Nghị quyết 05/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12 năm 2023 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 05/NQ-CP
Ngày ban hành 05/01/2024
Ngày có hiệu lực 05/01/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Trần Lưu Quang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/NQ-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ VỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT THÁNG 12 NĂM 2023

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12 năm 2023, tổ chức ngày 26 tháng 12 năm 2023,

QUYẾT NGHỊ:

Công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ năm 2023 đã đạt được kết quả quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế chính sách, quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện đột phá về xây dựng, hoàn thiện thể chế. Năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, cho ý kiến được 49 nội dung quan trọng, trong đó có 23 Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; 14 dự án Luật; tiếp thu ý kiến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với 03 dự án luật và 9 nội dung khác. Chính phủ đã ban hành 90 nghị định, 222 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 33 quyết định quy phạm pháp luật; tổ chức rà soát khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết 101 của Quốc hội (22 lĩnh vực trọng tâm và trên 500 văn bản) góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội, được Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao. Tiến độ xây dựng các dự án được bảo đảm, chất lượng các dự án được nâng lên.

Để đạt được kết quả nêu trên, Chính phủ, các bộ, ngành đã nỗ lực, cố gắng rất lớn trong năm 2023. Tuy nhiên, công tác xây dựng thể chế, pháp luật cần tiếp tục được coi trọng, đổi mới và dành nhiều nguồn lực hơn nữa. Trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung vào các nội dung: (1) Tăng cường vai trò người đứng đầu, bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý; (2) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng chính sách, bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng, trình dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; (3) Tiếp tục rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, nâng cao năng lực phản ứng chính sách trong bối cảnh tình hình mới, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển; (4) Đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất cho công tác thể chế; (5) Bổ sung, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức làm công tác pháp chế; có chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp; (6) Rà soát, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; giảm tối đa chi phí đầu vào để tăng tính cạnh tranh; (7) Tập trung phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường năng lực cấp dưới, thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát; (8) Chú trọng, tăng cường cho công tác xây dựng, ban hành, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, không để xảy ra tình trạng nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật; (9) Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan; phối hợp chặt chẽ, chia sẻ, lắng nghe ý kiến của các cơ quan, Ủy ban của Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội; lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, ý kiến của nhân dân và tiếp thu, chắt lọc kinh nghiệm quốc tế áp dụng phù hợp vào điều kiện, hoàn cảnh đất nước; (10) Bộ Tư pháp đẩy nhanh tiến độ tổng kết, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đổi mới, đơn giản hóa quy trình xây dựng pháp luật; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, cải cách thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng pháp luật; ...

Tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 12 năm 2023, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận, xem xét, cho ý kiến đối với 07 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và 02 dự thảo luật: (1) Đề nghị xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; (2) Đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ; (3) Đề nghị xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; (4) Đề nghị xây dựng Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; (5) Đề nghị xây dựng Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; (6) Đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; (7) Đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị; (8) Tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); (9) Tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chính phủ đánh giá cao các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc chuẩn bị, trình Chính phủ các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc vai trò của cơ quan thẩm định, thẩm tra, có ý kiến tham mưu độc lập, chất lượng; các Thành viên Chính phủ có nhiều ý kiến tâm huyết, với tinh thần trách nhiệm cao.

Chính phủ quyết nghị các nội dung cụ thể như sau:

1. Về Đề nghị xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

Thường trực Chính phủ đánh giá cao Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan lập Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy[1]; đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, hoạt động cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập trong thời gian qua.

Cơ bản thống nhất 05 chính sách của Đề nghị xây dựng Luật, Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Chính phủ, ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện bảo đảm yêu cầu sau:

- Tiếp tục tổng kết Luật và các quy định có liên quan về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan như: Luật Xây dựng, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Đầu tư, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và các văn bản về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan, lực lượng có liên quan,...; bảo đảm không chồng chéo, phát sinh bộ máy, biên chế; làm rõ phạm vi cứu nạn, cứu hộ trong Luật này.

- Tiếp tục rà soát, nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa; phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương quản lý, thực hiện và chịu trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn, đồng thời có quy định về xử lý thủ tục hành chính trên môi trường mạng, chuyển đổi số; phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với lĩnh vực xã hội hóa;

- Rà soát, nghiên cứu, quy định về hoạt động thẩm định trong Luật này đồng bộ với hoạt động thẩm định trong lĩnh vực xây dựng bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Nghiên cứu, quy định tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư trong phòng cháy, chữa cháy; rà soát, nghiên cứu quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy bảo đảm khả thi, trong đó cho phép áp dụng quy chuẩn nước ngoài cho phù hợp.

- Tiếp tục rà soát, phân loại các nhóm công trình, cơ sở đang tồn tại mà có khó khăn, vướng mắc, vi phạm, thiếu sót sau kiểm tra để có quy định chuyển tiếp trong Luật và giao cơ quan có thẩm quyền ban hành giải pháp tháo gỡ, khắc phục trong thời gian tới.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

2. Về Đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ:

Chính phủ đánh giá cao Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan lập Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hoàn thiện pháp luật về dẫn độ; bảo đảm đồng bộ, hiện đại, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài; bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực dẫn độ.

Cơ bản thống nhất 03 chính sách của Đề nghị xây dựng Luật, Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Chính phủ, ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện bảo đảm yêu cầu sau:

- Rà soát, chỉnh lý tên gọi của các chính sách để thể hiện rõ nội hàm, mục tiêu, nội dung của Chính sách. Tiếp tục đánh giá, làm rõ nội dung “Cam kết không thi hành hình phạt tử hình nếu người bị yêu cầu dẫn độ bị kết án tử hình và có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình lên Chủ tịch nước” bảo đảm vừa thể hiện pháp luật Việt Nam có quy định về hình phạt tử hình nhưng không áp dụng trong hợp tác quốc tế về dẫn độ, vừa bảo đảm tuân thủ trình tự, thủ tục, điều kiện của pháp luật các bên theo nguyên tắc có đi, có lại; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật.

- Tiếp tục rà soát Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Công an nhân dân, Luật Tổ chức tòa án nhân dân, các quy định pháp luật khác liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sự phối hợp của các cơ quan có liên quan trong hoạt động dẫn độ.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

3. Về Đề nghị xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù:

Chính phủ đánh giá cao Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan lập Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật nhằm hoàn thiện pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo hướng nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, ổn định, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; giúp bảo đảm tốt hơn quyền tái hòa nhập cộng đồng của người đang chấp hành án phạt tù; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này.

[...]