Nghị quyết 05/2009/NQ-HĐND về tăng cường công tác phòng, chống, kiềm chế sự gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS tại tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015
Số hiệu | 05/2009/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 17/07/2009 |
Ngày có hiệu lực | 27/07/2009 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Yên Bái |
Người ký | Hoàng Xuân Lộc |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2009/NQ-HĐND |
Yên Bái, ngày 17 tháng 7 năm 2009 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG, KIỀM CHẾ SỰ GIA TĂNG LÂY NHIỄM HIV/AIDS TẠI TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI KHOÁ XVI - KỲ HỌP THỨ 15
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân ngày 3 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễm dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 26 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);
Quyết định số 36/2004/QĐ-TTg ngày 17/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020”;
Sau khi xem xét Tờ trình số 77/TTr-UBND ngày 1/7/2009 của UBND tỉnh Yên Bái về việc đề nghị phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác phòng, chống, kiềm chế sự gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS tại tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010-2015”; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác phòng, chống, kiềm chế sự gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS tại tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010-2015”, với các nội dung như sau:
1. Mục tiêu
Kiềm chế sự gia tăng HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư tỉnh Yên Bái dưới mức 0,38% vào năm 2015 và không tăng sau năm 2020. Giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
2. Các giải pháp chủ yếu
2.1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đưa công tác phòng, chống HIV/ AIDS vào chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Coi kết quả thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Huy động toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi HIV/AIDS.
2.2. Đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục truyền thông về phòng chống HIV/AIDS. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục các chủ trương chính sách pháp luật về phòng chống HIV/AIDS đến các tầng lớp nhân dân, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của toàn xã hội đối với công tác phòng chống HIV/AIDS; đồng thời thay đổi thái độ và hành vi, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức chiến dịch truyền thông trong tháng hành động quốc gia phòng chống ma tuý và phòng chống HIV/AIDS. Củng cố và phát triển hệ thống các câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng, mô hình điểm toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư.
2.3. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội trong công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng chống HIV/AIDS. Thực hiện lồng ghép chương trình phòng chống HIV/AIDS với các chương trình phòng chống ma tuý, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, phòng chống lao và các tệ nạn xã hội khác để ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS. Gắn công tác phòng chống HIV/AIDS vào phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Khuyến khích các tổ chức từ thiện, các doanh nghiệp và nhân dân tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
2.4. Tập trung triển khai các chương trình can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong các nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao. Thực hiện chương trình cung cấp bơm kim tiêm (BKT), bao cao su (BCS), hộp an toàn đựng BKT bẩn cho hoạt động can thiệp giảm tác hại. Triển khai thí điểm điều trị thay thế bằng Methadone uống cho nhóm người nghiện ma tuý.
2.5. Thực hiện tốt các giải pháp chuyên môn, kỹ thuật trong phòng chống HIV/AIDS. Hoàn thiện hệ thống quản lý, theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, điều trị, hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS. Đảm bảo an toàn truyền máu và các chế phẩm máu trước khi truyền. Dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con, thực hiện quản lý sớm thai nghén để phát hiện sớm nguy cơ và điều trị sớm các thai phụ nhiễm HIV/AIDS.
2.6. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý của hệ thống cơ quan chuyên trách phòng chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phòng chống HIV/AIDS. Bố trí đủ số lượng cán bộ chuyên trách phòng chống HIV/AIDS ở tuyền tỉnh và huyện. Phân công trách nhiệm thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS ở các ngành, đoàn thể và xã, phường. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên, đồng đẳng viên tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở cấp xã và thôn bản.
3. Kinh phí
Hàng năm tỉnh bố trí Ngân sách của địa phương đầu tư cho công tác phòng chống HIV/AIDS, theo các nội dung hoạt động và mức hỗ trợ như sau:
Hỗ trợ hoạt động truyền thông, với mức 1.000.000 đồng/xã/năm; hỗ trợ cho việc thành lập câu lạc bộ người nhiễm HIV/AIDS, với mức 1.500.000 đồng/CLB; chi phí hoạt động cho thành niên câu lạc bộ, với mức 120.000đồng/thành viên/năm; sinh hoạt phí cho cộng tác viên tại xã phường, với mức 150.000 đồng/người/tháng đối với xã trọng điểm và 100.000đồng/người/tháng đối với các xã còn lại; hỗ trợ cán bộ xã, phường làm kiêm nhiệm công tác phòng chống HIV/AIDS, với mức 200.000đồng/người/tháng đối với xã trọng điểm và 100.000đồng/người/tháng đối với các xã còn lại; hỗ trợ cho đồng đẳng viên tham gia phòng chống HIV/AIDS, với mức 250.000đồng/người/tháng; các hoạt động thành lập Quỹ hỗ trợ người nhiễm; kiểm tra giám sát; mua bơm kim tiêm và bao cao su cung cấp cho các đối tượng can thiệp thực hiện thanh toán kinh phí theo hình thức thích hợp và đúng với các quy định hiện hành của nhà nước.
Điều 2. Giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khoá XVI - Kỳ họp thứ 15 thông qua./.
|
CHỦ
TỊCH |