rừng lên 7,7%.

- Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên bao gồm hệ sinh thái trảng cỏ, cây bụi và hệ sinh thái đất ngập nước; giữ nguyên số lượng và tập trung cải tạo cảnh quan, chất lượng nước một số hồ tự nhiên và nhân tạo trong Thành phố.

- Ưu tiên bảo vệ và phát triển các nguồn gen quý hiếm, các loài cây trồng vật nuôi đặc sản của thành phố Hà Nội.

- Bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái đô thị đặc thù thành phố Hà Nội. Tăng tỷ lệ cây xanh lên 10-12m2/người. Ưu tiên trồng các loài cây bản địa có giá trị kinh tế, cảnh quan và cải tạo nâng cao chất lượng môi trường sống.

- Phấn đấu 100% các loài ngoại lai trên địa bàn Thành phố được đưa vào danh mục kiểm soát và được cập nhật định kỳ theo ba nhóm danh mục: danh mục trắng (được phép nuôi, trồng), xám (được phép nuôi, trồng có điều kiện), đen (cấm nuôi, trồng) và có các biện pháp quản lý phù hợp.

- Duy trì và phát triển các khu vực bảo tồn tại chỗ và chuyển cho các nguồn gen quý hiếm, các loài cây trồng vật nuôi đặc sản thông qua các dự án, các mô hình xã hội hóa bảo tồn đa dạng sinh học của cộng đồng.

2. Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn và các nguồn gen

2.1. Giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020

[...]